Không vì kẹt xe mà hạn chế xây cao ốc

LTS: Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Sở GTVT đã đề nghị chủ đầu tư các cao ốc phải chung tay tham gia giải quyết vấn đề giao thông trong quá trình xin phép xây dựng cao ốc. Cụ thể, chủ đầu tư phải làm đánh giá tác động giao thông để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cấp phép hay không cho dự án. 

Tuy nhiên, các cơ quan liên quan đến công tác cấp phép cho cao ốc thì cho rằng đề xuất trên là không ổn! Để rộng đường dư luận, Báo Pháp Luật TP.HCM bắt đầu giới thiệu các ý kiến liên quan vấn đề này.

Không vì kẹt xe mà hạn chế xây cao ốc ảnh 1

Dự án cao ốc được đề nghị đánh giá tác động giao thông nằm trên đường Sư Vạn Hạnh, đoạn thường xuyên xảy ra kẹt xe. Ảnh: MP

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc TP:

quy hoạch thì phải cấp phép

Không thể vì vấn đề giao thông mà gác lại bài toán kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế. Cấp phép xây dựng là thực hiện theo quy hoạch, đã có quy hoạch thì không thể bác bỏ việc đầu tư. Khi có nhà đầu tư quan tâm, không lẽ chúng ta giấu quy hoạch đi hoặc bảo họ chờ xong hạ tầng rồi hãy quay lại!

Việc phát triển thượng tầng trong khi hạ tầng không theo kịp là một bài toán hóc búa mà các nước nghèo hay gặp phải. Chính vì thế, vừa qua TP phải chọn giải pháp mang tính chiến thuật là lập ra Hội đồng Kiến trúc TP để xem xét từng công trình một. Trong hội đồng này luôn có thành viên là đại diện của Sở GTVT và vị này hoàn toàn có quyền bày tỏ ý kiến của mình và không ít lần TP đã xem xét lại trước các cảnh báo này.

Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng cấp phép Sở Xây dựng:

Chưa có cao ốc đã kẹt xe thì sao?

Sở Xây dựng đang giao phòng cấp phép rà soát để bỏ bớt các thủ tục không cần thiết trong quá trình cấp phép. Trong khi đó, đề xuất của Sở GTVT lại thêm thủ tục cho chủ đầu tư, mà thủ tục này cực kỳ khó khăn.

Chủ đầu tư sẽ làm thế nào để đánh giá?

Hiện nay, nhiều khu vực dù chưa có cao ốc nhưng đã kẹt xe, vậy chúng tôi sẽ khỏi cấp phép xây dựng nữa?

Cần phải nhìn nhận cho khách quan rằng không phải kẹt xe là hoàn toàn do cho xây cao ốc.

Ta thử đếm và so sánh xem số lượng người ra vào một cao ốc với một siêu thị thấp tầng, thậm chí là một cửa hàng đại hạ giá nào đó xem nơi nào người nhiều hơn? Các cao ốc chỉ mới rộ lên hai, ba năm nay trong khi kẹt xe đã bùng nổ từ thời xe máy Trung Quốc bắt đầu tràn vào...

Ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc:

Khi cấp phép, đã có lưu ý về giao thông

Việc xây dựng cao ốc trong nội thành chỉ là một yếu tố cộng hưởng của nạn kẹt xe. Kẹt xe chủ yếu là do bố trí giao thông chưa tốt, ví dụ thiếu phương tiện công cộng. Trước nay, khi cung cấp các chỉ tiêu quy hoạch về tầng cao, mật độ xây dựng cho một công trình cao ốc, chúng tôi cũng có lưu ý về vấn đề hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, giao thông. Chẳng hạn, đường lớn thì mới được xây cao, đường nhỏ thì chỉ được xây thấp. Tôi cho rằng việc này nên thực hiện như hiện nay, tức thông qua Hội đồng Kiến trúc TP để xem xét các chỉ tiêu. Trong Hội đồng Kiến trúc TP cũng có thành viên của Sở GTVT để có ý kiến về vấn đề tác động giao thông. Do đó, không nên đặt ra thêm một thủ tục bắt chủ đầu tư phải đánh giá tác động giao thông vì rất khó cho họ.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng:

Không có tiêu chí, làm sao đánh giá?

Trong mười, hai mươi lý do dẫn đến kẹt xe mức độ khủng hoảng như hiện nay có lý do là cao ốc vào quá sâu trong nội thành. Nhưng ta không phải vì thế mà hạn chế cao ốc. Ở những thành phố đất chật, đầy cao ốc như Singapore, Hong Kong, giao thông vẫn tốt đó thôi.

Việc đánh giá tác động giao thông trước khi quyết định cho xây cao ốc là đúng nhưng ai làm công việc này, công thức như thế nào, dựa vào tiêu chí nào?

Ta không thể bắt chủ đầu tư làm hoặc đẩy họ vào tình cảnh bỏ một cục tiền ra mua đất xong rồi không biết có đầu tư được hay không. Coi chừng thủ tục này lại dẫn tới chuyện xin-cho rất không hay.

CẨM TÚ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm