Chưa vượt qua cuộc khủng hoảng cung vượt cầu và những bế tắc khi xuất khẩu sang Trung Quốc thì nay thêm vụ việc heo tiêm thuốc an thần ở lò mổ khiến người nuôi đã lỗ lại thêm lỗ.
Quýt làm cam chịu
“Với mức giá heo hơi rẻ như hiện nay, một con heo xuất chuồng người nuôi lỗ cả triệu đồng. Kiểu này ngành chăn nuôi heo chỉ chờ phá sản vì đã lỗ thê thảm suốt gần một năm qua khi giá heo hơi bán dưới giá thành sản xuất”. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thở dài ngao ngán trước tình cảnh buồn của người chăn nuôi heo.
Ông Nguyễn Tấn Hậu, chủ trại heo Tám Do ở Long Thành, Đồng Nai, thông tin thêm: Vụ việc phát hiện gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á, TP.HCM đã khiến đầu ra của người chăn nuôi thêm khó khăn hơn. Thương lái phải đi tìm các lò mổ khác, tuy nhiên vị trí lò mổ xa, tốn thêm nhiều chi phí.
Hơn nữa, làm ăn với các lò mổ mới cũng không dễ vì họ đã có mối mang nên khó chen chân, buộc các thương lái phải giảm mua heo. Hệ quả là các trang trại, nông dân lãnh đủ.
“Sức mua giảm mạnh, giá heo từ đó cũng sụt giảm 2.000-3.000 đồng, xuống chỉ còn 27.000-28.000 đồng/kg. Với mức giá này, tôi lỗ 300.000-400.000 đồng mỗi con heo xuất chuồng. Mức lỗ này vẫn còn thấp hơn so với đa số trại heo khác. Do trại heo của tôi tự sản xuất được giống, quy mô nuôi công nghiệp, thức ăn mua trực tiếp từ nhà máy nên giá thấp hơn” - ông Hậu thở dài.
Từ đầu năm đến nay, trang trại anh Minh Quang ở Đồng Nai đã phải gồng mình với khoản lỗ đã lên tới hơn 2 tỉ đồng. Khi giá nhích lên trên mức giá 30.000 đồng/kg hồi tháng 7, anh hy vọng sẽ cắt được lỗ kéo dài. Có điều chưa kịp vui thì nay giá heo lại giảm xuống 27.000 đồng càng khiến anh khốn đốn hơn bao giờ hết.
Kiểm tra thịt heo tại một lò giết mổ. Ảnh: QUANG HUY
Anh Quang ngậm ngùi: “Với mức giá như trên, hơn 300 con heo xuất chuồng mỗi đợt, tôi lỗ hơn 300 triệu đồng. Vụ việc phát hiện heo tiêm thuốc an thần, tạm ngưng lò mổ lớn nhất TP.HCM khiến đầu ra càng thêm bế tắc. Kiểu này các trang trại heo đã lỗ càng thêm lỗ, chắc phải đóng cửa trại sớm chứ không chờ nổi đến cuối năm”.
Nhiều chủ trang trại cho rằng việc tiêm thuốc an thần thuộc trách nhiệm của lò mổ, không liên quan đến người chăn nuôi. Vậy mà người nuôi heo lại bị vạ lây, quýt làm cam chịu. Trong khi người nuôi heo đã rất khổ sở vì lỗ nặng, thậm chí phá sản hay phải thế chấp giấy chủ quyền nhà, đất và sổ tiết kiệm để trả nợ.
Đầu ra tắc vì người tiêu dùng bất an
Xuyên Á là lò mổ lớn nhất TP.HCM hiện nay, mỗi ngày tổ chức giết mổ trên 5.000 con heo, chiếm hơn 50% tổng lượng thịt tiêu thụ của toàn TP. Một lượng heo rất lớn thu mua tại Đồng Nai đưa về TP.HCM tiêu thụ đều được giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.
“Trước đây, hơn 60% lượng heo của thủ phủ heo lớn nhất cả nước là Đồng Nai cung cấp cho thị trường TP.HCM. Chỉ trong vài ngày gần đây, việc tạm ngừng hoạt động lò mổ Xuyên Á, cộng thêm sức tiêu thụ giảm vì người dân bất an đã khiến lượng heo cung ứng cho TP.HCM giảm mạnh, chỉ còn khoảng 25%-30%” - ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định.
Bà Thanh, một thương lái mua heo từ Đồng Nai, cho biết thêm nhiều năm nay bà đều đưa heo vào lò Xuyên Á. Do vậy, việc tạm dừng lò này khiến bà phải giảm một nửa số lượng heo mua vào, từ mức 200 con giờ chỉ còn chưa tới 100 con mỗi ngày. Thậm chí theo bà Thanh, một số thương lái đã dừng mua heo vì các đầu mối thu mua thịt heo mảnh sỉ ở chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM giảm ăn hàng.
Đã kiểm soát được chất cấm salbutamol Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bộ NN&PTNT khẳng định kết quả giám sát cho thấy trong tám tháng liên tục, cơ quan này không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm salbutamol trong 3.588 mẫu nước tiểu, 707 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ. |
Chưa kịp vui thì nay giá heo lại giảm xuống 27.000 đồng càng khiến nông dân khốn đốn hơn bao giờ hết Ảnh: Quang Huy
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Thùy Dương (nhà ở quận 12, TP.HCM) nói vụ việc phát hiện heo tiêm thuốc an thần tại một lò mổ khiến chị không khỏi bất an, lo lắng. “Mấy ngày nay nhà tôi đã ngừng ăn thịt heo, chuyển sang các thực phẩm khác. Cùng lắm thì chỉ mua trong siêu thị, mình tự thấy an tâm” - chị Dương chia sẻ.
Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP, cho hay tính đến sáng 3-10, các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 1.995 con heo trong tổng số hơn 3.700 con bị tiêm thuốc an thần, còn tồn hơn 1.700 con chưa tiêu hủy.
“Sở đã phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, dứt khoát không để con heo bị tiêm thuốc an thần nào lọt ra ngoài” - ông Trung nhấn mạnh.
Xử lý trách nhiệm cán bộ quản lý Chiều 5-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thông tin về việc phát hiện số lượng lớn heo tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại một lò mổ ở TP.HCM. Bộ trưởng Cường cho biết mục đích của hành vi trên là để cho thịt có màu sắc thật bắt mắt, đỏ tươi hơn bình thường, thịt sát tới da, luôn tươi dẻo. “Việc tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng” - Bộ trưởng Cường khẳng định. Để chấm dứt tình trạng này, tư lệnh ngành nông nghiệp đề nghị TP.HCM và các đơn vị thiết lập đường dây nóng thông tin về tố giác tội phạm, tổ chức cho các đơn vị giết mổ phải cam kết thực hiện không tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ. Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước cấp dưới. Bộ trưởng cũng lưu ý sẽ kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý theo trách nhiệm của mình. ĐẶNG TRUNG
Không có chuyện học sinh bị ngộ độc thịt heo tiêm thuốc an thần “Sau khi xác minh từ nhiều nguồn, chúng tôi khẳng định không có vụ ngộ độc thực phẩm do ăn thịt heo có chứa tồn dư thuốc an thần khiến 63 học sinh trên địa bàn TP.HCM phải nhập viện như một số trang mạng đăng tải mới đây”. Ngày 5-10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết thông tin trên. Trước đó, ngày 4-10, một số trang mạng đăng tải bài viết “Khẩn cấp: Hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần”. Trong đó có nội dung: Xét nghiệm ban đầu từ các trẻ nhập viện cho thấy các bé đều có dấu hiệu bị ngộ độc với chất acepromazin, đây là chất có trong thuốc an thần thường được tiêm cho heo trước khi mổ. Hiện đã có 63 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy hiểm, số lượng các trẻ nhập viện cấp cứu ngày một tăng cao. TRẦN NGỌC |