Lợi gì khi DN Mỹ vào Việt Nam?

Theo khảo sát triển vọng kinh doanh ASEAN 2015 tại Singapore mới đây, có 89% doanh nghiệp (DN) Mỹ cho rằng sẽ mở rộng kinh doanh tại ASEAN trong năm năm tới. Việt Nam xếp vị trí thứ hai trong kế hoạch mở rộng này. Từ đầu năm 2014 đến nay có nhiều dự án của các DN Mỹ đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt thị trường đang có sự hợp tác ngầm giữa các DN vừa và nhỏ Việt Nam với các DN vừa và nhỏ Mỹ (SME).

Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn Robenny khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ, cho rằng việc hợp tác giữa DN hai bên vừa có thêm cơ hội làm ăn vừa tạo uy tín cho DN Việt.

DN Mỹ chọn SME Việt Nam như thế nào?

. Phóng viên: Thưa ông vì sao có sự đổ bộ âm thầm của các SME Mỹ vào thị trường Việt Nam mạnh như hiện nay?

+ Ông Robert Trần: Những DN lớn của Mỹ đã vào Việt Nam cả chục năm nay. Các SME Mỹ học từ những công ty lớn vào Việt Nam trước, đã thành công rồi. Họ tham gia trong những hiệp hội với những buổi chia sẻ về cách tiếp cận thị trường Việt Nam, cách làm với DN Việt… Lãnh sự quán của Mỹ có một bộ phận chuyên kết nối giao thương giúp cho SME Mỹ.

SME Mỹ tính toán kỹ rủi ro về lợi nhuận. Họ âm thầm vì sợ rủi ro trở tay không kịp.

. Theo ông, DN Việt Nam có cơ hội gì khi làn sóng SME Mỹ vào Việt Nam?

+ Các DN Mỹ bị áp lực về mẫu mã nên ngoài việc kinh doanh tại Mỹ họ còn muốn có thêm nhà cung cấp để bán hàng ở thị trường Mỹ và những nước khác. DN nào kinh doanh được với những quốc gia như Mỹ, Nhật thì tăng uy tín cho DN đó và sản phẩm có thể đi tất cả các nước…

Nông nghiệp, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin…  là những ngành hàng DN Mỹ đang tìm hiểu và đầu tư ở Việt Nam. Ảnh: HTD

Ví dụ Walmart đặt làm một sản phẩm A (họ ép giá kinh khủng). Nếu DN Việt liên kết được với họ thì sản phẩm có thể cung cấp cho toàn cầu trong hệ thống của Walmart. Nếu sản phẩm để thương hiệu Việt thì uy tín của DN càng được nâng lên. Ở Việt Nam đã có một số DN chuyên sản xuất hàng may mặc áo gối, áo gối thêu… cho Walmart.

. DN Mỹ đặt ra những tiêu chí nào khi liên kết với DN Việt?

+ DN Mỹ và Việt Nam âm thầm tương tác với nhau. SME Mỹ yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Họ đánh giá quy mô qua sự hiện đại máy móc, đội ngũ quản lý. Vấn đề đang làm cho các SME Mỹ lo ngại là thủ tục hải quan, phương tiện vận chuyển…

DN Việt không nên giảm giá sản phẩm

. DN Mỹ vừa kinh doanh vừa thu mua hàng hóa tại Việt Nam càng tạo áp lực cạnh tranh lớn cho DN Việt?

+ Đúng vậy. DN Việt có thể bị mất khách hàng vì DN Mỹ vào kinh doanh và cạnh tranh trực tiếp với DN Việt. Chất lượng sản phẩm của DN Việt Nam chưa thay đổi hoặc giá quá cao cũng là những bất lợi. Thêm nữa là DN Việt có thể sẽ gia công cho những DN bán cùng sản phẩm với mình. Tuy nhiên, dù ở góc độ nào thì người tiêu dùng cũng được lợi.

Chẳng hạn trước đây sản phẩm B phải nhập vào Việt Nam giá cao, nay không phải nhập sản phẩm đó nữa thì giá thành sẽ thấp. DN Việt muốn cạnh tranh thì phải thay đổi, phải làm ra những sản phẩm tốt… Thực tế cho thấy sản phẩm của DN Việt làm ra rất tốt nhưng vì cứ giảm giá nên chất lượng không còn gì nữa.

. Ông có thể cho ví dụ sản phẩm Việt bị đánh giá thấp vì cứ giảm giá?

+ Hiện nay ở Myanmar, người dân rất thích hàng Việt. Nhưng nếu năm năm nữa DN Việt không thay đổi thì người Myanmar sẽ chán hàng Việt như Trung Quốc. Các DN Việt thường thực hiện chiến lược giảm giá khi mang hàng qua Myanmar. Chẳng hạn, một chai thuốc thú y giá 20 USD, DN Việt qua bán 10 USD và cho rằng lấy công làm lời. Song kinh doanh thì phải có lãi, muốn vậy phải giảm chất lượng. Thế nên đã có một vài thương hiệu bị Myanmar tẩy chay trong ngành dược.

Nâng cao năng lực cho DN Việt

. Nên gia công cho các SME Mỹ hay nên hợp tác với họ để xây dựng thương hiệu riêng?

+ Nếu DN Việt gia công cho các SME Mỹ, họ sẽ dạy cho mình công thức, phương pháp làm… và năng lực của DN Việt được nâng tầm. Sau này DN Việt đủ khả năng chứng minh năng lực kiến thức lẫn chuyên môn khi làm việc với một đối tác khác. Đó là cái được của DN Việt Nam.

Nếu DN làm gia công mà đưa ra sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với DN mình đang gia công ở cùng một thị trường thì sẽ khó mà tồn tại được. Bài học của các DN Trung Quốc là một minh chứng. Bàn ghế của Trung Quốc đẹp hơn cả châu Âu vì họ lấy được công thức của châu Âu. Rồi họ quay lại bán sản phẩm ở thị trường châu Âu. Song hàng của Trung Quốc lại bị tẩy chay ở châu Âu.

Về thương hiệu riêng, đạo đức của những DN làm gia công phải đạt đến mức nào đó mới nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu. Ở Đài Loan và Hàn Quốc, có những DN từ đời này qua đời khác làm gia công vì họ muốn gắn với những thương hiệu nổi tiếng lâu đời. Chẳng hạn, ở Hàn Quốc có một tập đoàn chuyên may gia công cho Nikes, Adidas… Và họ cũng có nhà máy lớn ở Việt Nam.

. Vì sao các DN Mỹ chọn Việt Nam, thưa ông?

+ Người ta có thể nhìn Indonesia, Thái Lan, Việt Nam hấp dẫn vì yếu tố về dân số, cơ hội. Tiếp nữa là vì dân Mỹ đến từ nhiều quốc gia nên áp lực của SME Mỹ là luôn cần mẫu mã mới.

Mỗi một thị trường có ưu thế riêng, chẳng hạn như ở Việt Nam giá nhân công rẻ. Đây là lợi thế và nguyên nhân rất nhiều hãng may mặc từ Trung Quốc chuyển về Việt Nam. Hiện chúng tôi đang tư vấn cho một DN may mặc lớn của Mỹ chuyển nhiều đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Tình hình chính trị ở Việt Nam ổn định cũng là một lợi thế. Chỉ còn luật thì phải làm sao cho tốt hơn nữa.

. Những ngành hàng nào trong tương lai thu hút DN Mỹ, thưa ông?

+ Nông nghiệp, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, đầu tư… là những ngành hàng DN Mỹ đang tìm hiểu và đầu tư ở Việt Nam.

. Xin cảm ơn ông.

TÚ UYÊN

Tập đoàn bán lẻ Walmart trước khi vào thị trường Việt Nam đã có gần 10 năm để chuẩn bị. Lúc chưa mở văn phòng tại Việt Nam họ đã thuê công ty tư vấn tìm hiểu về thị trường, đứng ra đặt mua hàng giúp họ.

Hay là Tập đoàn JC Penney cũng âm thầm vào Việt Nam mấy năm nay nhưng dường như không ai biết đến. Họ có hẳn một bộ phận chuyên đi thu mua tại Việt Nam.

_____________________________________

Các DN Mỹ vô thị trường Việt Nam để tìm nguồn cung cấp và thông qua các công ty tư vấn giúp; hoặc vừa kinh doanh ở Việt Nam vừa lấy nguồn cung cấp từ Việt Nam.

Ông ROBERT TRẦN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm