Lo ngành nhôm Việt Nam khó giữ thị phần tại Mỹ

(PLO)- Từ khi có thông tin việc Mỹ khởi kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp nhôm Việt Nam gặp khó khăn để giữ vững thị phần tại thị trường này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-11, Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết, mới đây nhận được thông tin Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nhôm đùn ép và sản phẩm làm từ nhôm đùn ép của 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam với biên độ bán phá giá cáo buộc là 41,84%.

Hợp tác để đạt mức thuế thuận lợi nhất

Trước đó, các công ty của Mỹ nộp đơn khởi kiện lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cáo buộc 14 công ty nhôm Việt Nam bán phá giá nhưng nhóm này chủ yếu là các doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, chỉ có ba DN là thành viên của hiệp hội.

Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của vụ việc đến hoạt động xuất khẩu của nhôm Việt Nam nên hiệp hội đã thông báo cho hầu hết các nhà máy nhôm trên cả nước.

Qua đó nhằm giúp DN kịp thời nắm bắt thông tin, khẩn trương chuẩn bị tham gia vào quá trình điều tra nhằm đạt được mức thuế thuận lợi nhất, giúp DN giữ được thị trường xuất khẩu sau này.

Nhôm Việt Nam gặp khó khăn tại Mỹ
Các sản phẩm nhôm đùn ép Việt Nam gặp khó khăn giữ thị phần tại Mỹ. Ảnh minh hoạ: Cục Phòng vệ thương mại

Doanh nghiệp cần theo dõi sát thông tin

Theo hiệp hội Nhôm Việt Nam, từ khi có thông tin vụ việc Hoa Kỳ khởi kiện chống bán phá giá với nhôm đùn ép của DN Việt, các đối tác cũng có tâm lý dè dặt với các đơn hàng năm 2024. Do đó, DN sẽ gặp khó khăn trong việc giữ vững thị phần tại thị trường Hoa Kỳ.

Tính đến thời điểm hiện tại, các mặt hàng nhôm thanh định hình của DN Việt vẫn đang phải chịu mức thuế tối thiểu 5% khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Vì vậy, sức cạnh tranh của ngành nhôm thanh định hình Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ít nhiều trên thị trường quốc tế.

Để hỗ trợ cho các DN, hiệp hội đã tổ chức hội nghị tập huấn công tác phòng vệ thương mại (PVTM) ngành Nhôm Việt Nam với sự tham gia hướng dẫn của Cục PVTM, chuyên gia về PVMT…

Quá trình điều tra tiếp theo của Hoa Kỳ, hiệp hội sẽ tiếp tục thông tin, khuyến khích các DN hợp tác, tham gia vào quá trình điều tra để có thể tự bảo vệ quyền lợi của DN trong nước.

Ngoài ra, hiệp hội khuyến nghị các DN luôn theo dõi sát sao diễn biến vụ kiện nhằm chuẩn bị và sẵn sàng cung cấp các thông tin, văn bản, chứng từ... khi tham gia vụ kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Hiệp hội cũng khuyến khích DN nên mở rộng thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và luôn tìm hiểu rõ PVTM của từng nước muốn xuất khẩu.

Ban hành kết luận trong 140 ngày

Theo Cục PVTM, thời kỳ điều tra bán phá giá từ ngày 1-4 đến 30- 9. DOC đã ban hành bản câu hỏi về lượng và giá trị cho DN Việt Nam. Thời hạn trả lời là ngày 7-11 giờ Hoa Kỳ.

Trên cơ sở thông tin trả lời kết hợp với số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, DOC sẽ lựa chọn bị đơn bắt buộc của vụ việc, thông thường từ hai đến ba công ty.

Các bị đơn này sẽ tiếp tục tham gia trả lời các bản câu hỏi tiếp theo trong vụ việc và hưởng mức thuế riêng.

Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận sơ bộ trong vòng 140 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra vụ việc (có thể gia hạn).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm