Gom các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) về một đầu mối đã dẫn đến tình trạng ùn tắc, trễ hẹn kéo dài trong việc cấp giấy chứng nhận (GCN) cho người dân. Khổ hơn, người dân vô cùng cực nhọc khi cần một địa chỉ để trình bày, phản ánh về những vướng mắc trong quá trình chi nhánh giải quyết vì toàn TP nhưng chỉ có hai đầu mối.
Hai “trọng tài” phân xử cho 24 quận, huyện
Bà PTH ngụ quận 3, xin nộp hồ sơ cấp GCN căn nhà do cha mẹ để lại. Hồ sơ được chi nhánh VPĐKĐĐ quận 3 yêu cầu bổ sung một chứng từ mà bà cho hay không thể cung cấp được. Trình bày thì cán bộ chi nhánh này trả lời phải thực hiện đúng như vậy mới giải quyết.
Không thể đáp ứng được yêu cầu, bà đến báo Pháp Luật TP.HCM nhờ tư vấn có thể gặp ai khác có thẩm quyền để trình bày. Thế nhưng sau khi liên hệ, tìm hiểu, PV cũng chịu thua.
Liên lạc với ông Trần Văn Đông, Giám đốc VPĐKĐĐ quận 3, nhiều lần nhưng PV không nhận được phản hồi. Trước đây, trong trường hợp tương tự, ngoài vị này thì vài chức danh nữa có nghiệp vụ chuyên môn, có thẩm quyền để người dân đăng ký gặp, nhờ làm “trọng tài” lắng nghe, phán xử đúng sai. Đó là trưởng phòng TN&MT, phó chủ tịch UBND quận, huyện, chủ tịch UBND quận, huyện và thậm chí là bí thư quận ủy, huyện ủy. Thế nhưng hiện nay chi nhánh VPĐKĐĐ tách khỏi quận, sáp nhập thành một và trực thuộc sở TN&MT nên cấp trên của đơn vị này là hai đầu mối: VPĐKĐĐ TP và Sở TN&MT. Không lẽ bà H. phải tìm đến giám đốc VPĐK hay giám đốc Sở TN&MT để trình bày sự việc này? Trao đổi với một số quận, huyện thì câu trả lời nhận được là đúng như vậy. “Theo cơ chế thì bất kỳ việc lớn nhỏ nào, nếu người dân không đồng tình với cách giải quyết của chi nhánh VPĐK thì phải tìm đến giám đốc VPĐK TP hay giám đốc Sở TN&MT” - Trưởng phòng TN&MT quận Tân Phú Nguyễn Văn Điều cho biết.
Thậm chí bí thư một quận cho hay ông thấy không hợp lý cũng không thể có ý kiến chỉ đạo với chi nhánh VPĐK mà chỉ có thể góp ý trong những cuộc họp chi bộ. “Mình có ý kiến sẽ bị cho là lạm quyền vì chi nhánh VPĐK có trực thuộc quận, huyện đâu” - ông bày tỏ.
Người dân đang làm thủ tục nhà, đất tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM. (Ảnh chụp chiều 6-4) Ảnh: HTD
Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh trường hợp bà Dương Thị Kỉa ở huyện Bình Chánh nhận được một công văn yêu cầu điều chỉnh hồ sơ của Văn phòng ĐKQSDĐ mà theo bà là hiểu sai quy định Bộ luật Dân sự. Giai đoạn đó bắt đầu triển khai đề án tách nhập chi nhánh VPĐKĐĐ. Trình bày hết lời, dẫn chứng quy định với chi nhánh không được vì bên này bảo lưu quan điểm của mình, bà mang hồ sơ tìm đến VPĐKĐĐ TP. Thế nhưng nơi này cho rằng phải về lại quận, huyện vì đó là nơi giải quyết ban đầu, cũng là nơi cấp giấy cho bà. Hỏi huyện thì huyện cho biết đây là công văn của chi nhánh, phải gặp chi nhánh mới đúng địa chỉ. Bên này chỉ qua, bên kia chỉ lại. Sau khi báo phản ánh thì giám đốc VPĐKĐĐ TP, ông Phạm Ngọc Liên, lập tức phản hồi cho hay sẽ rút hồ sơ, mời chi nhánh huyện Bình Chánh đến để trao đổi.
Rất hoan nghênh tinh thần cầu thị của lãnh đạo VPĐKĐĐ TP nhưng một mặt khác sự việc cho thấy mọi việc đang dồn về một mối thì làm sao xuể, làm sao kịp thời cho dân?
Quận, huyện cấp giấy nhưng không có quyền chỉ đạo
Vấn đề đặt ra là: Có nên mọi trường hợp lớn nhỏ dễ khó, vướng pháp lý hay chỉ chưa rõ về nội dung tại 24 quận, huyện là phải dồn về cho lãnh đạo VPĐKĐĐ, lãnh đạo Sở TN&MT để chỉ đạo, xử lý, tiếp dân? Có hợp lý hay không, có dồn việc cho hai vị lãnh đạo này và dẫn đến khó khăn phiền hà cho người dân? Cơ chế phối hợp giữa chi nhánh và phòng TN&MT, quận, huyện thể hiện như thế nào để người dân không bị chỉ qua chỉ lại hoặc không biết phải gõ cửa ở đâu?
Trao đổi về những khó khăn của người dân, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc VPĐKĐĐ TP, cho hay nghe xong ông cũng thấy tâm tư và đồng tình: “Khi giải quyết hồ sơ, có những quan điểm khác nhau giữa người dân và cơ quan thụ lý là bình thường. Và quả thật là phải có một cơ quan cao hơn phán xử, làm trọng tài một cách kịp thời, nhanh chóng thì mới thuận lợi cho dân”. Ông cho rằng cơ chế này tốt hơn nhiều so với việc “xui người dân đi khiếu nại”. Cũng theo ông, trong trường hợp này, trưởng phòng TN&MT, các phó chủ tịch quận, huyện phụ trách đô thị… là những người có nghiệp vụ cao, nhiều năm kinh nghiệm, nắm vững pháp luật nên nếu có sự hỗ trợ xử lý của họ khi người dân có thắc mắc phản ánh về những yêu cầu, quan điểm của chi nhánh VPĐKĐĐ thì rất hay. “Đồng thời đó cũng là trách nhiệm của các cơ quan này vì họ vẫn tham gia quá trình cấp giấy, ký giấy sau khi chi nhánh thụ lý xong”. Ông Liên cho hay sẽ suy nghĩ về giải pháp phối hợp giữa các cơ quan này một cách hợp lý và tốt nhất.
Trong giai đoạn VPĐKQSDĐ (nay là chi nhánh VPĐKĐĐ) trực thuộc quận, có lần VPĐKQSDĐ quận Phú Nhuận bị người dân phản ánh đến phòng kiểm soát thủ tục hành chính của Sở Tư pháp vì trễ hẹn, thái độ tiếp dân. Sau đó, chánh văn phòng UBND quận đã phản hồi đến Sở kèm theo thư xin lỗi người dân của cơ quan thụ lý, giải trình của cán bộ. UBND quận thừa nhận “những hành vi nêu trên đã gây bức xúc cho người dân, lỗi này hoàn toàn thuộc về cơ quan nhà nước”. Và: “Với tư cách cơ quan cấp trên của cơ quan thụ lý hồ sơ, chúng tôi xin nghiêm túc tiếp thu phản ánh của đương sự và đề ra biện pháp chấn chỉnh (cụ thể kèm theo).” Thiết nghĩ không có người dân nào hay cơ quan nào không cảm thấy vui trước sự thẳng thắn nhận sai, cầu thị của UBND quận Phú Nhuận và chi nhánh VPĐKĐĐ. Hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi, chi nhánh VPĐKĐĐ quận Phú Nhuận vẫn làm tốt công tác phản hồi góp ý của dân, có thư xin lỗi do trễ hẹn. |