Theo thông tin Bộ Công thương, tính đến hết tháng 4, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) từ 24 thị trường.
Nước bạn điều tra phòng vệ thương mại vì bảo vệ hàng trong nước
Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, basa đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...
Ngoài ra, Cơ quan điều tra nước ngoài cũng thường xuyên rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại với quy trình và yêu cầu điều tra có mức độ phức tạp tương tự các vụ việc điều tra mới.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các nước gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, Việt Nam vẫn tiếp tục tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng, gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa.
Điều này đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa nội địa của nước nhập khẩu. Vì vậy, các nước nhập khẩu nhận được nhiều yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với một số nước như Trung Quốc, Indonesia… là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra PVTM hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế PVTM đối với các nước này.
Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Việt Nam đã dần phát triển nhằm tự chủ một số công nghệ nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Vô hình chung, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua được các hàng rào kỹ thuật. Do đó, phòng vệ thương mại trở thành một trong số ít công cụ còn lại mà nước nhập khẩu có thể sử dụng nhằm hạn chế nhập khẩu.
Hàng Việt chứng minh được sự "minh bạch" trong nhiều vụ việc
Theo Bộ Công thương, một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết… Điều này tạo ra nhiều gánh nặng cho Chính phủ và DN Việt Nam trong quá trình tham gia hợp tác.
Trong khi đó, nhận thức của Việt Nam trong lĩnh vực PVTM còn hạn chế, đặc biệt DN Việt chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, nguồn lực có hạn.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội hỗ trợ DN xuất khẩu xử lý các vụ việc PVTM nước ngoài, đem lại những kết quả tích cực.
Nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh DN không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho DN xuất khẩu.
Các DN được tiếp cận thông tin PVTM một cách đầy đủ, kịp thời; được khuyến nghị tham gia và hầu hết các DN quan tâm không bị kết luận bất hợp tác dẫn tới mức thuế cao.
Ở chiều ngược lại, tính đến hết tháng 4, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 18 vụ việc chống bán phá giá, một vụ việc chống trợ cấp, sáu vụ việc tự vệ và hai vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM.
Tính đến hết tháng 4, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 18 vụ việc chống bán phá giá, một vụ việc chống trợ cấp, sáu vụ việc tự vệ và hai vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM.