Rất hiếm hồ sơ “đậu” mục khai ngành nghề. Quy định về ngành nghề kinh doanh vừa nhiều vừa phức tạp. Doanh nghiệp (DN) dù đọc kỹ hướng dẫn vẫn “rớt”!
Ngoài Luật DN, các nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn về đăng ký kinh doanh, hệ thống ngành nghề thì còn hàng chục luật khác có liên quan. Đặc biệt còn có các quy hoạch ngành nghề của địa phương. Ngay cả chuyên viên đăng ký kinh doanh cũng không nắm bắt hết được!
Khai thừa cũng phải sửa
Có những ngành nghề, lĩnh vực mà DN không cần đăng ký, nếu đăng ký thì lại phải sửa.
Ví dụ, trong giấy đề nghị đăng ký DN có mục “đăng ký xuất khẩu (có/không)”, tùy DN ghi có hoặc không. Thường là DN ghi có, vì ghi có cũng không bị đòi hỏi giấy tờ chứng minh gì. Chuyên viên Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) lấy ra một hồ sơ và nhận xét DN cẩn thận quá, đăng ký thêm ngành nghề “xuất nhập khẩu các mặt hàng công ty kinh doanh”. Tuy nhiên, đăng ký này bị buộc bổ sung “ghi rõ mặt hàng để có cơ sở cấp đăng ký kinh doanh”.
Nhiều DN tham khảo, nghiên cứu kỹ Quyết định 10/2007 về hệ thống ngành kinh tế và Quyết định 337/2007 về nội dung chi tiết hệ thống ngành kinh tế. Từ đó DN khai rất đầy đủ theo hai quyết định này. Nhưng hai quyết định này và các hướng dẫn khác về khai ngành nghề lại chẳng hướng dẫn DN cái nào cần khai, cái nào không được khai trong hồ sơ, dẫn đến việc DN cứ khai đầy đủ, nộp hồ sơ xong lại bị trả, bắt bỏ đi!
Ví dụ, có những hồ sơ khai mã ngành 4791 bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc Internet, khai mã ngành 4799 bán lẻ hình thức khác chưa được phân vào đâu thì đều được yêu cầu chỉnh sửa vì đây là “phương thức kinh doanh, không phải ngành nghề kinh doanh, đề nghị DN không đăng ký”.
Khi DN đăng ký ngành hóa chất thì phải liệt kê rõ hóa chất sử dụng trong công nghiệp, trong phụ gia thực phẩm hay trong nông nghiệp theo quy hoạch của TP hay riêng từng quận, huyện. Ảnh: HTD
Quá nhiều điều kiện kinh doanh
Sở KH&ĐT TP đã có những mục hướng dẫn riêng về ngành nghề quy hoạch, ngành nghề cần vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề (đăng trên website). Thế nhưng các hướng dẫn này vẫn không cập nhật kịp các điều kiện kinh doanh mới phát sinh của các bộ ngành, các lĩnh vực khác. Vì vậy, dù tham khảo kỹ bảng liệt kê ngành nghề có điều kiện nhưng nhiều DN vẫn bị trả hồ sơ.
Cụ thể, một hồ sơ đăng ký “dịch vụ chuyển phát trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh” nhưng khai vốn chỉ 30 triệu đồng, trong khi ngành nghề này đòi hỏi vốn trên 2 tỉ đồng. Một hồ sơ khác đăng ký ngành “quản lý thư viện”, chính chuyên viên đăng ký kinh doanh cũng không biết phải ra thông báo hướng dẫn cho DN bổ sung thế nào. Chuyên viên này chia sẻ có một nghị định yêu cầu có chứng chỉ hành nghề cho ngành này, tuy nhiên không có thông tư hướng dẫn cụ thể là chứng chỉ gì, nơi nào cấp. “Vì vậy chúng tôi chấp thuận hồ sơ không có chứng chỉ thì chúng tôi làm sai quy định, mà yêu cầu DN bổ sung hồ sơ thì phải nói rõ cho họ biết cần bổ sung cái gì, không nói thì thể nào DN họ cũng phản ứng!” - chuyên viên này nói.
Một chuyên viên khác kể kinh nghiệm, trước đây khá nhiều DN đăng ký ngành nghề “đại lý, môi giới, đấu giá” (mã ngành 4610) và không cần chứng chỉ hành nghề. Sau này, nghề đấu giá đã bị yêu cầu có chứng chỉ. Tuy nhiên, các DN không cập nhật, vẫn đăng ký mã ngành này với đầy đủ “đại lý, môi giới, đấu giá” mà không nộp kèm chứng chỉ hành nghề. Các DN nên lưu ý bổ sung chứng chỉ nếu muốn đăng ký đầy đủ như trên. Nếu DN không có chứng chỉ thì phải liệt kê chi tiết mã ngành cấp 5 là “đại lý” (46101) hoặc “môi giới” (46102) và chỉ kinh doanh trong hai ngành nghề này thì mới được cấp phép.
Cam kết, quy hoạch: Muôn hình vạn trạng
Nhiều hồ sơ phải chỉnh sửa vì thiếu cam kết kèm theo ngành nghề, theo quy hoạch của UBND TP hay quy hoạch riêng của từng quận, huyện. Các cam kết, quy hoạch này lại muôn hình vạn trạng và chưa được cập nhật trên các hướng dẫn về đăng ký kinh doanh nên DN thường không biết đường mà tránh!
Ví dụ, khi DN đăng ký ngành hóa chất thì phải liệt kê rõ hóa chất sử dụng trong công nghiệp, trong phụ gia thực phẩm hay trong nông nghiệp (theo chỉ đạo của UBND TP). DN đăng ký ngành nghề “tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại” (mã ngành 8230) tại TP.HCM phải bổ sung cam kết “không thực hiện các hiệu ứng cháy, nổ, chất cháy, hóa chất làm đạo cụ, dụng cụ thực hiện các chương trình văn nghệ, sự kiện, phim ảnh” theo chỉ đạo của UBND TP. Nếu DN không đăng ký thì Phòng ĐKKD phải xin ý kiến của UBND TP trước khi giải quyết hồ sơ.
Hoặc DN đăng ký ngành nghề “bán buôn nông lâm sản nguyên liệu” (mã ngành 4620) có thể phải bổ sung cam kết “không kinh doanh tại trụ sở”, vì ngành này có quy hoạch của TP về các chợ đầu mối bán buôn. Trường hợp khác, một DN ở quận 3 gần đây có đăng ký kinh doanh vật liệu xây dựng và phế thải của xây dựng, đặt trụ sở trên đường Hoàng Sa. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng cồng kềnh, dễ cháy, có hóa chất độc hại vừa được UBND quận 3 quy hoạch cấm, trừ một số đoạn đường ở Rạch Bùng Binh, Hoàng Sa, Trường Sa là được kinh doanh. Vì vậy DN phải cam kết không kinh doanh lĩnh vực trên tại trụ sở.
Lưu ý những ngành “có liên quan” Phòng ĐKKD cho biết có khoảng 15 ngành nghề cấp 4 cần phải đăng ký chi tiết đến cấp 5 nhưng các DN thường bỏ qua. Ví dụ mã ngành cấp 4 là 8559 “giáo dục khác chưa được phân vào đâu” thì cần khai chi tiết là DN muốn giáo dục cái gì; mã ngành 46900 “bán buôn tổng hợp” thì DN phải khai rõ chi tiết muốn bán buôn cái gì; ngành nghề 64920 “cấp tín dụng khác” cũng phải nói rõ cái khác đó là cái gì, vì có thể có một số hoạt động tín dụng cụ thể phải đáp ứng điều kiện kinh doanh. Một số mã ngành có nội dung “có liên quan”, “có liên quan khác”, ví dụ mã ngành 7110 “hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan” cũng cần ghi rõ chi tiết nội dung hoạt động để có cơ sở cấp ĐKKD. Chọn một ngành chính Trong mẫu giấy đề nghị đăng ký DN có yêu cầu DN “chọn một trong các ngành nghề kinh doanh” để khai ngành nghề kinh doanh chính. Nhiều DN quên chọn, nhiều DN lại chọn hai, ba ngành nghề... là chưa phù hợp. |
Bài 3: Đặt tên đẹp, độc: Không dễ!