DỰ THẢO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO THAM NHŨNG:

Xử lý hình sự nếu cố tình để lộ người tố cáo

Các chuyên gia đánh giá dự thảo là điểm tích cực để đấu tranh chống nội xâm và hiến kế cho dự thảo để dễ đi vào cuộc sống. Pháp Luật TP.HCM xin trích một số góp ý.

ÔngVÕ VĂN THÔN,nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM:

Dự liệu những tình huống trả thù

Giữ bí mật thông tin tố cáo và người tố cáo là yếu tố quan trọng để bảo vệ người tố cáo, phát hiện tham nhũng. Đây cũng có thể xem là một trong những giải pháp để bảo vệ người tố cáo một cách dài lâu. Chúng ta phải lường trước và dự liệu được những tình huống trả thù về sau của người bị tố cáo (bằng nhiều hình thức và các quan hệ khác nhau) đối với cá nhân người tố cáo.

Chính vì thế các cơ quan tiếp nhận, xử lý thông tin cũng như cơ quan bảo vệ người tố cáo phải hạn chế tối đa thông tin những thông tin cá nhân và thân nhân của người tố cáo. Nếu vô tình để rò rỉ thông tin về họ, có thể dẫn đến những tác hại không nhỏ. Còn khi cố tình để lộ tin mà dẫn đến người tố cáo bị trả thù thì hành vi cố tình để lộ thông tin có thể xem là hành vi hãm hại.

Thiết nghĩ quy chế bảo vệ người phát hiện và tố cáo tham nhũng phải quy định điểm này thật chặt, rõ. Riêng đối với hành vi cố tình để lọt thông tin tố cáo ra ngoài dẫn đến người tố cáo bị trả thù phải có chế tài thật nặng. Theo tôi, cần phải xử hành vi này bằng chế tài của luật hình sự.

Xử lý hình sự nếu cố tình để lộ người tố cáo ảnh 1

Việc phối hợp giữa các bên có trách nhiệm để báo vệ người tố cáo tham nhũng phải đảm bảo tính kịp thời. Ảnh minh họa: HTD

TSLÊ VĂN IN,chuyên gia hành chính:

Tránh hành chính hóa thủ tục, quy trình bảo vệ

Quy chế bảo vệ người tố cáo và phát hiện tham nhũng của Chính phủ là một điều tích cực, là hành động cụ thể để cho thấy quyết tâm của nhà nước trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng.

So với các quy chế đã ban hành ở một số địa phương, quy chế này chặt chẽ hơn, có nhiều giải pháp để bảo vệ người tố cáo và phạm vi dự liệu đối tượng có khả năng bị trả thù cũng đã mở rộng rất nhiều. Không chỉ người tố cáo được bảo vệ mà người thân của họ cũng được bảo vệ, không chỉ có hành động trả thù trực tiếp mới được bảo vệ mà những hành vi trả thù tinh vi: đánh vào quyền lợi chính trị, kinh tế, nhân thân của người tố cáo cũng được chú ý ngăn chặn.

Tuy nhiên, có một điều cần phải chú ý là việc phối hợp giữa các bên có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tố cáo người tham nhũng. Phải đảm bảo tính kịp thời, nhất là đối với những vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, người tố cáo có khả năng bị trả thù cao nhất. Quy chế cần quy định rộng hơn các khả năng “ứng chiến khẩn cấp”. Tránh hành chính hóa mọi thủ tục, quy trình trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng vì điều này sẽ dẫn đến hệ quả là người tố cáo đã bị ăn đòn các cơ quan mới đứng ra bảo vệ.

PGS-TSĐẶNG NGỌC DINH,Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu phát triển:

Cần có cơ quan bảo vệ độc lập

Qua tìm hiểu của chúng tôi, khi người dân tham gia vào trận chiến chống tham nhũng thì đã xác định những nguy cơ mà họ phải đương đầu, thậm chí có thể hy sinh nhiều thứ. Họ không xem việc thưởng, tuyên dương là một nhu cầu kiếm thêm lợi nhuận trong chuyện này. Nguyện vọng chủ yếu của người dân khi họ tham gia vào việc đấu tranh, tố cáo chống tham nhũng là mong sự việc của mình được sớm giải quyết và những người tham nhũng bị trừng trị thích đáng để làm gương. Vì thế việc ban hành quy chế bảo vệ họ là hành động tích cực. Nhưng nếu như các cơ quan chống tham nhũng quyết liệt hơn trong từng vụ việc để đáp ứng hai nguyện vọng ấy thì có thể xem nó là một giải pháp lớn, hiệu quả để tạo niềm tin cho người dân tham gia vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng và cũng là bức tường chắn để bảo vệ họ trước nguy cơ bị đối tượng tố cáo trả thù sớm.

Đối với những hành vi trả thù tinh vi sẽ rất khó để xác định để bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Vì vậy, nếu chỉ quy định cấm một phía các cơ quan xâm phạm đến các quyền lợi kinh tế, chính trị,… của họ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cần phải nghiên cứu thật kỹ vấn đề này. Ý kiến riêng của tôi về vấn đề này là cần phải nghiên cứu thể chế xử lý vượt khung trong trường hợp này.

Còn về xa hơn, để việc bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả hơn thì cần phải có một cơ quan bảo vệ người tố cáo mang tính độc lập. Dĩ nhiên, trước mắt điều đó là chưa thể. Cái quan trọng nhất là tạo ra một không khí đồng thuận cao trong xã hội, xem việc tố cáo tham nhũng là một hành động bình thường của toàn xã hội. Các cơ quan thực hiện công tác này cần phải công bằng và hiểu được vị trí ý nghĩa của mình đối với công tác này. Trên hết vẫn là sự quyết liệt làm đến cùng các vụ việc mà người tố cáo đã tố cáo và đã có dấu hiệu tham nhũng rõ ràng.

MINH CƯỜNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm