Làm gì để giải quyết tình trạng thiếu tiền VND?

ABBank đã tăng lãi suất tiền gửi nhằm huy động nguồn tiền trong dân để hạn chế tình trạng thiếu hụt tiền VND. Ảnh: Linh Tâm
ABBank đã tăng lãi suất tiền gửi nhằm huy động nguồn tiền trong dân để hạn chế tình trạng thiếu hụt tiền VND. Ảnh: Linh Tâm

Vì sao ngân hàng thiếu tiền VND?

Về tình trạng thiếu tiền VND, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thừa nhận, các giải pháp điều hành tiền tệ không được áp dụng đồng bộ ngay từ đầu năm 2007 đã đẩy nhiều ngân hàng vào tình trạng khó khăn trong thanh khoản VND. Một nguyên nhân nữa là dự trữ ngoại tệ của nhiều ngân hàng không đa dạng, khiến ngân hàng thừa USD nhưng lại thiếu những ngoại tệ khác như nhân dân tệ, yên Nhật, euro...

Lãnh đạo của các ngân hàng lại cho rằng, một nguyên nhân quan trọng đẩy NHTM vào tình trạng thiếu tiền VND là do ảnh hưởng từ Quyết định số 187/2008/QĐ-NHNN của NHNN về việc điều chỉnh dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng (TCTD), có hiệu lực từ tháng 2-2008.

Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1% đối với các loại tiền gửi so với tỷ lệ quy định hiện nay. Với quy định này, chỉ tính riêng 4 NHTM nhà nước, số tiền dự trữ bắt buộc phải tăng thêm đã lên tới hơn 4.000 tỷ VND.

Khó khăn khi đi vay...

Tình trạng các ngân hàng “khan” tiền VND khiến nhiều khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân rơi vào tình trạng khó khăn khi đi vay. Ông Nguyễn Đức Thắng, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì cho biết, trong những tháng đầu năm, đơn vị của ông nhận được nhiều hợp đồng, nhưng do không có đủ vốn để thực hiện, ông đã đến “gõ cửa” vài ngân hàng để vay khoảng 1 tỷ VND.

Mặc dù doanh nghiệp của ông đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà ngân hàng đặt ra, nhưng suốt từ tháng đầu tháng 1-2008 đến nay vẫn không thể vay được khoản tiền này. Câu trả lời mà nhân viên giao dịch của các ngân hàng trả lời đều giống nhau là đang khan hiếm tiền VND, nên chưa thể cho vay.

Chị Trần Thanh Thúy là chủ một cửa hàng kinh doanh điện tử, điện lạnh trên phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội cũng muốn vay ngân hàng khoảng 300 triệu đồng để nhập thêm hàng hóa. Thế nhưng, chẳng may mắn gì hơn ông Thắng, chị Thúy chỉ nhận được những cái lắc đầu ở những ngân hàng mà chị tìm đến. Chị đành phải đi vay “nóng” ở ngoài, với lãi suất 2%/tháng, cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng.

Ứng phó...

Trước tình trạng này, ngay từ tháng 1-2008, một số NHTM đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm đối với VND để huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Trong đó, NHTM cổ phần An Bình (ABBANK) thực hiện tăng lãi suất huy động VND 0,06%-0,48%/năm cho các kỳ hạn 1 tháng - 24 tháng. ABBANK còn áp dụng lãi suất bậc thang. Khách hàng càng nhiều thì được hưởng mức lãi suất càng cao, trong đó mức lãi suất cao nhất lên tới 10,344%/năm.

Hình thức tiết kiệm thực gửi VND các kỳ hạn 30-59 ngày; 60-89 ngày; 90-179 ngày cũng được ABBANK điều chỉnh tăng 0,36%/năm. NHTMCP Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank) tăng lãi suất huy động tiền gửi VND loại không kỳ hạn, tiết kiệm và tiền gửi rút gốc linh hoạt. NHTMCP Quốc tế (VIB Bank) lại điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm thường và tiết kiệm lũy tiến bằng VND từ 0,12%/năm đến 0,24%/năm.

Mới đây, NHTM CP Kỹ thương (Techcombank) tăng lãi suất tiết kiệm VND 0,1%-0,35% đối với các hình thức tiết kiệm: thường, phát lộc và đa năng ở tất cả kỳ hạn, trong đó tăng mạnh nhất là kỳ hạn 12 tháng, lên tới 9,6%/năm.

Không nằm ngoài xu thế điều chỉnh lãi suất tiết kiệm VND, từ ngày 15-2, NHTMCP Đông Nam á (SeABank) tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đối với tiền VND 0,12%-0,42%/năm với các kỳ hạn, trong đó cao nhất lên tới 10,02%/năm.

Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng...

Các chuyên gia về tài chính cho rằng, để giải quyết tình trạng này không chỉ cần sự vào cuộc của ngân hàng, mà còn cần đến sự can thiệp của cơ quan chức năng. Theo các chuyên gia, nên cho phép nhà đầu tư có thể giao dịch bằng USD hoặc ngoại tệ khác, mà không phải chuyển sang tiền VND. Một trong những giải pháp cũng được xem là hiệu quả, kịp thời nhất là cơ quan chức năng cần mở rộng và khuyến khích các doanh nghiệp vay bằng USD.

Tuy nhiên, tình trạng thừa USD hiện nay chỉ là cục bộ, mang tính chất chiến dịch. Do vậy, thời điểm này, các NHTM vẫn nên mua USD và tìm các nhà nhập khẩu để bán, đáp ứng nhu cầu lưu thông ngoại tệ trên thị trường.

Về dài hạn, cần chuyển dần quan hệ tín dụng USD sang quan hệ mua bán USD, đặc biệt là tín dụng ngắn hạn. Trong trường hợp lượng ngoại tệ vào ồ ạt, NHNN và Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu ngoại tệ ngay trong nước, thay vì phải đi vay ngoại tệ ở nước ngoài để nhập khẩu thiết bị máy móc đầu tư các dự án trọng điểm...

Theo Thanh Nga ( HNM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm