Đề phòng nguy cơ lạm phát cao

Chiều 27-2, Tổng cục Thống kê đã thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 với mức tăng 3,56% so với tháng 1 và tăng 6,02 so với tháng 12-2007. Đây là mức tăng quá cao so với cùng kỳ các năm trước đây. Báo hiệu một nguy cơ lạm phát cao trong năm 2008 của nền kinh tế.

CPI cao nhất từ trước đến nay

Như vậy, so với tháng 1-2008, CPI tháng 2 tăng ở cả 10 nhóm trong “rổ” hàng hóa chung. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục giữ kỷ lục với mức tăng 6,18% (tháng 1 chỉ là 3,76%), riêng lương thực tăng 3,25% và thực phẩm tăng 7,53%, cao hơn gấp 2 lần so với tháng 1. Tăng thấp nhất là nhóm giáo dục với mức 0,1%.

Trong tháng 2, hầu hết các thành phố lớn đều có mức tăng giá tiêu dùng kỷ lục và vượt xa mức tăng giá chung của cả nước. Điển hình là Hà Nội tăng 3,92%, TP.HCM tăng 3,83%, Hải Phòng 4,49%...

Một chuyên gia thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư (đề nghị không nêu tên) nhấn mạnh biện pháp thắt chặt tiền tệ của chính phủ ban hành nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng chưa kịp đủ thời gian mang lại hiệu quả thì việc tăng giá xăng, dầu sẽ đẩy chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 3 có thể lên tới 5%.

Bộ Tài chính được Chính phủ giao cho nhiệm vụ kiểm soát lạm phát. Thế nhưng thực tế, con số lạm phát tăng cao trong mấy tháng gần đây cho thấy sự lúng túng của ngành tài chính. Nhất là tháng hai đã đạt con số kỷ lục so với tháng một là chưa bao giờ có mức như vậy. Đây là sự thất bại của ngành tài chính.

Ông cũng nhận định giá xăng đã tăng rồi nhưng đây nên được xem là một bài học khi sử dụng các chức năng của cơ quan quản lý, nhất là Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Việc đưa ra thời điểm tăng giá xăng như hiện nay là ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Nếu cân nhắc kỹ lưỡng thực tế tình hình hiện nay thì nên lui lại thời điểm tăng giá xăng sau vài tháng nữa.

Thực phẩm “nhạy cảm” với xăng nhất

Hai mặt hàng bị tác động tức thì khi giá xăng, dầu tăng là thực phẩm và giá cước vận tải. Ông Phạm Văn Bi, cán bộ Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM), cho biết sau ngày xăng tăng giá thì giá của một số mặt hàng cũng như các dịch vụ ăn uống tại chợ tăng khoảng từ 0,3% đến 0,5%.

Giá cả các mặt hàng lên từng ngày nên việc thực hiện niêm yết giá cũng đành bó tay. Các tiểu thương trong chợ không thể ngày nào cũng thay đổi bảng giá. Một thực tế, giá thực phẩm của những chợ lẻ luôn tăng gấp rưỡi hoặc gần gấp đôi so với chợ đầu mối.

Giải thích điều này, chị Thảo - một tiểu thương tại chợ Nguyễn Tri Phương, cho biết từ ngày giá xăng tăng thêm thì việc vận chuyển hàng từ chợ đầu mối lên chợ lẻ cũng tăng thêm vài chục ngàn. Trước đây với hai bao tải hàng nhẹ mà chủ xe tính với giá 50.000 đồng tiền phí thì đến nay đã tăng lên thành 70.000 đồng.

Hiện nay, việc quản lý giá tại các chợ lẻ đang gặp khó khăn. Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cho biết họ vẫn thường xuyên nhắc nhở các tiểu thương khi tăng giá và cử ra một bộ phận nắm giá tại chợ. Tuy nhiên, việc khống chế giá hoặc mức tăng bao nhiêu thì ban quản lý không thể làm được.

Vận tải, taxi bị ảnh hưởng mạnh

Ông Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả, cho biết việc xăng, dầu tăng giá ảnh hưởng dữ dội tới toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, ngành vận tải chắc chắn sẽ bị tác động nhiều nhất.

Dù đã tiên đoán được việc tăng giá xăng, dầu và phương thức điều hành giá xăng, dầu mới nhưng hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều choáng váng khi biết thông tin tăng giá xăng, dầu. Chỉ tính riêng TP.HCM có gần 40 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải với số lượng hơn 10 ngàn chiếc thì hầu hết đều khốn đốn mỗi khi giá xăng, dầu tăng đột ngột.

Ông Trương Quang Mẫn - Phó Tổng giám đốc Công ty Mai Linh, cho biết hiện công ty có 4.000 xe. Với mức tăng 1.500 đồng đối với giá xăng thì mỗi ngày Mai Linh sẽ phải bù lỗ tới 120 triệu đồng cho chi phí nguyên liệu.

Ông Võ Ba - Giám đốc hãng taxi Future, cho biết mỗi ngày hãng phải bù lỗ 7-8 triệu đồng để san sẻ gánh nặng với tài xế. Hiện chi phí xăng, dầu đang chiếm khoảng 25% giá cước vận tải, chưa kể chi phí cho dầu nhớt.

Bên cạnh đó, mối lo của các doanh nghiệp taxi là phải mất thời gian và chi phí cho việc kiểm định đồng hồ giá cước. Nhiều doanh nghiệp taxi cho biết nếu không có gì thay đổi thì trong vài ngày tới, taxi sẽ có mức giá mới, tăng 500-700 đồng/km so với giá cũ.

Chưa lần tăng giá xăng, dầu nào khiến ngành đường sắt phải quan tâm và lo lắng như lần tăng này. Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết việc giá dầu tăng cao khiến chi phí nhiên liệu mỗi ngày sẽ tăng thêm hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, cái khó của ngành đường sắt là vé tàu thì đã bán trước, còn giá cước tàu hàng thì đã ký cả năm với khách hàng. Vì thế, nếu tăng giá vé và giá cước vận chuyển, ngành đường sắt sẽ phải được sự đồng ý của khách hàng. Dự báo giá cước mới của ngành đường sắt sẽ tăng 5%-7% so với hiện tại.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết cước vận tải ôtô sẽ tăng đến 15%. Đặc biệt, các doanh nghiệp vận tải ôtô khách, vận tải ôtô hàng hóa chạy bằng dầu sẽ tăng cao.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong -Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội

Sao lại trao quyền tự quyết giá xăng lúc này?

Hiện nay xăng, dầu nước ta chịu ảnh hưởng của giá thế giới. Chúng ta nhập khẩu 100% dầu tinh nên giá thế giới tăng thì giá bán trong nước sẽ phải tăng.

Ngoài ra, việc các cây xăng bán cùng một giá như hiện nay cho thấy có những dấu hiệu các doanh nghiệp đầu mối bắt tay ngầm với nhau (trước đó, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xăng đều khẳng định với báo chí là không có chuyện bắt tay nhau - PV). Điều này chắc chắn sẽ làm tăng giá đầu ra của các mặt hàng khác trên thị trường, sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.

Đây chính là kẽ hở rất quan trọng mà các doanh nghiệp khai thác để kích đẩy giá cả tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy, việc trao quyền định giá xăng cho doanh nghiệp đầu mối lúc này có thể sẽ phá vỡ những cố gắng của chúng ta đang thực hiện như thắt chặt tín dụng.

Trong khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang khó khăn tiếp cận vốn, chắc chắn chi phí sản xuất sẽ tăng, cộng với việc tăng giá xăng thì chắc chắn giá cả sẽ bị đẩy lên rất cao. Đó là nguy cơ trực tiếp của việc chúng ta không thực hiện đúng quy luật của nền kinh tế thị trường.

Tiền đi chợ một ngày giờ chỉ mua được con cá và ít rau

Chị Lý Thị Xuân Thu (quận 10, TP.HCM) than thở, bình thường khi đi chợ, chị mất khoảng 50.000 đồng để mua thức ăn cho cả ngày. Thế nhưng sau khi xăng tăng giá thì mặt hàng nào cũng tăng giá theo. Vẫn với 50.000 đồng đó nhưng chị chỉ mua được một con cá nhỏ và ít rau. Thu nhập hàng tháng của những người lao động chân tay như chị Thu chỉ được 1,5 triệu đồng/tháng cho nên với đà tăng giá này cả nhà đành phải giảm mọi chi tiêu lại.

LÊ THANH - M.PHƯƠNG - Q.TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm