Mới đầu cơ quan chức năng cáo buộc ông Đặng Quốc Khanh tham ô hàng trăm triệu đồng nhưng qua giám định tài chính, số tiền thiệt hại cuối cùng chỉ còn hơn 7 triệu đồng.
Mới đây, TAND thị xã La Gi (Bình Thuận) đã hoãn xử vụ án ông Đặng Quốc Khanh (nguyên giám đốc Trung tâm Dạy nghề thị xã La Gi) lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho nhà nước hơn 7 triệu đồng. Vụ án này ban đầu cơ quan tố tụng xác định trong ba năm, từ 2009 đến 2011, với cương vị giám đốc, ông Khanh đã có nhiều sai phạm trong việc quản lý tài chính gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 302 triệu đồng.
Từ tham ô hơn hàng trăm triệu…
Tháng 5-2012, Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định thanh tra việc quản lý, sử dụng, quyết toán nguồn kinh phí ngân sách cấp, nguồn kinh phí khai thác năm 2010 và năm 2011 tại Trung tâm Dạy nghề thị xã La Gi. Kết luận thanh tra nhận xét: “Việc quản lý tài chính tại trung tâm còn nhiều thiếu sót, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Trách nhiệm này thuộc về ông Đặng Quốc Khanh”. Và với cương vị giám đốc, ông Khanh đã “thể hiện nhiều sai sót trong công tác quản lý tài chính tại đơn vị; đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xác lập các chứng từ kế toán không đúng thực tế phát sinh để quyết toán ngân sách nhà nước”, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 300 triệu đồng.
Ông Đặng Quốc Khanh. Ảnh: HỒNG TÚ
Từ đó, kết luận thanh tra đề nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Khanh. Sau đó, ông Khanh đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, cách chức giám đốc trung tâm.
Chưa hết, tháng 10-2013, cơ quan điều tra Công an thị xã La Gi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Khanh về tội tham ô tài sản. Theo đó, ông Khanh đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi tự ý khoán tiền giảng dạy và các giáo viên dạy hợp đồng dạy không đủ tiết nhưng vẫn quyết toán đúng số giờ, tiết học theo quy định để lấy tiền chênh lệch gần 200 triệu đồng chia cho cán bộ, nhân viên trung tâm.
... đến gây thiệt hại hơn 7 triệu đồng
Ngày 20-1-2014, Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận đã ra kết luận giám định tài chính trả lời cho quyết định trưng cầu giám định tài chính của cơ quan điều tra. Theo đó, tổng số tiền hơn 302 triệu đồng trung tâm đã vi phạm theo kết luận thanh tra trước đó của Sở Tài chính, qua giám định tài chính thực tế, trung tâm chỉ gây thiệt hại số tiền gần 43,2 triệu đồng. Riêng số tiền gần 260 triệu đồng, trung tâm chưa gây thiệt hại cho Nhà nước.
Ngày 24-2, cơ quan điều tra đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Khanh từ tội tham ô tài sản sang tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngày 6-3, bản kết luận điều tra vụ án của cơ quan điều tra Công an thị xã La Gi đề nghị VKS cùng cấp truy tố ông Khanh về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 43,2 triệu đồng. Trên cơ sở đó, ngày 20-3, VKSND thị xã La Gi ban hành cáo trạng truy tố ông Khanh.
Tuy nhiên, ngày 15-5, Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi VKSND thị xã La Gi kết luận trong số tiền gần 43,2 triệu đồng được xác định gây thiệt hại cho Nhà nước có 36 triệu đồng là khoản tiền chi thuê xe phục vụ công tác của trung tâm, số tiền này không gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Từ những kết luận này, ngày 21-5, VKSND thị xã La Gi đã thay đổi cáo trạng trước đây bằng cáo trạng mới. Cáo trạng mới xác định trong ba năm (2009-2011), ông Khanh gây thiệt hại cho Nhà nước chỉ còn gần 7,2 triệu đồng.
Có đáng để xử hình sự?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nằm trong nhóm các tội phạm về tham nhũng, có dấu hiệu nhận biết là vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Để xử lý ông Khanh về tội danh này, cơ quan tố tụng phải chứng minh ông Khanh đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”. Trong khi đó, hành vi sai phạm của ông Khanh chỉ là “sai phạm về nguyên tắc quản lý tài chính”, như vậy nếu xử lý hình sự ông Khanh thì phải xử lý về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mới đúng.
“Số tiền thiệt hại 7,2 triệu đồng trong ba năm chỉ tương đương khoảng 6.000 đồng/ngày. Tôi cho rằng thiệt hại này quá nhỏ, mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể. Việc xử lý hình sự ông Khanh là không đáng” - luật sư Chánh nhận xét.
Trao đổi với PV, ông Khanh cho biết số tiền gần 7,2 triệu đồng mà cáo trạng quy buộc ông đã gây thiệt hại cho Nhà nước là không đúng. Số tiền này là tiền giảng dạy đã được chi theo đúng kế hoạch giảng dạy, có người ký nhận theo đúng nội dung chi. “Bản thân tôi không chiếm đoạt một khoản tiền nào của Nhà nước. Nếu thật sự trong ba năm tôi gây thiệt hại cho trung tâm số tiền 7.150.000 đồng mà cách chức, khai trừ Đảng và xử lý hình sự tôi thì hỏi có tương xứng hay không?” - ông Khanh chua xót nói.
HỒNG TÚ
Không có động cơ vụ lợi Nội dung vụ án cho thấy sai phạm của ông Khanh (nếu có) là sai phạm về quản lý tài chính, nếu đủ điều kiện xử lý hình sự thì xử lý về nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Cơ quan tố tụng thị xã La Gi xử lý hình sự ông Khanh về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng là chưa phù hợp. Bởi cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được ông Khanh có hành vi “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác” mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Thực tiễn xét xử cho thấy những trường hợp có hành vi vi phạm như cáo trạng truy tố thường bị xử lý về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS). Tuy nhiên, tội danh này có mức định lượng gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên (hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm) thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự. ThS Mai Khắc Phúc, giảng viên luật hình sự, |