Có vụ việc thuê luật sư hàng triệu USD để điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại

(PLO)- Tính đến nay các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam liên quan đến 238 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-11, báo Công thương tổ chức tọa đàm ngăn chặn chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đảm bảo hiệu quả hội nhập kinh tế.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương) cho biết, cùng với xu hướng tự do hóa thương mại, nhu cầu bảo vệ cho sản xuất trong nước của các quốc gia ngày càng tăng, số lượng các biện pháp PVTM được các nước điều tra áp dụng ngày càng nhiều như Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ…

Theo ông Trung, nếu hàng hóa trước kia từ một quốc gia bị áp dụng biện pháp PVTM có thể ngăn chặn được thì trong xu hướng toàn cầu hóa, chuỗi giá trị gia tăng không chỉ từ quốc gia A sang quốc gia B mà có nhiều nước khác. Mỗi nước tham gia vào một phần trong công đoạn sản xuất nên biện pháp PVTM ban đầu không có tác dụng.

Do đó, bên cạnh biện pháp phòng vệ thương mại truyền thống như điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, một số quốc gia bắt đầu thường xuyên áp dụng điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ hiệu quả hơn.

phong-ve-thuong-mai.png
Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại và các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm. ẢNH: TÚ UYÊN

Theo ông Trung, tính đến hiện tại các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam liên quan đến 238 vụ việc điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Đáng chú ý, thời gian gần đây số lượng các vụ việc chống lẩn tránh tăng lên, đặc biệt thị trường Mỹ.

Luật sư Trần Thanh Hà, Công ty SB Law cho biết, trong bối cảnh xung đột giữa một số nước lớn tất yếu có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, có xu hướng do áp dụng thuế nhập khẩu của DN sản xuất Trung Quốc vào Mỹ tăng nên các DN tìm cách lẩn tránh biện pháp đó bằng cách dịch chuyển sản xuất hoặc gian lận xuất xứ sang Việt Nam.

Theo ông Thanh, vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, DN tốn chi phí pháp lý, chi phí khác rất lớn.

“Thực tế có vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM hoặc áp dụng biện pháp PVTM, chỉ riêng chi phí thuê luật sư ở nước sở tại lên đến hàng triệu USD, ảnh hưởng đến nguồn lực của DN Việt Nam”- ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, để vừa thu hút sự dịch chuyển đầu tư sản xuất sang Việt Nam, vừa phòng chống áp dụng lẩn tránh biện pháp PVTM là bài toán khó của cơ quan chức năng. Đối với DN Việt Nam muốn hợp tác với đối tác nước ngoài cần tính toán, nếu chúng ta bị áp dụng các biện pháp lẩn tránh, không chỉ ảnh hưởng đến cả hoạt động ngành đó mà tất cả các ngành khác.

Theo ông Trung, Cục PVTM xác định nhiệm vụ chính là đồng hành để bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của DN đồng thời ngăn chặn hành vi không phù hợp với quy định pháp luật.

“Cục PVTM đang xây dựng vận hành hệ thống phân tích rủi ro và cảnh báo sớm đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang một số thị trường chính và hiện nay đang theo dõi trên 170 mặt hàng. Trên cơ sở các mặt hàng nguy cơ cao, Cục PVTM sẽ thông báo đến cơ quan quản lý, các địa phương, hiệp hội ngành hàng…”- ông Thanh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm