Ách tắc cấp giấy do dồn việc?

“Mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) đang triển khai là một cải cách tiến bộ. Tuy nhiên, chúng tôi có biết sau khi TP.HCM gom 24 chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) về một đầu mối (thành VPĐKĐĐ TP, thuộc Sở TN&MT TP.HCM) để cấp giấy chứng nhận (GCN) nhà đất thì ách tắc, ùn ứ hồ sơ của dân. Theo tôi, nguyên nhân chính để xảy ra vướng mắc là do tâm lý, nề nếp làm việc của các cơ quan, cán bộ liên quan”. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê đất đai (thuộc Bộ TN&MT), nhận định với Pháp Luật TP.HCM như trên.

Dân ngại, cán bộ “tưởng”

. Phóng viên: Nhiều người vẫn thắc mắc sao phải thay đổi cách cấp GCN được TP nhận định là “đã có nhiều kết quả tốt”. Mục đích chính ra đời mô hình VPĐKĐĐ một cấp là gì, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Văn Chiến: Việc thành lập VPĐKĐĐ một cấp là phù hợp xu hướng trên thế giới nhằm tránh tình trạng phân tán trong quản lý đất đai. Các quốc gia nhỏ còn có VPĐKĐĐ ở trung ương. Ở nước ta còn có nhược điểm là hệ thống hồ sơ chưa đồng bộ (hồ sơ cơ quan cấp tỉnh quản lý thiếu thông tin về nhà đất của hộ gia đình, cá nhân; còn cấp huyện thiếu thông tin của tổ chức). Tuy vậy, mô hình tổ chức VPĐKĐĐ phân cấp ở cấp tỉnh và cấp huyện như hiện nay là tương đối phù hợp.

. Nhưng thực tế hiện nay việc cấp GCN cho dân lại gặp nhiều vướng mắc thì việc thay đổi này gọi là cải tiến hay cải lùi thủ tục hành chính?

+ Mục tiêu của cải cách hành chính là tách dần quyền định đoạt của cơ quan quyền lực hành chính nhà nước có thẩm quyền giao đất, thu hồi đất (UBND cấp huyện, cấp tỉnh). Nếu có thể chuyển giao thì mạnh dạn thực hiện. Cơ quan quyền lực nhà nước dần không tham gia giải quyết mà ủy thác cho cơ quan chuyên môn như Sở TN&MT và cơ quan dịch vụ công là cơ quan ĐKĐĐ. Tuy nhiên, không ít người dân chưa nắm được nên vẫn “ngại” VPĐKĐĐ và một số cán bộ tại các VPĐKĐĐ vẫn còn tư tưởng mình là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, là cơ quan quyền lực.

Bà Đàm Nữ mỏi mòn trong việc xin cấp giấy chứng nhận. Ảnh: CẨM TÚ

Ách tắc sẽ không kéo dài (?)

. Nhưng ông cho rằng việc ùn tắc giải quyết cấp GCN cho dân là chính vì gom lại một chỗ, thay vì phân cấp cho quận, huyện như trước đó?

+ Nhiều loại hồ sơ trước đó do quận, huyện ký nhưng sau khi gom thì chuyển về Sở TN&MT dẫn đến tình trạng “thắt cổ chai”. Suy luận đó không sai.

Tuy nhiên, việc cấp GCN trên toàn quốc đã cơ bản hoàn thành với tỉ lệ từ 80% đến 85% (TP.HCM đạt 92% - PV). Nghĩa là việc cấp mới GCN không nhiều và thực hiện theo yêu cầu nên không có đột biến. Chủ yếu hiện nay là chuyển dịch, cấp đổi GCN. Vì vậy, về lý thuyết thì nguồn việc dồn về Sở TN&MT nhưng thực tế số lượng phân luồng về Sở TN&MT không quá nhiều.

. Theo giải thích của ông thì không thể nào xảy ra tình trạng ách tắc, chồng lấn thẩm quyền giữa quận, huyện và Sở. Nhưng tại TP diễn ra lại khác và người dân rất sức than phiền là do đâu, thưa ông?

+ Tôi nghĩ rằng vấn đề không phải do vướng mắc về pháp lý, kỹ thuật mà chủ yếu do nề nếp làm việc và cách thức thực hiện, phương pháp điều hành. Trước nay tôi thuộc anh nên phải nghe, giờ không liên quan nên khó chỉ đạo, rồi tâm lý tự ái và “lý do khách quan” là chưa quen việc... Một mắt xích trong dây chuyền thay đổi dĩ nhiên làm ảnh hưởng mọi khâu còn lại. Nhưng tôi cho rằng các vấn đề này sẽ khắc phục được sau một thời gian không lâu.

. Theo nhận định của TP.HCM, chủ yếu là vướng mắc trong việc phân cấp thẩm quyền từ quận, huyện về Sở TN&MT. Được biết TP đã kiến nghị sửa đổi quy định và cho phép TP thí điểm làm theo cách cũ, tức UBND quận, huyện cấp GCN và đăng ký biến động cho hộ gia đình cá nhân. Quan điểm của Bộ TN&MT về vấn đề này?

+ Bộ TN&MT sẽ nghiên cứu kiến nghị của TP.HCM nếu nhận được văn bản. Về phương diện cá nhân, nếu quy định trong phạm vi ngành thì tôi ủng hộ nhưng đã là luật mà làm trái thì không thể. Cơ chế đặc thù dường như không có tiền lệ cho địa phương một khi đã được quy định bởi văn bản cấp thông tư trở lên.

Theo tôi, từng địa phương phải có giải pháp riêng biệt. Chẳng hạn, TP.HCM nếu có đặc thù số lượng cấp GCN lần đầu nhiều thì phải có quy chế phối hợp và trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan, có một bộ phận tham mưu năng lực cho các phó giám đốc Sở TN&MT để ký GCN…

. Xin cám ơn ông.

Ưu điểm nhưng phải “trả giá” (?!)

. Ông cho rằng mô hình VPĐKĐĐ, gom về một mối để cấp GCN vẫn phù hợp và nhiều ưu điểm, đặc biệt tại TP.HCM nơi rất nhiều hồ sơ?

+ Về nguyên lý, mô hình này không gây ra ùn tắc vì cũng bộ máy đó, con người đó thực hiện. Khác nhau chỉ ở chỗ trước đây VPĐKQSDĐ thuộc phòng TN&MT quận, huyện thì nay đổi cơ quan chủ quản là VPĐKĐĐ để tăng tính chuyên môn hóa. Những vướng mắc, khó khăn trong quá trình chuyển đổi sẽ có nhưng chúng ta phải cố chịu trong một giai đoạn. Nó như là một cái giá phải trả. Chẳng hạn như làm đường thì phải có lúc bụi bặm, bất tiện khi thi công…

Quan trọng là tương lai và lâu dài việc này sẽ mang đến lợi ích lớn hơn, hợp lý hơn. Sau một thời gian thì mọi người mới cảm nhận được. Nó giống như việc xã hội hóa công chứng tư, thừa phát lại vậy.

___________________________________

Ngày 1-7-2015, VPĐKĐĐ TP trực thuộc Sở TN&MT (trên cơ sở hợp nhất từ Văn phòng ĐKQSDĐ TP và 24 văn phòng ĐKQSDĐ của các quận, huyện) bắt đầu hoạt động. Việc sáp nhập được kỳ vọng tạo nhiều thuận lợi hơn cho người dân.

Tuy vậy, sau khi gom đã phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn. Lượng hồ sơ tập trung dồn về Sở TN&MT để ký GCN quá tải, thời gian giải quyết hồ sơ cho dân chậm trễ kéo dài khiến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm