Đừng để khuyến mãi “hạ bệ” hàng Việt

Tại buổi giao lưu trực tuyến với các doanh nghiệp với chủ đề “Hàng Việt và câu chuyện hậu mãi” do báo Tuổi Trẻ tổ chức hôm qua (24-1), câu hỏi tại sao người Việt chưa thật sự tin dùng hàng Việt đã được các doanh nghiệp lý giải dưới nhiều góc độ.

Ông Nguyễn Bắc Sơn, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cố gắng cung cấp hàng tốt cho người Việt nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhất nhu cầu của người Việt. Đây là một khoảng trống để người Việt quay sang chọn những sản phẩm ngoại, lâu dài tạo tâm lý “sính ngoại”. Do đó, cần làm thay đổi nhận thức và hành động của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng để có những sản phẩm chất lượng tốt phục vụ người Việt.

Nâng cao chất lượng và chú trọng hậu mãi

Nhiều bạn đọc nêu vấn nạn các đại lý nâng giá một số sản phẩm lên rồi khuyến mãi, thực tế vẫn bằng hoặc còn cao hơn giá bình thường, nhất là các mặt hàng điện tử. Ông Nguyễn Bắc Sơn nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các chương trình khuyến mãi không đúng với bản chất của khuyến mãi, gây nhầm lẫn, tiêu cực đến người tiêu dùng. Điều này đã tạo cho người tiêu dùng có tâm lý “nhạy cảm với khuyến mãi” như khuyến mãi giảm giá hơn 50%, 70%...

Đừng để khuyến mãi “hạ bệ” hàng Việt ảnh 1

Người tiêu dùng thường có tâm lý “nhạy cảm với hàng khuyến mãi” có thật sự chất lượng? (Ảnh minh họa: HTD)

Những chuyện như vậy là vi phạm quy định về khuyến mãi, là cạnh tranh không lành mạnh. Cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có biện pháp kiểm soát, chấn chỉnh để tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Trần Thạch Quang, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Quạt ASIA Vina, cho rằng các doanh nghiệp trong nước cũng cần tạo ra phong trào tự vận động mình: Vận động mình tạo ra sản phẩm chất lượng, đưa ra các dịch vụ uy tín và thân thiện với môi trường, với xã hội. Có như vậy mới khuyến khích được người tiêu dùng an tâm và tín nhiệm sản phẩm Việt. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam trước đây mới chỉ chú trọng đến sản xuất mà chưa quan tâm đến dịch vụ hậu mãi, điều này cần phải ưu tiên cải tiến tốt hơn trong thời gian tới.

Quản lý hàng giả, hàng nhái còn lỏng lẻo

Ông Trần Thạch Quang nhấn mạnh, để hàng Việt thu hút người Việt, chính sách hỗ trợ từ nhà nước là rất quan trọng. Trong đó, đặc biệt là giải quyết mạnh tay vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc đang tràn lan trên thị trường hiện nay.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Công ty Thiết bị nhà bếp Vina, cho rằng chương trình Người Việt dùng hàng Việt còn một số vướng mắc mà “lỗi” thuộc về cả ba đối tượng:

+ Người tiêu dùng hay chọn sản phẩm giá rẻ, do không phân biệt được tính năng ưu việt và chất lượng của sản phẩm nên thường gặp những sản phẩm không đạt chất lượng, dẫn đến nghi ngờ các sản phẩm Việt Nam.

+ Nhà sản xuất: Do sức ép của giá thành, thiếu đầu tư về công nghệ, quy trình sản xuất, đào tạo nhân lực... làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và niềm tin của người tiêu dùng.

+ Nhà nước chưa đưa ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh có lợi cho người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính. Cụ thể: Nhà nước chưa đưa ra được tiêu chuẩn bắt buộc, không kiểm soát được việc thực hiện chất lượng của nhà sản xuất, chưa công bố thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng rõ về chất lượng của từng sản phẩm. Nhà nước chưa bảo vệ kịp thời, hữu hiệu các nhà sản xuất chân chính trong việc chống lại hàng giả, hàng nhái...

Để người tiêu dùng mua đúng hàng Việt chất lượng cao, cơ quan nhà nước cần có những biện pháp kịp thời, nghiêm khắc trong xử lý các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái, bảo vệ doanh nghiệp. Hiện nay việc nhận diện hàng giả chủ yếu do doanh nghiệp bị làm hàng giả. Cách duy nhất vẫn là phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước như quản lý thị trường, công an...

Kinh nghiệm từ Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc cho thấy việc quản lý chất lượng, thương hiệu từ phía nhà nước rất quan trọng. Đây là yếu tố tất yếu cần thiết để giúp cho nền công nghiệp sản xuất phát triển” - ông Dũng nhấn mạnh.

THANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm