“Cảnh sát IT” bắt kẻ lừa đảo qua mạng

Tháng 1/2011, anh N.T.Q. (quê Phú Thọ) có nhu cầu mua sim điện thoại với bốn số cuối cùng trùng nhau (thường gọi là sim "tứ quý") để tặng bạn bè. Anh Q. đã lên diễn đàn mua…vn và ss…vn đăng tin cần mua.

Tin đăng hôm trước, hôm sau đã có một số thuê bao mobifone khá đẹp với đuôi 0246 nhắn đến số máy của anh Q., với lời rao bán số điện thoại "tứ quý" của mạng Viettel, giá 9 triệu đồng. Sau vài tin nhắn mặc cả, số thuê bao mobifone đồng ý bán cho anh Q. số điện thoại tứ quý 3 với giá 8 triệu đồng.

Có lẽ do rất vui vì mua được số điện thoại đẹp, giá hời, anh Q. đã sốt sắng ra ngay ngân hàng, gửi tiền vào tài khoản của người bán. Tuy nhiên, chờ mãi, chờ mãi mà anh Q. không thấy chiếc sim đẹp của mình đâu. Anh nhắn tin cho số điện thoại người bán thì không thấy trả lời. Gọi vào thì thấy… tắt máy!

“Cảnh sát IT” bắt kẻ lừa đảo qua mạng ảnh 1

Trần Xuân Chiển tại cơ quan điều tra và trang rao vặt của Chiển

Chung số phận với Q., anh N.H.V. (quê Thanh Hóa) đăng tin cần mua sim tứ quý trên mạng mua…vn. Gần như ngay lập tức, chủ nhân một thuê bao di động của mạng Vinaphone đã nhắn tin vào số máy của anh V., rao bán sim điện thoại 0989…3333 với giá 8 triệu đồng. Trên thị trường, số điện thoại này thường được rao với giá 20-25 triệu. Do đã có một vài lần giao dịch thành công trên mạng mua…vn nên anh V. đã rất tin tưởng, gửi 8 triệu đồng vào tài khoản của chủ thuê bao trên. Ba mươi phút sau, anh V. gọi vào số điện thoại của người bán thì cũng chỉ nhận được từng hồi "ò í e" như muốn trêu ngươi mình.

Cũng trong thời điểm ấy, một đối tượng ở TP Hải Phòng lại ngồi rung đùi, đếm đi đếm lại một cách khoái trá số tiền hàng chục triệu đồng mà hắn vừa rút ra từ một tài khoản ATM. Đây đã là con mồi thứ một trăm bao nhiêu mà hắn không còn nhớ nổi. Tuy nhiên, đối tượng này chẳng thể nào ngờ, tất cả những hành động phạm tội của hắn đã bị các trinh sát của Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự (PC 45) Công an TP Hà Nội nắm rõ.

Khoảng 23 giờ ngày 20/4/2011, một tổ công tác của PC45 đã có mặt tại Hải Phòng, kịp thời kiểm tra hành chính đối tượng Trần Xuân Chiển (trú tại phường Vĩnh Niệm, Lê Chân, TP Hải Phòng). Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều dấu hiệu chứng minh tội phạm của Chiển; đồng thời di lý hắn về Hà Nội để tiếp tục điều tra.

Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao cho chúng tôi biết: Chiển là một trong số ít những đối tượng có trình độ về tin học khá cao, trí nhớ tương đối tốt và có những thủ đoạn che giấu hành vi "lành nghề".

Từ vài năm nay, các trinh sát PC 45 đã phát hiện trên mạng Internet có một số vụ lừa đảo bán sim điện thoại đẹp. Tuy nhiên, các bị hại thường không đến trình báo với Cơ quan điều tra. Thêm vào đó, những giao dịch thường là giữa các cá nhân với nhau, nên rất khó trong công tác điều tra.

Khoảng từ tháng 1/2011, các trinh sát phát hiện một đối tượng chuyên bán sim đẹp với giá rẻ giật mình. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng điều tra phát hiện cứ sau một phi vụ bán sim xong là số điện thoại của người bán cũng bị hủy luôn. Nhiều cư dân mạng cũng lập nhiều topic ta thán về việc bị một người tên là Vũ Đức Tâm, chủ một tài khoản Ngân hàng BIDV chi nhánh Hoàng Thạch (Hải Dương) lừa đảo, chiếm đoạt tiền khi mua sim điện thoại đẹp.

Trước đó, một mũi điều tra khác cũng phát hiện chủ tài khoản BIDV chi nhánh Hồng Bàng (Hải Phòng) mang tên Đặng Văn Tới có cùng một thủ đoạn lừa bán sim như trên. Song khi mà chủ tài khoản mang tên Vũ Đức Tâm xuất hiện thì cũng gần như tài khoản Đặng Văn Tới không phát sinh giao dịch.

Trong khi rà soát các đầu mối nghi vấn, Cơ quan Công an phát hiện nhiều lời rao bán sim đẹp trên các trang muaban…vn, cho…com, rao…vn.v.v... đều xuất phát ở khu vực quận Lê Chân (TP Hải Phòng). Vòng vây dần dần khép lại. Tuy nhiên, đối tượng tỏ ra rất tinh ranh nên thường xuyên thay đổi phương cách rao tin. Mặc dù hắn là chủ một quán Game - Internet song đối tượng không bao giờ đăng tin rao vặt ở nhà mình mà lại di chuyển ra các quán net khác mới đăng. Đồng thời, mỗi lần ra các điểm ATM để rút tiền từ tài khoản, hắn đều cẩn thận đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang. Trước khi bị bắt, Chiển còn kịp thời tẩu tán 2 chiếc thẻ ATM và chiếc điện thoại di động chuyên dùng để giao dịch xuống đầm nước trên đường Cầu Rào (Kênh Dương, Hải Phòng).

Tại Cơ quan điều tra, ban đầu Chiển khai: Khoảng năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Hàng Hải và đi làm ở một số công ty, Chiển về Hải Phòng mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ Internet. Từ đó, Chiển có nhiều thời gian lang thang trên mạng và phát hiện ra hình thức mua bán qua mạng.

Chiển đặc biệt lưu ý đến dịch vụ mua bán sim số đẹp vì nó hoạt động rất sôi nổi và giao dịch giữa hai bên chủ yếu dựa vào lòng tin, thông qua một tài khoản ngân hàng và thuê bao di động. Tháng 9/2009, Chiển nhặt được một CMND mang tên Đặng Văn Tới (trú tại Thái Thụy, Thái Bình). Chiển đã ra Ngân hàng BIDV chi nhánh Hồng Bàng (Hải Phòng) để mở một tài khoản ATM. Tiếp đó, Chiển lên mạng Internet lập nhiều nickname, kiểu như Tungsodep, Namsovip, Hoangsovip… để rao bán các sim điện thoại "khủng".

Cũng lần mò trên mạng, Chiển copy từ các trang rao vặt sim khác, chủ yếu là các sim "tứ quý"; phát tài phát lộc, sim phong thủy… rồi dán vào trang của mình. Bên cạnh đó, Chiển cũng chỉ liên hệ với khách hàng bằng một số sim thuộc dạng quý hiếm của mình, để tăng độ tin tưởng. Biết được các khách hàng có nhu cầu mua sim đẹp chủ yếu là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… Chiển đã rất tinh quái khi lấy địa chỉ liên hệ tại một xã xa lắc xa lơ của tỉnh Gia Lai. Khách hàng hầu như buộc phải thực hiện giao dịch hoặc qua mạng Internet, hoặc qua điện thoại di động. Hầu như chưa bao giờ Chiển thực hiện giao dịch trực tiếp cả. Nguyên tắc của Chiển là, sau khi người mua chuyển đầy đủ tiền vào tài khoản, thì sau 30 phút sẽ nhận được sim đẹp. Tuy nhiên, khi rút xong tiền từ tài khoản Chiển lập tức bẻ chiếc sim hắn dùng để giao dịch với khách hàng rồi vứt đi.

Tháng 10/2010, Chiển nhặt được CMND mang tên Vũ Đức Tâm. Chiển đã cất công xuống tận Ngân hàng BIDV chi nhánh Hoàng Thạch (Hải Dương) để mở tài khoản ATM chứ không mở tại Hải Phòng nữa. Thông qua tài khoản này, Chiển đã lên mạng Internet tiếp tục lừa bán được hàng trăm sim điện thoại số đẹp. Tổng cộng, Chiển đã chiếm đoạt số tiền lên tới gần 250 triệu đồng. Chiển cho biết đã dùng số tiền này chi tiêu trong gia đình, đặc biệt là dồn vào xây căn nhà 3,5 tầng, hiện đang trong quá trình hoàn thiện.

Hiện cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Xuân Chiển về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Minh Tiến (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm