Tuyến metro Bến Thành-An Sương: 25 phút, giá vé 3.000 đồng

Từ năm 2003, Tập đoàn Siemens (Đức) đề nghị UBND TP.HCM cho phép được lập nghiên cứu khả thi hai tuyến metro đầu tiên tại TP.HCM là Bến Thành-Tham Lương và Bến Thành-Bến xe Miền Tây. Tháng 3-2008, Việt Nam và Đức ký hiệp định về việc CHLB Đức trợ giúp xây dựng tuyến metro số 2 tại TP.HCM.

Mỗi giờ vận chuyển 40.000 hành khách

Với ước vọng sớm đưa hệ thống tàu điện ngầm tại TP.HCM mới và hiện đại vào vận hành an toàn, phía CHLB Đức đã mở hàng loạt cuộc trao đổi, hội thảo với các cơ quan chức năng, nhà chuyên môn Việt Nam. Ấn tượng nhất là ngày 15-12-2009, tại Hà Nội, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam tổ chức hội thảo về các luật, quy định, tiêu chuẩn cho hệ thống metro tại Việt Nam. Các chuyên gia của Đức đã tư vấn và khuyến nghị phía Việt Nam soạn thảo ngay các văn bản pháp luật, xây dựng các quy định, các tiêu chuẩn kỹ thuật và đưa ra các kiến nghị cho các giải pháp kỹ thuật khác nhau trong giai đoạn xây dựng cũng như khai thác tuyến metro.

Tại hội thảo, các vấn đề bảo đảm nhu cầu tăng trưởng giao thông, tối ưu hóa năng lượng tiêu thụ, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn và quan trọng nhất là bảo đảm an toàn giao thông… đã được các chuyên gia Đức trao đổi cởi mở. “Từ hội thảo, TP.HCM đã hình dung và xây dựng nên các tiêu chí mới cho tuyến metro số 2 và các tuyến khác. Một ví dụ, với công nghệ thông, lọc và làm lạnh gió, cũng như chống ẩm, chống ngập, chiếu sáng suốt tuyến và trên từng khu gian, dù đi trong đường ngầm sâu 20-30 m dưới lòng đất và ở trên một toa xe với gần 300 con người nhưng bạn sẽ không cảm thấy nóng bức, khó chịu và lo ngại như đi xe… buýt!” - ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị, nói.

Tuyến metro Bến Thành-An Sương: 25 phút, giá vé 3.000 đồng ảnh 1

Sơ đồ tuyến metro số 2 và các nhà ga.

Cũng theo ông Quốc, trong vận hành, khai thác, phía bạn đưa ra những lộ trình từng bước khá hợp lý, thuyết phục. Cụ thể, trong giai đoạn 1, đoạn từ Bến Thành đến Tham Lương, khi lượng khách chưa đông thì sẽ vận chuyển bằng đoàn tàu ba toa (mỗi toa dài 22 m, rộng 3,15 m) với sức chở khoảng 810 hành khách. Điều đặc biệt, bạn vẫn giữ nguyên chiều rộng (3,15 m) và chiều cao (3,865 m) của các toa xe theo tiêu chuẩn châu Âu, không làm nhỏ, thấp như của các nhà đầu tư khác. “Vì vậy khi bước vào toa xe bạn sẽ có cảm giác thoải mái, không gian rộng rãi và thoáng mát, nhất là khi đoàn tàu đi trên những đoạn đường trên cao giữa không gian nóng bức của vùng đất nhiệt đới phương Nam” - ông Quốc nói.

Sau khi hoàn thành cả giai đoạn 2 nối với ga Thủ Thiêm và Bến xe An Sương sẽ đưa đoàn tàu sáu toa vào hoạt động với sức chở 1.620 hành khách. Như vậy, theo tính toán sau khi đưa vào sử dụng, năng lực vận chuyển của toàn tuyến đường sắt đô thị số 2 có thể lên đến trên 40.000 người/giờ/hướng.

Không dựng “lô cốt” trên đường khi thi công

Hạng mục đường sắt đi ngầm dài hơn 9,3 km sẽ đi sâu dưới lòng đất 20-30 m với hai làn đường hầm đơn (đi và về), mỗi làn đường hầm có đường kính gần 6,7 m. Hai làn hầm này sẽ đi ngầm chủ yếu theo trục đường Phạm Hồng Thái-Cách Mạng Tháng Tám-Trường Chinh. Các nhà thầu sẽ sử dụng những vị trí làm nhà ga được đào hở thành trung tâm chỉ huy để đưa các máy khoan hầm (TBM - giống như các đầu đào, robot, con chuột dùng đào đường ống thu nước ở công trình Nhiêu Lộc-Thị Nghè với đường kính trung bình chỉ 2,5 m) có đường kính đào lớn hơn 6,7 m xuống. Máy khoan hầm sẽ đào ở từng đoạn khu gian và đưa đất đào lên cửa là các vị trí nhà ga đào hở. Do đó trên bề mặt các tuyến đường trục trên hoàn toàn không xuất hiện “lô cốt” và giao thông vẫn đi lại bình thường, không như đã từng xảy ra dọc tuyến song hành Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Hoàng Sa-Trường Sa. “Với cách làm này, người dân có nhà ở trên hoặc đang đi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh… hoàn toàn không thể biết bên dưới lòng đất đang hình thành nên một tuyến metro hiện đại!” - ông Quốc cho biết.

Tuyến metro Bến Thành-An Sương: 25 phút, giá vé 3.000 đồng ảnh 2

Phối cảnh depot Tham Lương.

Xương sống của thành phố

Tuyến metro số 2 có tổng chiều dài 20 km, trong đó đoạn từ Bến Thành đến Tham Lương có chiều dài hơn 11,3 km, bao gồm hơn 9,3 km đi ngầm với 10 nhà ga ngầm và hơn 1 km đường trên cao với một nhà ga trên cao. Ngoài ra còn có một đường nhánh dài gần 1 km nối với nhà depot Tham Lương.

Tuyến metro số 2 có điểm đầu tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và điểm cuối tại Bến xe An Sương. Lộ trình tuyến giai đoạn 1: Bến Thành-Phạm Hồng Thái-Cách Mạng Tháng Tám-Trường Chinh-Tham Lương. Giai đoạn 2 được thi công tiếp với điểm đầu từ Bến Thành chui dưới sông Sài Gòn nối dài qua Thủ Thiêm và từ depot Tham Lương sẽ kéo dài tới Bến xe An Sương hoặc lên Khu công nghiệp-đô thị mới Tây Bắc Củ Chi.

Trên tuyến giai đoạn 1 có 11 nhà ga, gồm 10 nhà ga ngầm (ga Bến Thành, Tao Đàn, Công trường Dân Chủ, Hòa Hưng, Lê Thị Riêng, Phạm Văn Hai, Bảy Hiền, Nguyễn Hồng Đào, Bà Quẹo, Phạm Văn Bạch) và ga Tân Bình nằm ở trên cao.

Tuyến metro Bến Thành-An Sương: 25 phút, giá vé 3.000 đồng ảnh 3

Phác thảo đoàn tàu metro Bến Thành theo tiêu chuẩn châu Âu.

Thời gian vận hành tuyến metro số 2 dự kiến năm 2016. Theo tính toán của các chuyên gia, tốc độ khai thác cho phép của metro chạy trên tuyến số 2 là 80 km/giờ. Trong giai đoạn 1, thời gian đi từ Bến Thành đến ga cuối là Tân Bình (nằm tại ngã ba Trường Chinh-Tây Thạnh, đường vào Khu công nghiệp Tân Bình) sẽ mất khoảng 18-20 phút (cộng cả thời gian dừng lên xuống khách ở các ga). Giai đoạn 2, nếu kéo dài đến Bến xe An Sương thì thời gian đi từ Bến Thành đến An Sương dài gần 14 km chỉ mất khoảng 25 phút. Giá vé cho một lượt lên xuống đi từ Bến Thành đến An Sương vào thời điểm năm 2017-2019 sẽ là 3.000 đồng/hành khách (giá vé tuyến xe buýt nhanh Bến Thành-An Sương hiện nay là 5.000 đồng/hànhkhách/lượt và thời gian hành trình là hơn 50 phút).

Theo quy hoạch, tuyến metro số 2 sẽ chạy về nhà ga trung tâm Bến Thành. Từ đây, hành khách đi tuyến số 2 có thể chuyển sang đi tiếp trên các tuyến khác như tuyến số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), tuyến số 3a (Bến Thành-Tân Kiên) và tuyến số 4 (cầu Bến Cát-Nguyễn Văn Linh). Ngược lại, từ nhà ga trung tâm Bến Thành, hành khách đi các tuyến số 1, 3a và 4 cũng có thể chuyển tiếp đi trên tuyến số 2.

Ngoài ra, trên tuyến số 2, hai nhà ga Bảy Hiền và Bà Quẹo là hai điểm trung chuyển đồng mức để hành khách có thể chuyển sang đi hai tuyến metro khác là tuyến số 5 (Cần Giuộc-cầu Sài Gòn) và tuyến số 6 (Bà Quẹo-Phú Lâm). “Với đặc điểm chạy từ cửa ngõ tây bắc về trung tâm TP (Bến Thành) và trung chuyển khách được với nhiều tuyến khác nên tuyến metro số 2 sẽ là tuyến metro xương sống của TP” - ông Nguyễn Đô Lương, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, đánh giá.

1,25 tỉ USD  là tổng mức đầu tư của dự án tuyến metro số 2 (tương đương 23.670 tỉ VND); trong đó phần vốn vay từ  ADB là  540 triệu USD, EIB là 150 triệu euro (tương đương 195 triệu USD), KfW là 240,75 triệu euro (tương đương 313 triệu USD), trong đó khoản viện trợ không hoàn lại của KfW là 85,75 triệu euro.

Vốn đối ứng trong nước hơn 3.779 tỉ đồng, tương đương 200 triệu USD, bằng gần 16% tổng mức đầu tư của dự án.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm