Trung tâm TP.HCM nghẹt thở vì lô cốt

Liên tiếp các tối 23, 24-12, hàng loạt tuyến đường ở trung tâm TP.HCM kẹt cứng trong nhiều giờ. Nguyên nhân chủ yếu do lượng người đổ về chơi Noel rất đông nhưng nếu không có hàng loạt lô cốt đang án ngữ ở quận 1 thì tình hình đã dễ thở hơn rất nhiều.

Khổ sở vì lô cốt

Theo ghi nhận của PV, trên địa bàn quận 1 hiện có tới chín vị trí bị rào chắn. Đáng kể nhất là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên đã dựng rào chắn toàn bộ một chiều đường Lê Lợi hướng từ Pasteur về Bến Thành và vòng xoay trước chợ Bến Thành. Do diện tích đường bị chiếm dụng quá lớn nên khu vực này luôn xảy ra ùn tắc, kéo theo các con đường xung quanh như Lý Tự Trọng, Pasteur, Nguyễn Thị Nghĩa cũng thường xuyên tắc nghẽn. Tương tự, do ảnh hưởng của công trình nhà ga Ba Son, khu vực đường Tôn Đức Thắng cũng thường xuyên ùn tắc kéo dài.

Ông Lý Văn Tường, làm việc ở quận 1, ngụ quận 9, ngán ngẩm: “Trước kia tôi đi từ chợ Bến Thành sang đường Calmette, sau đó ra đại lộ Võ Văn Kiệt để về quận 9, tất cả chỉ mất 40-45 phút. Còn từ khi có lô cốt mọc lên, mỗi buổi chiều tôi phải mất 30 phút loay hoay ở đoạn đường Lê Lai, Nguyễn Thị Nghĩa. 16 giờ 30 tan sở mà mãi hơn 18 giờ mới về tới nhà”.

Không chỉ ảnh hưởng giao thông, các lô cốt cũng là nỗi buồn của những chủ cửa hàng trên đường Lê Lợi. Mãi 9 giờ sáng Chủ nhật 24-12, hầu hết các cửa hàng ở đây vẫn chưa mở cửa. “Đường bị bít hết rồi, có ai đi qua nữa mà mở cửa hàng sớm. Còn giờ cao điểm thì xe cộ ken đặc, ai dám dừng xe vào mua hàng. Khách du lịch chẳng có chỗ chen chân nên họ tập trung về phía phố đi bộ hoặc chợ đêm hết rồi. Lỡ thuê mặt bằng lâu năm nên tụi tôi phải cố đấm ăn xôi để chờ dự án hoàn thành” - chị Trần Thị Nhu, chủ cửa hàng lưu niệm trên đường Lê Lợi, ngậm ngùi.

Nhiều cửa hàng trên đường Lê Lai mở cửa rất trễ do bị lô cốt án ngữ trước mặt khiến kinh doanh ế ẩm. Ảnh: HƯƠNG TRANG

Đêm 23-12, nhiều người lỡ đi vào quận 1 phải mất hàng giờ mới thoát ra được. Ảnh: NGUYỄN THẮNG

Tình hình tương tự cũng xảy ra tại nhiều nơi khác. Dự án cải thiện môi trường nước, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ giai đoạn 2 trên dựng lô cốt tại góc ngã ba đường Bình Thới-Lạc Long Quân, quận 11 khiến khu vực liên tục ùn ứ nhiều tháng nay. Dự án cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng cũng khiến tuyến đường Minh Phụng, Bình Tiên, Bãi Sậy hay kẹt xe kéo dài. “Người dân tụi tôi ngày nào cũng trông mong các lô cốt sớm dẹp. Bụi bặm, kẹt xe khiến hàng quán buôn bán ế ẩm quá” - chị Lý Thị Phượng, bán cà phê trên đường Minh Phụng, thở than.

