Mê hồn trận thịt... sạch

Trước tình trạng bát nháo hiện nay, thịt heo VietGAP, thịt heo hữu cơ, thịt ngoại nhập là một trong những thực phẩm được chọn mua.

Sợ thịt ở chợ

Chị Lê Thị Hằng, nhân viên kinh doanh siêu thị điện máy (Tân Bình), chia sẻ giờ không dám mua thịt heo ở chợ nữa vì có những lần mua thịt về, nhìn có vẻ tươi mới, sơ chế xong thấy có mùi hôi, khi ăn không còn ngửi thấy mùi đặc trưng của thịt. “Có lẽ do buổi sáng người ta bán không hết, để lại chiều ướp trong thùng đá, không có điều kiện hệ thống trữ mát như ở siêu thị nên như vậy” - chị Hằng lý giải. Do đó chị chỉ mua ở cửa hàng của Vissan hoặc các cửa hàng tiện ích SatraFood, Co.opFood… Dù không yên tâm lắm nhưng nghĩ đây là những thương hiệu lớn nên khỏa lấp được nỗi lo. Và người tiêu dùng (NTD) không còn sự lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, chị Trần Quỳnh Thu (quận 10) cho rằng thịt ở chợ cơ bản vẫn tươi hơn siêu thị nhưng phải biết lựa, đi sớm nhìn thấy sạch sẽ mới mua. Heo ở chợ nếu có con mộc bảo chứng thì càng tốt.

“Tôi sẵn sàng mua bò Mỹ giá 300.000-400.000 đồng/kg nhưng chỉ lo đó là thịt trâu” - chị Hằng chia sẻ.

Ngoài thịt heo, thịt gà cũng khiến người mua tù mù nguồn gốc. Tại các điểm bán ở chợ, thịt gà đều pha lóc sẵn thành cánh gà, ức gà, đùi… không bao bì, nhãn mác. Ghé một sạp nhỏ ở chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình), trên mâm bày la liệt gà nguyên con và gà đã pha lóc. Chị Thanh - chủ tiệm cho biết gà nguyên con là thả vườn, 80.000 đồng/kg. Loại đã pha lóc gồm đùi tỏi, ức cánh… là hàng Mỹ “nóng” giá các loại 60.000-70.000 đồng/kg, nếu mua về bán quán ăn thì lấy hàng “lạnh”, bớt cho mỗi loại 5.000 đồng/kg.

Theo chị Hằng thịt gia cầm gần như các siêu thị không có gà ta mà toàn là gà công nghiệp, mua ở chợ không tin tưởng chất lượng, sợ dịch… Để ăn gà ta, người ta thường ra quán, đặt hàng quán chuyên bán gà ta. Mình phân biệt được là trọng lượng gà chỉ hơn 1 kg, không nặng hơn được. Gia cầm đông lạnh thì không ngon bằng hàng tươi của Việt Nam nên ít mua.


Dù chưa yên tâm hoàn toàn nhưng siêu thị là nơi NTD chọn mua thực phẩm an toàn. Ảnh: TÚ UYÊN

Mua nhiều mới cho... xem giấy

Theo ghi nhận ở một số siêu thị như Metro, Maximark, Big C… và trên các trang web bán hàng nhập khẩu, thịt đông lạnh được bọc trong lớp nylon thành khối. Tùy loại thịt được chia nhiều trọng lượng khác nhau, cho vào bao bì ép chân không. Có nhãn ghi thông tin, chẳng hạn như: bò Mỹ, hạn sử dụng, tên, địa chỉ công ty bán hàng.

Chúng tôi băn khoăn vì nếu bỏ tiền ra mua giá cao nhưng không phải thịt ngoại nhập chính hãng thì tiếc tiền, người bán giải thích: Thường thịt được nhập từng tảng lớn, khi xẻ mảnh ra từng loại đóng gói lại mà dán tem chứng nhận lên từng loại là không xuể. Nếu khách mua số lượng lớn, cửa hàng sẽ đưa giấy tờ nhập khẩu đàng hoàng, còn mua vài ký mà phải trình giấy tờ thì mất công. “Tụi em giao cho nhà hàng đều phải có giấy tờ nên chị yên tâm” - một nhân viên bán hàng cho hay.

Trong khi đó tại cửa hàng bán sản phẩm Hàn Quốc (tại quận Tân Bình), những thông tin về công ty, địa chỉ nhập… không có trên bao bì sản phẩm. Đặc biệt, heo Việt Nam được đông lạnh, sau đó sơ chế, đóng trong vỉ trông rất “Tây”…

Chưa yên tâm với heo VietGAP

Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng vấn đề chất cấm đi vào các sản phẩm chăn nuôi ngày càng phức tạp khi cơ quan chức năng phát hiện việc mua bán chất cấm ở dạng nguyên chất. Tinh vi hơn là không thể hiện rõ các chất cấm nằm dưới dạng thực phẩm chức năng dành cho chăn nuôi. Do đó đến cả người chăn nuôi cũng không biết được.

Theo bà Ninh, hiện nay VietGAP, GlobalG.A.P. là tiêu chuẩn an toàn nhằm kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Chẳng hạn để đạt được chứng nhận VietGAP, người chăn nuôi phải đảm bảo được trên 80 tiêu chí…

Vậy nếu người chăn nuôi không thực hiện theo VietGAP, thịt heo có an toàn không? Bà Ninh lý giải: “Heo không an toàn trong giai đoạn hiện nay thông thường là sử dụng thuốc kháng sinh không đúng quy định, sử dụng các chất tăng trọng, nguồn nước, tình trạng thịt gia súc, gia cầm bị bơm nước… Nên dù các cơ sở, người chăn nuôi không thực hiện theo VietGAP thì vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn của ngành để đảm bảo ATVSTP”.

Mới đây Sở Công Thương TP.HCM công bố 246 điểm bán thực phẩm VietGAP. TP cũng cấp giấy chứng nhận VietGAP 741 hộ chăn nuôi với tổng đàn 45.000 con, bình quân cung ứng ra thị trường 300 con/ngày. Đây là nỗ lực của TP mang đến cho NTD sự yên tâm trong mua sắm, sử dụng thực phẩm an toàn.

Trong khi đó Công ty Vissan công bố các điểm bán thịt heo VietGAP, đây là sản phẩm được kiểm soát từ trang trại đến bàn ăn. Được Chi cục Thú y TP kiểm soát từ đầu vào đến khi heo ra điểm bán. Các điểm bán cũng phải tuân thủ theo quy trình kiểm soát của cơ quan chức năng. Khi đưa ra kênh phân phối ở một số siêu thị, NTD có thể kiểm tra giấy tờ chứng nhận về miếng thịt heo, con heo đó.

Một số doanh nghiệp kinh doanh trong ngành cho rằng chỉ lo những loại đi theo đường nhập lậu, chứ thịt gia súc, gia cầm nhập chính ngạch thì cơ quan chức năng kiểm soát đầu vào.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết thêm: Để đảm bảo ATTP nguồn hàng rau củ, thịt gia súc, gia cầm, thời gian tới Sở tiếp tục xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, kiểm soát các yếu tố đầu vào như giống, thức ăn, thuốc thú y...; quy trình chăn nuôi an toàn, tiêm phòng đúng quy định, không sử dụng chất cấm trong quá trình chăn nuôi... Công bố địa chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, kinh doanh sản phẩm không an toàn. Tăng cường phối hợp với quận/huyện, phường/xã trong kiểm tra, kiểm soát ATTP.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm