Bánh kẹo ngoại khuynh đảo mùa Tết nhờ đẳng cấp?

Tết là thời điểm ngành bánh kẹo sôi động nhất trong năm. Dù các doanh nghiệp (DN) sản xuất tại Việt Nam chiếm đến 80%, còn lại là sản phẩm ngoại nhập.

Nhưng để DN nội chiếm được thị phần mùa Tết ngay trên sân nhà không hề dễ dàng.

“Sân chơi” của bánh kẹo ngoại

Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, thời gian qua DN nước ngoài tăng đầu tư vào thị trường trong nước cũng như các thương vụ mua bán sáp nhập giữa các “đại gia” lớn tăng.

Cùng với xu hướng tiêu dùng giải trí tại nhà nhiều hơn, ngành bánh kẹo được mong đợi sẽ sôi động với sự đa dạng hơn về sản phẩm, ngành hàng mới, nhãn hiệu mới.

Thời điểm này trên kệ hàng các siêu thị Auchan, Big C miền Đông, MM Mega Market… bánh kẹo phục vụ tết đã xuất hiện nhiều. Trong đó có sự góp mặt của những thương hiệu bánh tết nhập Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan... Từ khi mua lại Kinh Đô đổi thành Mondelez Kinh Đô, thương hiệu bánh LU năm nay cũng đã mang đến cho người tiêu dùng diện mạo mới sang trọng.

Anh Nhiên, nhà ở quận Tân Phú, TP.HCM một đầu mối chuyên nhập khẩu bánh tết kể mùa tết là “sân chơi” cho các sản phẩm bánh kẹo ngoại. DN nội chiếm được thị trường quanh năm, nhưng mùa tết là nhu cầu cho biếu tặng nên bánh kẹo được ưa chuộng. Bánh từ Malaysia được nhập về nhiều nhất như Royal, White Castle, Bristish.

Theo anh Nhiên, ngày càng có nhiều DN tham gia nên cuộc cạnh tranh giữa phân khúc này rất “gắt”. Mọi năm công ty vẫn nhập khoảng 20 container (40 feet/container), năm nay tình hình yên ắng hơn nên dự báo sản lượng cũng không tăng thêm.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel dịp tết hay các dịp đặc biệt, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua hàng ngoại để làm quà tặng hơn, vì đa phần bánh kẹo ngoại đánh vào phân khúc cao cấp. Do vậy để biếu hay làm quà tặng dễ được cân nhắc hơn.

Thị trường bánh kẹo tết có tiềm năng khai thác rất lớn- ảnh: Tú Uyên 

Bánh kẹo nội chật vật

Theo đại diện Lotte Mart, bánh kẹo tết trong nước chiếm hơn 60%, còn lại là bánh ngoại. Năm nay, bánh nội như Bibica, Hữu Nghị... có sự đầu tư hơn về bao bì mẫu mã.

Đặc biệt là dòng bánh Cosy được Kinh Đô chăm chút hơn về bao bì, mẫu mã, giá cả lại cạnh tranh nên nhận được sự tin yêu dùng của người tiêu dùng.

Đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết thêm hiện nay sức mua tập trung chủ yếu vào các sản phẩm bánh tết của Kinh Đô và Danisa bởi đây là hai thương hiệu hàng đầu được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao. Đây cũng là đơn vị “chịu khó” làm các chương trình khuyến mãi, quảng bá thương hiệu thu hút người dùng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc công ty PAN Food (sở hữu Bibica-PAN Group) cũng nhìn nhận “thị trường nói chung có nhiều phân khúc, tết là dành cho biếu tặng, nói gì thì nói chuộng ngoại là yếu tố tâm lý khá phổ biến nhất là ở các thành thị. Hiện nay kênh hiện đại phát triển chủ yếu ở các thành phố nên sự xuất hiện của sản phẩm ngoại trên quầy kệ là đương nhiên.

“Tuy nhiên, nói bánh kẹo ngoại đang chiếm lĩnh thị trường là chưa đúng. Chẳng hạn trong phân khúc bánh cake nói chung với quy mô 3.000 tỉ đồng các DN đang sản xuất tại Việt Nam đang chiếm 80% - gồm các DN Việt và DN đa quốc gia. Trong khi đó sản phẩm nhập ngoại lại chiếm không nhiều” ông Quốc Hoàng phân tích.

Thích bánh thiên nhiên

Theo đại diện Lotte Mart, việc khách hàng lựa chọn thương hiệu bánh không hẳn vì mức giá cạnh tranh chủ yếu là vì thương hiệu bánh. Giá bán bánh ngoại nhỉn hơn bánh nội, tuy nhiên, tâm lý NTD có xu hướng chọn bánh ngoại làm quà tặng vì giá trị thương hiệu bánh ngoại tốt hơn, tạo cảm giác sang trọng, cao cấp cho giỏ quà tết hơn.

Các thương hiệu bánh ngoại như Danisa vẫn là đối trọng lớn so với bánh nội bởi thương hiệu đã được khẳng định, được ưa chuộng và thường được lựa chọn khi mua quà biếu dịp tết.

Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty PAN Food, cho rằng sự nỗi trội của bánh kẹo ngoại đã tạo ra thách thức buộc các nhà sản xuất Việt Nam không chỉ thay đổi về chất lượng, mẫu mã, mà cả về quảng cáo thương hiệu thuyết phục NTD.

Sự nỗi trội của bánh kẹo ngoại đã tạo ra thách thức buộc các nhà sản xuất Việt Nam không chỉ thay đổi về chất lượng, mẫu mã, mà cả về quảng cáo thương hiệu thuyết phục NTD.

Ông Huy Hoàng cũng cho rằng các DN Việt đang dần được NTD chọn nhiều hơn thông qua việc ngày càng thu hút thêm người mua mới và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các DN bánh kẹo ngoại dù thị phần nhỏ hơn.

“Để tận dụng lợi thế sân nhà, các DN Việt cần hiểu và nhạy bén hơn trước những xu hướng mới. Tập trung vào các sản phẩm dinh dưỡng, nguyên liệu tự nhiên vì hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm đang là mối lo ngại hàng đầu của NTD”, ông Hoàng nói.

Mặt khác, DN phải đầu tư, mở rộng danh mục sản phẩm mới, thương hiệu mới, tạo ra nhiều hương vị, chủng loại mới đang thịnh hành hoặc có tiềm năng. Đánh vào những phân khúc chưa được chú trọng nhiều như tầng lớp trung lưu hay phân khúc người lớn tuổi thay vì chỉ nhắm vào gia đình hoặc trẻ em…

Với lợi thế sản xuất tại chỗ, DN Việt có lợi thế là rút ngắn thời gian đưa đến NTD hơn so với sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời DN Việt nắm rõ thị trường nên có thể thay đổi linh hoạt theo nhu cầu của NTD

Mỗi người Việt tiêu thụ 2 kg bánh kẹo/năm

Hiện mức tiêu thụ bánh kẹo trung bình của người Việt chỉ đạt 2 kg/người/năm so với 2,8 kg/người/năm của thế giới. Thị trường Việt Nam vẫn là mảnh đất tiềm năng đối với các DN.

Ngành hàng bánh kẹo tăng trưởng tốt đạt khoảng 10%-12% ở thành thị và 7%-9% ở nông thôn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành hàng ở cả hai khu vực này đều đạt hai con số, khoảng 17% ở thành thị và 22% ở nông thôn.

             

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm