BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO THAM NHŨNG:

Cần ngăn chặn hình thức trả thù tinh vi

Để quy chế thực sự trở thành điểm tựa cho cuộc chiến chống nội xâm thì còn rất nhiều chuyện phải bàn. Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu ý kiến của TS Lê Văn In, chuyên gia hành chính, người từng góp nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này trước khi quy chế được ban hành.

Việc TP.HCM ban hành Quy chế về bảo vệ và khen thưởng người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng là kịp thời, tích cực, thể hiện được phần nào quyết tâm của TP đối với việc khuyến khích toàn dân tham gia chống tham nhũng. Hành vi tham nhũng càng tinh vi, các thế lực tham nhũng đã không còn núp bóng nữa mà dám ra mặt. Chính vì vậy, việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng cần phải hoàn thiện hơn để tạo niềm tin cho người chống tham nhũng.

Với quy định về việc bảo vệ khẩn cấp, quy chế đã tạo ra một điểm tựa cần thiết cho người phát hiện và tố giác tham nhũng an tâm phần nào. Nhưng dường như trong quy định về điều kiện được bảo vệ lại tỏ ra khắt khe hơn, thể hiện ở chỗ thông tin người phát hiện, tố cáo phải “được cơ quan thụ lý xác định tính chính xác của thông tin về hành vi tham nhũng”. Tất nhiên, quy định thế là để phòng ngừa việc tố cáo sai sự thật. Nhưng thiết nghĩ người đã dũng cảm và quyết tâm đi tố cáo hành vi tiêu cực thì họ đã có những căn cứ của mình.

Cần ngăn chặn hình thức trả thù tinh vi ảnh 1

Ông Ngô Quang Trưởng, giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Hải, TP.HCM, bị bắt để điều tra hành vi đã thuê người sát hại người tố cáo tiêu cực.   Ảnh CTV

Chính vì vậy, điều quan trọng ở đây là cần phải có một sự phối hợp nhanh chóng giữa các cơ quan chức năng để xác minh thông tin. Vì trên thực tế để xác minh được tính chính xác của thông tin đó phải thông qua một quá trình nhiều khâu, tốn nhiều thời gian. Như vậy, đặt trường hợp trong thời gian xác minh người tố cáo tham nhũng bị trả thù, đe dọa thì sao?

Để hợp lý hơn, tôi nghĩ các cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận thông tin cần phải tiến hành xác minh ngay và thẩm định bước đầu tính xác thực của thông tin. Nếu nhận thấy người tố cáo đang lâm vào nguy hiểm cần bảo vệ thì phải tiến hành ngay các biện pháp bảo vệ họ chứ không đợi phải xác minh xong để tránh tình trạng “được vạ thì má đã sưng”.

Mặt khác, việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng không nên chỉ dừng lại khi xảy ra các hành vi đe dọa trực tiếp. Trên thực tế, tham nhũng ngày càng diễn biến tinh vi thì hành vi trả thù người tố cáo tham nhũng cũng tinh vi hơn rất nhiều. Họ đâu chỉ đe dọa, trả thù trực tiếp mà còn trả thù bằng cách đe dọa thân nhân người tố cáo, bằng cách hạn chế, cắt các quyền lợi của người tố cáo... Tôi thấy trong dự thảo quy chế khi đưa ra lấy ý kiến có quy định cả việc bảo vệ cho người thân của người tố cáo tham nhũng. Nhưng không hiểu tại sao trong quy chế chính thức này lại không thấy điều đó.

Theo tôi, để bảo vệ người phát hiện và tố giác tham nhũng trước các hành vi trả thù tinh vi thì quy chế cần phải có những quy định hình thành “tấm lá chắn” có khả năng răn đe được đối tượng bị tố giác và những người liên quan. Chẳng hạn như trong những cơ quan, tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo hành vi tham nhũng, phải quy định trách nhiệm lẫn chế tài cụ thể đối với những người có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và bảo vệ thông tin đó. Cùng đó, cũng phải có những chế tài nặng đối với việc để lộ nguồn tin này trước khi nó được chuyển đến các cơ quan liên quan xác minh, điều tra. Quy chế chỉ mới quy định chế tài đối với cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo mà chưa quy định chế tài đối với cơ quan tiếp nhận nhưng lại để lọt tin tố cáo ra ngoài là chưa hợp lý.

Hai vụ bị giết vì tố cáo tiêu cực

1. Ngày 18-11-2009, Ngô Quang Trưởng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hải (Hóc Môn, TP.HCM), đã bị bắt khẩn cấp để điều tra làm rõ hành vi giết người. Nạn nhân là ông Đặng Xuân Sĩ - nguyên Phó Giám đốc Công ty Hoàng Hải. Sau một thời gian hùn vốn cùng kinh doanh bất động sản với Trưởng, phát hiện Trưởng có nhiều hành vi trái pháp luật nên ông Sĩ đòi rút vốn và gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Từ đó, ông Sĩ liên tục bị đe dọa buộc rút đơn, bị hành hung, bị dọa giết. Ông đã ba lần gửi đơn đến công an kêu cứu, cuối cùng bị giết vào trung tuần tháng 10-2009.

Trưởng khai do bị ông Sĩ tố cáo những việc làm trái pháp luật tới cơ quan chức năng nên đã thuê người đe dọa buộc ông Sĩ rút đơn. Sau nhiều lần đe dọa nhưng không đạt được mục đích, Trưởng đã đưa hơn 10 triệu đồng cho một nhóm giang hồ Hải Phòng nhằm sát hại ông Sĩ để bịt đầu mối.

2. Tháng 8-2001, dư luận TP.HCM rúng động bởi cái chết của anh Đặng Vũ Thắng - kế toán Thảo Cầm Viên. Anh Thắng là người đứng ra tố cáo những tiêu cực tại vườn thú này, cung cấp các thông tin sai phạm về xây dựng công trình liên quan đến giám đốc và một số cán bộ khác trong Thảo Cầm Viên, qua đó cơ quan pháp luật đã xử lý những người liên quan.

Chính vì việc tố cáo trên mà anh Thắng đã bị Lâm Bích Thủy, thủ quỹ của Thảo Cầm Viên, người có quan hệ thân tình với giám đốc vườn thú, thuê côn đồ chém chết với giá hơn 60 triệu đồng. Sau đó, Lâm Bích Thủy bị tòa xử tù chung thân.

Tháng 6-2009, đại diện gia đình anh Thắng đã được vinh danh tại buổi tuyên dương 16 cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng.

TS LÊ VĂN IN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm