Nắng nóng, hạn chế tối đa ánh nắng xuyên vùng vai gáy

(PLO)- Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, khi đi ra đường, người dân nên hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt vùng vai gáy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, PLO đăng tải nhiều thông tin “Khi nào nắng nóng ở Nam Bộ sẽ giảm?”, “Nhiệt độ cao kỷ lục trong kỳ nghỉ lễ 30-4, nắng nóng gay gắt kéo dài đến khi nào?”, “TP.HCM đã có mưa dù chỉ vài phút, cư dân mạng rủ nhau thủ sẵn áo mưa”,…về thời tiết nắng nóng kéo dài tại TP.HCM và các khu vực trên cả nước.

Trước những thông tin trên, PLO nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc về việc bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng như thế nào? Để giải đáp rõ hơn các câu hỏi bạn đọc về cách bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng, bác sĩ Phạm Cung, Trưởng trạm Y tế phường Tân Hưng Thuận, Quận 12, TP.HCM, đã có những chia sẻ với PLO.

Sốc nhiệt mùa nắng nóng, xử trí ra sao?

. Bạn đọc Cẩm Tiên: Hiện nay, nhiều người dân đang chia sẻ câu nói “Mùa nắng nóng, đừng đi đầu trần dưới nắng dù chỉ 1 phút”. Xin bác sĩ cho biết trong thời tiết nắng nóng gay gắt, nếu chủ quan, đi ra ngoài đường mà không che chắn kỹ phần đầu thì ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?

+ Bác sĩ Phạm Cung: Tác hại việc ra đường không che chắn phần đầu hay bất cứ vùng nào trên cơ thể sẽ dẫn đến: Cháy da, đau đầu, ngất say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao, hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức; người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép...; những người mắc các bệnh mãn tính (bệnh mạn tính) như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản, đái tháo đường...

Những biểu hiện vấn đề sức khỏe thường gặp mùa nắng nóng

Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể. Mức độ nhẹ là mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút. Mức độ nặng là đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong.

Nắng nóng.webp
Khi có những biểu hiện mệt mỏi mùa nắng nóng nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời sơ cứu. Ảnh: TRẦN MINH

. Phóng viên: Khi đi ngoài thời tiết nắng nóng, người dân sẽ có nguy cơ xảy ra tình trạng ngất, kiệt sức, thậm chí là đột quỵ do sốc nhiệt. Trường hợp xảy ra những tình trạng này, người dân cần có những phương pháp sơ cứu như thế nào; đặc biệt là hạn chế trở nặng?

+ Bác sĩ Phạm Cung:

1. Ngất: Tình trạng này thường gặp ở những người đi du lịch mùa hè, phải ra ngoài nắng nhiều hoặc leo núi, di chuyển, tập quân sự, làm việc ở nơi có nhiệt độ cao… khiến cơ thể mất muối và nước. Tình trạng này kéo dài đến một giai đoạn nào đó làm nước trong lòng mạch máu giảm, giảm huyết áp, đặc biệt bệnh nhân ở tư thế đứng sẽ giảm lưu lượng máu lên não gây ngất xỉu.

Sơ cứu trong trường hợp này rất quan trọng. Cho người bệnh nằm đầu thấp, di chuyển đến vùng không khí thoáng mát, nới rộng áo quần, bù nước có muối khoáng. Theo dõi khoảng 30 phút, nếu ổn định thì không cần đến bệnh viện.

2. Kiệt sức: Khi tình trạng mất muối và nước kéo dài sẽ dẫn đến kiệt sức. Khi đó, bệnh nhân không chỉ ngất xỉu mà còn kèm theo các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn… Nếu được sơ cứu kịp thời, ngưng các hoạt động hiện tại, di chuyển vào môi trường thoáng mát thì cơ thể phục hồi hoàn toàn.

Sơ cứu người bị kiệt sức do nhiệt cũng giống như khi ngất xỉu nhưng cần phải theo dõi kỹ hơn. Có thể dùng khăn lạnh chườm vào những vùng có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn… để giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn. Uống càng nhiều nước càng tốt. Trong vòng từ 30 phút đến một giờ, triệu chứng không được cải thiện, bệnh nhân vẫn đau đầu, nôn ói, chóng mặt nhiều hơn thì nên đến bệnh viện.

3. Sốc nhiệt (Đột quỵ do nhiệt): Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Sốc nhiệt là do bị mất muối và nước kéo dài đi kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Tăng thân nhiệt kéo dài làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận đặc biệt là hệ thần kinh. Nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 40 độ C, kèm các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật thậm chí hôn mê..

Khi có triệu chứng trên, cần sơ cứu tạm thời cho bệnh nhân bằng cách đặt họ nằm đầu thấp. Di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao, làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt hay ngâm người trong nước mát vài phút. Dùng gạc hoặc khăn thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vị trí có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn… để giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn. Đồng thời gọi cấp cứu 115 để chuyển nạn nhân đến bệnh viện ngay.

. Bạn đọc Hữu Quí: Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Vậy theo bác sĩ, bộ phận trên cơ thể nào không nên cho tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng?

+ Bác sĩ Phạm Cung: Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, khi đi ra đường, người dân nên hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Đây cũng là khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng một số ảnh hưởng tiêu cực của nắng nóng.

Vùng vai gáy được coi là trung tâm điều hòa thân nhiệt, giúp giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt chiếu vào vùng đầu, gáy, trung tâm này sẽ bị tổn thương, làm rối loạn điều hòa thân nhiệt. Cơ thể sẽ không giữ được sự cân bằng.

Điều này có thể dễ gây tình trạng cơ thể mất nước cấp, rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Đáng nói hơn, biểu hiện nặng ngay từ đầu tổn thương thần kinh có thể hồi phục hoặc không hồi phục; thậm chí có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ, mọi người nên che chắn, bảo vệ vùng vai gáy khỏi ánh nắng trực tiếp bằng cách sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, kính, nón rộng vành…

Ngoài ra, người dân nên lựa chọn mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Trong suốt thời gian làm việc, người dân cũng cần uống nước đều đặn để tránh tình trạng mất nước, không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất (như Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng).

Nắng nóng.webp
Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Ảnh: HUỲNH THƠ

7 lời khuyên để bảo vệ sức khỏe

. Bạn đọc Lý Minh: Bác sĩ hãy cho lời khuyên để bảo vệ giữ khỏe dưới thời tiết nắng nóng?

+ Bác sĩ Phạm Cung: Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của nắng nóng, người dân cần tăng cường áp dụng những biện pháp chống nắng, nóng như sau:

1. Uống nhiều nước: Nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; Cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi. Đây chính là biện pháp đầu tiên, dễ thực hiện và rất hiệu quả để chống nắng nóng. Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi nó chỉ khiến cơ thể thêm phần mất nước. Tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…

2. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Vào mùa hè, để tăng cường sức đề kháng hiệu quả, cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…

3. Mặc trang phục mát: Mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Đội nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi. Đeo kính mát để bảo vệ mắt... Ngoài ra cần tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm

4. Giữ nhà cửa thông thoáng: Cần mở hết cửa sổ nếu nhiệt độ bên ngoài gần bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ trong nhà. Cửa sổ mở sẽ giúp điều hòa không khí tự nhiên, đưa nhiệt ra ngoài và gia tăng luồng luân chuyển không khí trong nhà. Lưu ý tắt hết đèn, các thiết bị điện không cần thiết vì các thiết bị này tỏa nhiệt nóng.

5. Tránh xa ánh nắng: Nếu cần thiết phải ra nắng thì cần cố gắng chỉ ra nắng trong thời gian ngắn và phải thoa kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 15 (SPF (sun protection factor) là chỉ số đo lường mức độ tia UVB cần thiết đủ để tạo ra vết cháy nắng trên da được bảo vệ (da có thoa kem chống nắng so với da không được bảo vệ. Chỉ số SPF càng cao thì khả năng chống tia UVB càng mạnh) . Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.

Không nên tập thể dục quá nhiều vào các thời điểm nắng gắt trong ngày. Thay vào đó, có thể chạy bộ, đi bộ vào lúc mặt trời gần mọc hay lặn. Tập luyện từ từ để thích ứng với không gian dưới ánh nắng. Nếu thấy khó thở được hoặc tim đập mạnh, cần dừng tập và cố gắng làm mát cơ thể, ví dụ như xả nước mát. Nghỉ ngơi nếu thấy lả người hay hoa mắt chóng mặt…

6. Dùng quạt và điều hòa cần lưu ý: Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ bị nhiễm lạnh. Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.

7. Ăn chín, uống sôi: Người dân nên ăn thức ăn, uống nước đã nấu chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người cần uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm