Xuất khẩu bằng euro thắng lớn

Theo các chuyên gia, nhu cầu tiền USD trên thị trường tài chính giảm nên đã rơi xuống dưới ngưỡng 16.000 đồng/USD. Vì vậy, đồng USD giảm giá cũng sẽ có tác động hai chiều đến xuất nhập khẩu.

Xuất khẩu bị tác động nhẹ

Trong bối cảnh dầu thô và nhiều nguyên vật liệu đang tăng giá ở mức cao thì những doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào bằng USD được lợi. Trong đó, những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng tiêu dùng bán trong nước rất có lợi do giảm bớt chi phí nhập khẩu đầu vào. Ngược lại, USD giảm giá lại gây ra khó khăn cho những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thu về bằng USD đến khi chuyển đổi sang đồng VND sẽ bị lỗ. Đặc biệt, trong tương lai nếu giá USD giảm mạnh hơn nữa thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị sụt giảm mạnh. Hơn nữa, khi đó hàng hóa của Mỹ trên thị trường Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh vượt trội so với hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết Ngân hàng nhà nước đã nới rộng thêm biên độ tỷ giá lên mức 0,75% nên các nhà xuất-nhập khẩu cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều. Đồng thời, lượng ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào nên đã kéo theo tỷ giá USD giảm nhẹ so với VND. Hơn nữa, đồng USD mới chỉ giảm nhẹ, cũng chưa tác động nhiều đến nền kinh tế do Việt Nam vẫn còn là quốc gia nhập siêu và vay nợ nước ngoài. Mặt khác, USD mất giá chỉ tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu bằng USD, còn những công ty xuất khẩu bằng euro, yen Nhật, bảng Anh... thì lại được lợi.

Diễn biến trên cũng đang làm cho các ngân hàng thương mại lâm vào tình huống khó xử khi nguồn cung USD trên thị trường đang dư thừa. Vì vậy, nếu ngân hàng thương mại mua vào sẽ có nguy cơ thua lỗ, còn không mua vào sẽ mất khách hàng. Vị phó tổng giám đốc ngân hàng trên cho biết đây cũng là vấn đề rất “lúng túng” trong điều hành chính sách vĩ mô đối với Ngân hàng nhà nước khi chưa có biện pháp can thiệp mạnh mẽ. Bởi lẽ nếu không mua USD vào sẽ không làm tròn trách nhiệm người mua bán cuối cùng trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, đồng thời làm cho tỷ giá xuống quá thấp lại ảnh hưởng tới xuất khẩu. Ngược lại, mua vào thì phải cung ứng khối lượng lớn đồng Việt Nam ra lưu thông, lại gây áp lực lên lạm phát tăng lên.

Vàng giúp bảo toàn vốn

Trong khi giá USD giảm mạnh thì thị trường vàng lại tăng đột biến lên mức cao nhất trong vòng 28 năm qua. Điều này cũng đang ít nhiều tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Bởi lẽ khi vàng tăng giá sẽ thu hút một số người bán USD để đầu tư vào vàng, cho nên nguồn cung ngoại tệ đã thừa lại còn thừa hơn nữa. Mặt khác, nhiều người dân mỗi khi có USD trong tay cũng thường đổi sang tiền đồng VND để gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao hơn. Đồng thời, với đà lạm phát tăng cao như hiện nay, cộng với mức giá tăng chóng mặt trong thời gian qua, người dân đang có tâm lý chọn vàng để tích trữ, đầu tư dài hạn. Hơn nữa, vàng cũng đang thể hiện vai trò bảo toàn vốn trước những bất ổn của thị trường tài chính và sự trượt dốc của đồng USD.

Một chuyên gia nước ngoài cho rằng nhờ vào tính chất an toàn cũng như bảo toàn tài sản vốn mà vàng càng trở lên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư khi lạm phát gia tăng và do đồng USD mất giá. Thông thường vào dịp cuối năm, vàng nữ trang hay tăng giá do mùa cưới và lễ hội. Tuy nhiên, vàng tăng giá cũng ảnh hưởng rất lớn đến những khoản nợ phải trả bằng vàng, trong đó phải kể đến các hợp đồng mua bán nhà đất. Nhưng khảo sát qua các trung tâm môi giới địa ốc lớn như ACB, Sacomreal cho thấy lượng khách hàng giao dịch bằng vàng rất ít.

Hôm qua (10-1), giá vàng SJC đã tụt xuống dưới ngưỡng 1,7 triệu đồng/chỉ và đạt 1,685-1,695 triệu đồng/chỉ (mua vào, bán ra), giảm thêm 15.000 đồng một chỉ so với ngày trước đó. Giá vàng thế giới tính đến cuối giờ chiều qua cũng đã giảm thêm năm USD/ounce và đạt 881,5 USD/ounce. Như vậy, với mức giá này thì giá vàng trong nước vẫn còn thấp hơn giá vàng thế giới gần 4.000 đồng/chỉ.

M.PHƯƠNG

VŨ HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm