Bốn tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 1,804 tỉ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ, trong đó có sự đóng góp lớn của mặt hàng sầu riêng.
Năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 6-6,5 tỉ USD. Tuy nhiên trong bối cảnh nắng nóng, hạn mặn miền Tây đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn.
Nguồn cung thiếu, doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng mới
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, xuất khẩu rau quả trong bốn tháng đầu năm rất khả quan nhưng DN gặp nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, xuất khẩu vào bờ đông nước Mỹ, hay EU do xung đột Biển Đỏ khiến thời gian vận chuyển dài hơn, DN chuyển sang đi bằng đường hàng không, chi phí tăng cao.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng gây khó khăn cho công tác bảo quản. Để đáp ứng chất lượng sản phẩm DN thay đổi cách vận hành, riêng chi phí vận hành tăng 20%-30% đẩy giá thành rau quả tăng cao.
Đáng lo hơn, nắng nóng, tình trạng ngập mặn nghiêm trọng khiến chất lượng sản phẩm không đạt, ảnh hưởng đến nguồn cung xuất khẩu rất lớn.
Tại Bến Tre, bưởi gần như không có nhiều để xuất khẩu. Chẳng hạn trước đây DN thu mua bưởi từ 1kg trở lên nhưng hiện nay thu mua từ 0,6kg trở lên.
“Trừ sầu riêng do đang vào mùa nguồn cung dồi dào và đụng hàng Thái Lan nên giá giảm. Gần như tất cả các loại nông sản tăng giá đột biến như giá dừa. Buổi sáng chốt giá, buổi chiều vọt lên 20%-30%. Giá dừa tại vườn ở Bến Tre 130.000 đồng/chục, tăng gấp bốn lần”-ông Tùng nhận xét.
Hơn nữa, hiện nay DN đang rơi vào “cuộc chiến” gay gắt để có được nguồn hàng. Vina T&T phải tăng giá thu mua, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để người nông dân bán hàng cho công ty. Đồng thời, công ty cam kết mùa thấp điểm vẫn bao tiêu, đảm bảo đầu ra ổn định quanh năm.
“Thường DN đã kí kết hợp đồng với khách hàng giá ổn định. Tuy nhiên, trước tình hình giá tăng đột biến, nằm ngoài dự đoán, DN phải mua giá cao nhưng bán giá như kí kết để giữ uy tín với khách hàng. Với những đơn hàng mới nếu có tăng giá cũng không đủ nguồn cung để tiếp nhận vì những đơn hàng cũ chưa đủ cung ứng”-ông Tùng nói.
Cùng nhìn nhận trên, một DN xuất khẩu trái cây, nông sản sang châu Âu, Nhật Bản cho biết, các địa phương trên cả nước đều bị hạn hán làm cho vùng trồng thiếu nước sản xuất, chất lượng sản phẩm hao hụt tự nhiên cao hơn, ảnh hưởng đến sản lượng cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
Theo vị này, hiện nay nhu cầu các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc với trái thanh long nhiều. Tuy nhiên, các vùng trồng thanh long có xu hướng chuyển đổi cây trồng khác, diện tích giảm, thiếu hụt nguyên liệu.
Trong khi đó, vùng trồng có sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu đã ít nhưng người mua nhiều hơn dẫn đến giá cả biến động.
Theo DN này, ngoài các yếu tố trên, một thách thức lớn của nông sản Việt là xung đột giữa các quốc gia làm đứt gãy chuỗi logistics, gây rủi ro chất lượng hàng hóa. Chưa kể, giá cước vận chuyển tăng 40% so với đầu năm.
“Trước tình hình thiếu hụt nguồn cung thanh long, dừa,…nhiều khách hàng đặt thêm đơn hàng nhưng chúng tôi chưa dám nhận thêm”-vị này chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, do nắng nóng nên sản lượng, khối lượng trái thanh long giảm nhiều, dẫn đến nguồn cung khan hiếm.
DN đã kí kết hợp đồng trước với khách hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ DN kí kết cung cấp một tấn thanh long/tuần nhưng do thiếu nguồn hàng, buộc các DN xuất khẩu phải tranh mua, tăng giá thu mua để có đủ lượng hàng giao cho đối tác.
Theo đó, giá thanh long đỏ thu mua tại vườn 30.000-35.000 đồng/kg, thanh long trắng 20.000-25.000 đồng/kg. DN thiệt hại hơn 15%/đơn hàng đã kí kết.
Theo ông Trịnh, ngoài nguyên nhân thời tiết khắc nghiệt, trước đó do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 người trồng thanh long khó khăn đầu ra, lỗ nặng nên chuyển sang cây trồng khác.
Vào vụ (tháng 5-8) thanh long tại Long An thu hoạch khoảng 100.000 tấn nhưng năm nay chỉ được khoảng 50%.
“Do năng suất giảm nên với mức giá trên người trồng thanh long không lời nhiều”-ông Trịnh tính toán.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 165.000 ha trồng dừa, chủ yếu ở Vùng duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trong đó, Bến Tre 69.000 ha, sản lượng 570.000 tấn, dừa Bến Tre đáp ứng phần nhỏ nhu cầu xuất khẩu.
Theo quy luật hàng năm vào mùa hè xảy ra hiện tượng “dừa treo” khiến nguồn cung giảm, đồng thời nhu cầu tiêu thụ dừa mùa nắng gay gắt nên giá dừa chắc chắn tăng cao.
“Tình trạng này có thể xảy ra ở những nhà vườn không kí kết hợp đồng bao tiêu với DN và ngược lại, khi đã được bao tiêu, để giữ uy tín lâu dài, chắc chắn họ sẽ giữ giá ổn định.
Tuy nhiên, với dừa xiêm uống nước, giá cả hầu như thả nổi nên sẽ xảy ra tình trạng giá dừa tăng đột biến. Điều này cũng là đương nhiên với cung cầu của thị trường”-bà Thanh nói.
Với dừa xiêm uống nước, giá cả hầu như thả nổi nên sẽ xảy ra tình trạng giá dừa tăng đột biến. Điều này cũng là đương nhiên với cung cầu của thị trường nội địa...
Xuất khẩu rau quả năm 2024 khó đạt mục tiêu như đề ra
Theo bà Thanh, các tỉnh miền Tây trong đó có Bến Tre năm nay đều bị động trong xử lý tình huống, chưa có hướng giải quyết tốt trong ngăn chặn xâm mặn.
“Để giảm thiệt hại trước hiện tượng xâm mặn ở ĐBSCL hàng năm, các bộ ngành và địa phương nên chủ động đề ra những biện pháp trữ nước phòng hộ trong mùa khô nhằm giảm khô hạn và xâm mặn một cách hiệu quả. Do đó, nhà nước cần có dự báo để người nông dân chủ động phòng ngừa rủi ro để giảm thiệt hại thấp nhất”-bà Thanh kiến nghị.
Theo ông Tùng, với nguồn lực của DN không giải quyết vấn đề mang tính vĩ mô. Do đó, kiến nghị Nhà nước có biện pháp căn cơ giải quyết vấn đề ngập mặn…giúp bà con sản xuất ổn định.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhìn nhận do hạn hán, nhiễm mặn nên nguồn cung nông sản trái cây Việt Nam xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý, một số hộ mới trồng sầu riêng do không có kinh nghiệm, đầu tư chưa tới, không nghiên cứu vùng trồng có phù hợp với sầu riêng không phải chặt bỏ đi.
Đối với những hộ trồng sầu riêng lâu năm, đã đầu tư bài bản, có kế hoạch trữ nước vào mùa khô, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm hợp lý nên dù hạn hán vẫn đảm bảo tưới tiêu.
Tuy nhiên, do yếu tố khách quan trên cũng ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng và sản lượng.
Theo ông Nguyên, thực tế một số vùng cây ăn trái đang thực hiện một số giải pháp như trữ nước trong vườn, những trang trại lớn đào ao lớn chứa nước quanh năm để ứng phó.
Hay Thái Lan cũng đang bị hạn hán, nông dân trồng sầu riêng sẵn sàng hy sinh một phần diện tích vườn đào ao trữ nước để đối phó. Ngoài ra, nông dân Thái Lan áp cũng sử dụng giếng khoan để bổ sung nước vào ao, các ao đều lót bạt nhựa chống thất thoát nên họ vẫn sản xuất ổn định.
“Thời gian qua xuất khẩu sầu riêng đóng góp lớn cho xuất khẩu rau quả Việt Nam. Do ảnh hưởng hạn hán, ngành sầu riêng đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 3 tỉ USD giảm so với mục tiêu ban đầu 3,5 tỉ USD.
Bên cạnh đó, năm 2024 ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả mang về 6 tỉ USD nhưng trong bối cảnh ảnh hưởng El Nino dù Việt Nam có tiềm năng nhưng khó đạt được con số này”-ông Nguyên nhận định.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin trọng điểm quý II, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện nay giá cả trái cây nội địa vẫn chưa biến động như hàng xuất khẩu.