Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa quyết định phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2018 trên 10 lĩnh vực. Trong đó có năng lượng, điện, quản lý cạnh tranh, tiêu chuẩn đo lường, xúc tiến thương mại, an toàn thực phẩm và xuất nhập khẩu...
Theo Bộ Công Thương, đây là lần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh lần thứ ba của bộ này. Đây cũng được xem là “cuộc cách mạng lần thứ ba” trong lịch sử ngành công thương. Đặc biệt, trong suốt thời gian qua, những loại giấy phép con, giấy phép cháu, giấy phép ông “lạ lùng, không giống ai” này gây khó khăn, phiền phức và tốn kém cho cộng đồng người kinh doanh.
54 giấy phép con, giấy phép cháu bị trảm
Cụ thể, trong “cuộc cách mạng thủ tục, giấy phép con lần thứ ba” này sẽ có 54 thủ tục hành chính nằm trong diện bãi bỏ, đơn giản hóa. Trong đó bãi bỏ 12 thủ tục và đơn giản hóa 42 thủ tục đối với 10 lĩnh vực, tại 19 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 10 thông tư, một thông tư liên tịch, một quyết định của Thủ tướng và bảy nghị định.
Theo đó, đối với lĩnh vực xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương bãi bỏ thành phần hồ sơ quy định về hình ảnh hàng hóa khuyến mãi và hàng hóa dùng để khuyến mãi; mẫu vé số dự thưởng đối với chương trình khuyến mãi có phát hành vé số dự thưởng; thay thế giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi theo quy định của pháp luật bằng bản sao giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mãi theo quy định của pháp luật.
Việc cắt giảm các giấy con về khuyến mãi giúp cộng đồng kinh doanh dễ thở hơn. Ảnh: TÚ UYÊN
Bộ cũng bãi bỏ quy định trách nhiệm chậm nhất bảy ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mãi thương nhân gửi văn bản thông báo cho Sở Công Thương nơi thực hiện khuyến mãi kèm theo bản sao văn bản xác nhận của Bộ Công Thương.
Thay vào đó, trách nhiệm thông báo này thuộc về Bộ Công Thương cung cấp cho Sở Công Thương nơi thương nhân tổ chức khuyến mãi nội dung chương trình đã được xác nhận để phối hợp quản lý; bãi bỏ quy định về việc thông báo yêu cầu thương nhân hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ khi hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ...
Như vậy, trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đã được giảm thời gian thực hiện từ bảy ngày làm việc xuống còn năm ngày làm việc. Đối với quy định về việc thông báo thực hiện khuyến mãi, thời hạn gửi thông báo đến Sở Công Thương được giảm từ bảy ngày làm việc xuống ba ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mãi…
Đặc biệt, liên quan đến Nghị định 109/2010 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo gây nhiều tranh cãi thời gian qua, Bộ Công Thương cũng tiến hành điều chỉnh thời gian thực hiện thủ tục từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày đối với hoạt động cấp lại, điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời bãi bỏ quy định về việc “Cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế giấy chứng nhận sắp hết hiệu lực”.
Đẻ ra cơ chế xin-cho Bất cập lớn nhất tại Nghị định 109 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là quy định phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Quy định này tạo ra sự độc quyền, hạn chế cạnh tranh. Bởi nếu không được VFA đóng dấu thì không thể xuất khẩu gạo ra nước ngoài. Do đó cần bỏ quy định này vì nó chỉ đẻ thêm thủ tục hành chính, tạo ra cơ chế xin-cho làm mất thời gian, nhân lực, chi phí cho doanh nghiệp. Ông NGUYỄN THANH LONG, Giám đốc Công ty Gạo Việt |
Xuất khẩu gạo vẫn khó
Phản ứng trước quyết định trên của Bộ Công Thương, nhiều nhà kinh doanh cho rằng việc bãi bỏ một loạt thủ tục hành chính liên quan đến khuyến mãi sẽ giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Ví dụ cho phép thương nhân được lựa chọn một trong ba cách thức đăng ký thực hiện khuyến mãi bao gồm: Qua đường bưu điện; trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; dịch vụ công trực tuyến, thư điện tử.
“Trước đây không có cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Khi chúng tôi muốn khuyến mãi phải gửi hồ sơ giấy đến từng Sở Công Thương nơi thương nhân tổ chức khuyến mãi… Do vậy với quy định mới sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho người kinh doanh” - đại diện một doanh nghiệp công nghệ thông tin nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, nhận xét: Việc giảm thời gian làm thủ tục tạo thuận lợi cho các công ty xuất khẩu gạo nhưng những vướng mắc lớn khác vẫn còn chưa được bãi bỏ. Trong đó quan trọng nhất là các điều kiện về kinh doanh vô lý về xuất khẩu gạo tại Nghị định 109 vẫn chưa được cắt bỏ.
“Thực tế chúng tôi vẫn đang phải đáp ứng các tiêu chí có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ... Nếu không đáp ứng được thì buộc phải rời bỏ thị trường, hoặc tìm cách ủy thác, hoặc bán lại cho doanh nghiệp khác có quyền xuất khẩu. Quy định này gây lãng phí đầu tư khiến các công ty làm gạo chất lượng cao, có thương hiệu nhưng quy mô nhỏ gặp khó” - ông Long chia sẻ.
Đề xuất cắt giảm 193 giấy phép con thuế, hải quan... Bộ Tài chính vừa đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 193 điều kiện kinh doanh trong bảy lĩnh vực: Bảo hiểm, chứng khoán, giá, hải quan, kiểm toán, tài chính ngân hàng, thuế. Chẳng hạn trong kinh doanh các dịch vụ về thuế, Bộ đề xuất bỏ điều kiện về nhân lực “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất, đạo đức tốt, trung thực, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật”. Trong lĩnh vực hải quan, dự kiến không còn yêu cầu nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan phải có trình độ cao đẳng trở lên trong các ngành kinh tế, luật, kỹ thuật, mà chỉ cần có trình độ cao đẳng trở lên trong bất cứ ngành nào. |