Ông Phạm Hoàng Trung, ngụ phường 10, quận 11, bức xúc: “Tuy đoạn đường đang thi công chỉ dài khoảng 50 m song họ lại chiếm hơn nửa bề rộng của lòng đường, chỉ chừa khoảng 2 m cho hai làn xe di chuyển. Chúng tôi rất mong nhà thầu khẩn trương thi công để hoàn thành sớm vì cuộc sống đã bị xáo trộn quá lâu rồi”.

Một điều khiến người dân bức xúc nữa là hàng loạt tuyến đường đang được đào lên vào ban đêm để thi công. Dù sau đó mặt đường được tái lập nhưng bùn cát, bụi bặm ảnh hưởng rất lớn tới việc kinh doanh của người dân dịp cuối năm.

Số lô cốt tăng đột biến

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, xác nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ cuối năm là do có nhiều rào chắn xuất hiện khắp nơi. Hiện toàn TP có tới 113 vị trí rào chắn trên 50 tuyến đường (tăng đến 43 vị trí so với cùng kỳ năm 2016) để phục vụ thi công các công trình thoát nước có vốn ODA và những dự án khác. Trong đó, quận 1 có chín vị trí; quận 4 có 16 vị trí; quận 5 có tám vị trí; quận 2, quận 9, Thủ Đức có 16 vị trí; quận 8 có đến 18 vị trí…

113 vị trí rào chắn đang hiện diện trên 50 tuyến đường ở TP.HCM, tăng đến 43 vị trí so với cùng kỳ năm 2016. 

“Sở dĩ số điểm rào chắn tăng mạnh là do TP triển khai thi công các dự án sử dụng vốn ODA, có quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài, như dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, dự án cải thiện môi trường nước... Trong đó, dự án cải thiện môi trường nước có đến 53 rào chắn” - ông Đường nói.

Tại sao cứ cuối năm lại có tình trạng ồ ạt đào đường, dựng lô cốt? Ông Đường lý giải: “Tất cả dự án đang thi công đều được thực hiện theo đúng kế hoạch mà chủ đầu tư trình Sở GTVT!”.

Trong dịp cuối năm, Sở GTVT đã có kế hoạch “giải cứu” các điểm đen giao thông. Chẳng hạn ở khu vực quận 1 sẽ tăng cường lực lượng điều tiết ở những khu vực quanh lô cốt; khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã thành lập tổ công tác chuyên phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể dẫn đến ùn tắc. Sở cũng mở mới nhánh đường rẽ trái từ đường Bạch Đằng về đường Hồng Hà để tránh lượng xe tập trung về đường Trường Sơn…

Tuy nhiên, ông Đường cho rằng: “Kẹt xe ở quận 1 chỉ giảm nếu các lô cốt được tém dẹp bớt. Tôi đề nghị các đơn vị chức năng kiểm tra, những vị trí nào chưa thi công thì buộc nhà thầu phải dỡ bỏ lô cốt. Vị trí nào làm xong rồi thì buộc tái lập sớm để trả lại mặt đường cho người dân lưu thông”.

39 tuyến đường sẽ bị đào xới trong năm 2018

Tổng cộng có 39 tuyến đường ở địa bàn TP.HCM sẽ bị đào trong năm 2018, mỗi tuyến ít nhất có hai công trình thi công. Nơi nhiều nhất có đến bốn công trình thi công trùng lắp (xem danh sách cụ thể trên plo.vn).

Số liệu trên vừa được Sở GTVT TP.HCM gửi cho các chủ đầu tư công trình có liên quan để phối hợp thi công, tránh tình trạng đường bị đào xới, tái lập nhiều lần, ảnh hưởng đến giao thông cũng như đời sống của người dân.

Theo yêu cầu của Sở GTVT TP, do các tuyến đường có công trình thi công trùng lắp nên chủ đầu tư công trình phải làm việc trực tiếp với các đơn vị liên quan, lên phương án thi công đồng bộ, không đào đường và tái lập nhiều lần. Sở chỉ xem xét cấp phép đào đường khi các chủ đầu tư có kế hoạch thi công chi tiết, đồng bộ đối với những khu vực có công trình trùng lắp.

TRUNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm