Không phó mặc cho đại lý thao túng giá

Theo Bộ Tài chính, đây là một trong những biện pháp để cơ quan quản lý giá kiểm soát giá tốt hơn.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế quản lý giá của chúng ta hiện nay, Phó Giáo sư Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cho biết phải nhấn mạnh rằng quản lý giá quá kém, buôn bán không hóa đơn, chứng từ. Hệ thống bán lẻ đang hoạt động phi tổ chức dẫn đến tình trạng “té nước theo xăng”, “té nước theo điện” liên tục xảy ra. Để giải thích cho việc tăng giá vô tội vạ, nhiều giới kinh doanh liệt kê hàng loạt chi phí: chi phí lưu thông, lãi suất ngân hàng tăng, tỉ giá ngoại tệ tăng…

Chỉ riêng các nhóm hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục mặt hàng thiết yếu, theo quy định, doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu phải đăng ký giá cho Bộ Tài chính, còn các cửa hàng thì đăng ký cho Sở Tài chính địa phương. Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, tưởng rằng quy định như trên là chặt chẽ, cơ quan quản lý giám sát được giá bán. Nhưng thực tế, chỉ nhìn vào mặt hàng sữa, với hàng ngàn sản phẩm sữa thì liệu cán bộ quản lý giá cấp sở có đủ thông tin và năng lực để phân tích xem giá đó được bán có đúng hay không. Rõ ràng là rất khó.

Thực tế, Bộ Tài chính cho biết không nhận được bất cứ đăng ký tăng giá nào từ tháng 3 tới nay, trong khi giá sữa thì tăng đều đều. Qua đó cho thấy giá sữa đang bị các cửa hàng đại lý đẩy lên. Nhìn rộng ra thì các mặt hàng thiết yếu như sữa, thép, thức ăn chăn nuôi, gas... đang trong tình trạng bị mua đứt bán đoạn, buông lỏng khâu phân phối.

Để tránh tình trạng tăng giá chóng mặt, nhiều ý kiến cho rằng hệ thống bán lẻ và bán buôn cần phải xây dựng lại. Doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối đầu mối cần phải chịu trách nhiệm đến cùng chất lượng cũng như giá sản phẩm của mình. Còn các đại lý, cửa hàng phân phối chỉ nên chia sẻ lợi nhuận bằng chiết khấu hoa hồng mà thôi.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm