Tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 5-11, phóng viên đặt câu hỏi: Liên quan đến vụ lô nhôm 4,3 tỉ USD xuất xứ Trung Quốc đội lốt hàng Việt và chờ xuất sang Mỹ vừa bị phát hiện, đây được cho là một trong những vụ gian lận thương mại lớn nhất từ trước đến nay. Xin hỏi việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể như thế nào và hướng xử lý lô nhôm này ra sao?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nói: Đối với nội dung này, Bộ Công Thương đã đã ghi lại mặt hàng và đã kiểm tra. Sau khi có tin, Bộ Công Thương đã cho tổ chức kiểm tra rất đầy đủ và thấy thực ra không có vi phạm trong vấn đề cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O cho doanh nghiệp.
“Ở đây, tính chất không phải xuất xứ mà vấn đề là lẩn tránh thương mại, lẩn tránh xuất xứ thì đúng hơn. Nghĩa là khi nhập hàng nguyên liệu về thì chúng ta có thể đầy đủ cơ sở để xác định là với một tỉ lệ phần trăm nhất định, với mức độ gia công chế biến vẫn không thể qua được xuất xứ. Tuy nhiên, lẩn tránh xuất xứ mà chúng tôi đã giải thích rất rõ là một nước nào đấy không muốn xuất xứ từ chính họ thì có thể vòng qua nước thứ ba để lẩn tránh xuất xứ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương giải thích.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho hay sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại và sản phẩm của Việt Nam là đối tượng bị điều tra. Đồng thời sẽ làm việc với các nước để nắm bắt các đối tượng trong quy định về phòng vệ thương mại hay là các biện pháp phòng vệ thương mại để kịp thời cảnh báo cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng đang tăng cường các vấn đề liên quan khác về gian lận xuất xứ và lẩn tránh xuất xứ. Chúng tôi đang triển khai quyết liệt đề án tăng cường biện pháp quản lý chống vi phạm trong việc lẩn tránh xuất xứ và gian lận thương mại. Việc này còn phụ thuộc vào các cơ quan, các nước nhập khẩu, như theo quy định của EU, Hoa Kỳ yêu cầu về chứng nhận xuất xứ và yêu cầu các doanh nghiệp tự khai xuất xứ. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị để triển khai các vấn đề này”, Thứ trưởng Hưng nói.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: “Liên quan đến 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt hàng Việt, xin hỏi hướng xử lý như thế nào? Nếu trong trường hợp xác định lô nhôm này vi phạm nguyên tắc xuất xứ, rất có thể vì một doanh nghiệp ảnh hưởng đến toàn ngành nhôm, chúng ta phải chịu áp thuế chống bán phá giá. Nếu trong trường hợp tiêu thụ trong nước, chúng ta tính thuế như thế nào khi số nhôm này sẽ ảnh hưởng toàn ngành nhôm trong nước?”
Trước câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đáp: “Vấn đề xử lý chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thêm phía doanh nghiệp bởi họ chưa xuất khẩu sang Mỹ. Chúng tôi sẽ kiểm tra và thông báo lại sau”.
Tổng cục Hải quan khẳng định, đơn vị sở hữu kho nhôm khổng lồ trên là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, có địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Chúng ta biết trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, vấn đề cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là vấn đề phải suy nghĩ.
Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc này. Nếu chúng ta quản lý không tốt thì chính đây là những cơ sở khiến chúng ta sẽ thiệt hại rất lớn. Quy định của chúng ta giá trị gia tăng phải 30%, nhưng nếu chúng ta để bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, lấy thương hiệu Việt để xuất khẩu sang những nước mà sau này có sự áp thuế lên những mặt hàng của chúng ta thì rất nguy hiểm. Xuất nhập khẩu hai chiều chúng ta đạt 60 tỷ USD, chiếm một tỉ trọng rất lớn, khoảng 20% kim ngạch của cả nước. Thế nhưng với những nước lớn quy mô 500 tỷ USD thì rất nhỏ.
“Thủ tướng đã có chỉ thị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp C/O của Bộ Công Thương với những nước liên quan đến FTA, cấp C/O còn lại giao cho VCCI. Trong thời kỳ ban đầu, khi có chiến tranh thương mại, chúng ta cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về thủ tục xuất nhập khẩu.
Nhưng bây giờ chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề cấp C/O. Nếu chúng ta cấp dễ dãi, đánh giá mà không có kiểm tra, chỉ kê khai lên là cấp thì chính chúng ta sẽ chịu hậu quả rất lớn là bị áp thuế và chúng ta sẽ chịu thiệt. Vậy phải thẳng thắn thực hiện nghiêm túc điều này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan hải quan thuộc Bộ Tài chính rồi các cơ quan cửa khẩu, yêu cầu khi kiểm tra phải có xem xét đánh giá. Tránh việc đầu tư trước đây là một dự án có nhiều triệu đô la nhưng bây giờ một dự án có thể 2-3 triệu đô, chỉ bằng cái nhà xưởng, chỉ có mang hàng hóa đến sau đó dán nhãn, đóng gói thì đó không gọi là đầu tư mà là núp bóng đầu tư, lợi dụng để làm nhà xưởng chuyển giao, tập kết, đóng gói, dán mác.
“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì báo cáo với Chính phủ để trình Chính phủ ban hành văn bản liên quan đến nhiệm vụ và các giải pháp chống gian lận thương mại. Đây là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng. Nhìn kinh tế vĩ mô, nếu chúng ta để lợi dụng từ các nước bên cạnh chúng ta, chúng ta sẽ bị thua thiệt rất nhiều”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.