Bầu Kiên yêu cầu được gặp gia đình và đề nghị không cùm khi dẫn giải

Xin nhấn F5 để cập nhật

Phần cập nhật mới nhất:

11h18. HĐXX tuyên bố kết thúc phần thủ tục và tuyên bố tạm dừng phiên tòa sáng nay tại đây.

***

Diễn biến phiên tòa:

Sáng nay (20-5), TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) và tám bị cáo khác trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế và kinh doanh trái phép.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 6-6. 

Gần 70 cơ quan báo chí đã được cấp thẻ tham dự và đưa tin phiên xử.

Trước đó, TAND TP Hà Nội đã lên kế hoạch xét xử vụ án này từ ngày 16 đến 29-4. Tuy nhiên, đầu giờ chiều 16-4, sau khi hội ý lần thứ hai, HĐXX đã tuyên hoãn phiên tòa sau khi xác minh việc bị cáo Trần Xuân Giá (nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu - ACB) vắng mặt do sức khỏe không tốt, không thể tham dự phiên tòa.

Bầu Kiên yêu cầu được gặp gia đình và đề nghị không cùm khi dẫn giải ảnh 1

 Theo cáo trạng, ngày 22-3-2010, Thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT) ACB (gồm ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải) có nghị quyết thông qua chủ trương liên quan đến việc kinh doanh của ACB. Thực hiện chủ trương nói trên và chủ trương của bầu Kiên, Tổng Giám đốc ACB Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện việc ủy thác số tiền gần 719 tỉ đồng cho 19 nhân viên ACB gửi tiết kiệm vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Toàn bộ số tiền ủy thác này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt.

Cáo trạng nhận định nghị quyết nói trên của Thường trực HĐQT ACB được thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác. Vì vậy, hành vi của các bị cáo trên đã vi phạm Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và gây thiệt hại cho ACB số tiền 719 tỉ đồng.

Ngoài số tiền gần 719 tỉ đồng gửi vào VietinBank, từ ngày 26-1-2011 đến ngày 22-9-2011, ACB còn ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng với tổng số tiền hơn 28.000 tỉ đồng và 71 triệu USD. Việc ủy thác này cũng được nhận định là làm trái quy định tại Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng. Hành vi làm trái này đã thu lợi cho ACB số tiền lãi vượt trần trên 243 tỉ đồng. Số tiền lãi này đã được ACB hạch toán, trích nộp thuế theo quy định và không gây thiệt hại về tài sản cho ACB nên chưa đủ yếu tố xác định là hành vi phạm tội.

Phiên tòa lần này do Phó Chánh án Nguyễn Hữu Chính làm chủ tọa.

8h04'. Theo lịch, 8 giờ sẽ khai mạc phiên tòa, tuy nhiên hiện phòng xử vẫn còn khá vắng, chưa thấy có bị cáo nào được dẫn vô phòng xử.

Các phóng viên xem xét xử trực tiếp qua màn hình tại một phòng riêng dành cho báo giới.

Phòng dành cho phóng viên lại đột ngột mất điện trong ít phút, tương tự tình trạng trong phiên xử bầu Kiên trước đây, cúp điện liên tục khi phiên tòa đang diễn ra. 

8H15. HĐXX vẫn chưa xuất hiện. Tuy nhiên thư ký phiên tòa đã bắt đầu điểm danh các công ty, ngân hàng có liên quan trong vụ án.

Bầu Kiên yêu cầu được gặp gia đình và đề nghị không cùm khi dẫn giải ảnh 2
6h30 sáng nay (20/5), xe thùng chở bầu Kiên và các bị cáo nhanh chóng di chuyển tới TAND TP Hà Nội. Phía bên ngoài tòa, lực lượng an ninh được thắt chặt. Ảnh: tienphong

Trước đó, Ông Lưu Tiến Dũng, luật sư của ông Trần Xuân Giá, cho biết theo kết luận ngày 14/5 của Hội đồng chuyên môn Ban bảo vệ sức khoẻ Trung ương, thể trạng ông Giá còn rất yếu, chưa thể đi lại được, hay choáng... Ông Giá phải dùng thuốc kháng sinh khoảng một tháng để chữa nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Ngoài ra, bệnh phì đại tiền liệt tuyến của ông Giá còn nặng, chưa loại trừ khả năng bị ung thư.

Trong trường hợp ông Giá không thể có mặt, luật sư Vũ Ngọc Chi cho biết, HĐXX vẫn có thể thẩm vấn các bị cáo khác về những tội danh khác không liên quan đến ông như lừa đảo, trốn thuế và kinh doanh trái phép. Tuy nhiên, khi tòa bắt đầu xem xét hành vi cố ý làm trái mà ông Giá và 6 cựu lãnh đạo ACB bị cáo buộc thì lúc đấy "phải có mặt ông Giá".

Các bị cáo trong vụ án bầu Kiên:

1. Nguyễn Đức Kiên, 50 tuổi, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép. Trong số này ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt có thể lên tới án chung thân.

2. Trần Xuân Giá, 75 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Lê Vũ Kỳ, 58 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Trịnh Kim Quang, 60 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

5. Phạm Trung Cang, 60 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

6. Lý Xuân Hải, 49 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

7. Huỳnh Quang Tuấn, 56 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn đã bị bắt trước đó ít ngày để phục vụ xét xử.

8. Trần Ngọc Thanh, 62 tuổi, giám đốc ACBI do bầu Kiên lập, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

9. Nguyễn Thị Hải Yến, 45 tuổi, kế toán ACBI, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

8h30. HĐXX bước vào phòng xử án. Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Bầu Kiên yêu cầu được gặp gia đình và đề nghị không cùm khi dẫn giải ảnh 3
Hội đồng xét xử của phiên tòa. Ảnh: tienphong 

Bầu Kiên yêu cầu được gặp gia đình và đề nghị không cùm khi dẫn giải ảnh 4

Huỳnh Thị Huyền Như - bị cáo chính trong đại án lừa đảo 4.000 tỷ đồng - bị trích xuất đến phiên xét xử bầu Kiên sáng nay. Ảnh: Bảo Thắng (tienphong)

8h20. Các bị cáo được đưa vào phòng xử. Bầu Kiên mặc áo trắng, quần tây đóng thùng hầu tòa trong khi các bị cáo khác mặc đồng phục của trại giam.

Bầu Kiên yêu cầu được gặp gia đình và đề nghị không cùm khi dẫn giải ảnh 5

Bầu Kiền trong phiên xử sáng nay. Ảnh: TTO 

Phiên xử lần này, hai kiểm sát viên giữ quyền công tố là Đào Thịnh Cường và Đỗ Thị Thu Yến.

Bầu Kiên yêu cầu được gặp gia đình và đề nghị không cùm khi dẫn giải ảnh 6
Các phóng viên tham dự phiên tòa. Ảnh: Tâm Lụa (TTO )

Bầu Kiên yêu cầu được gặp gia đình và đề nghị không cùm khi dẫn giải ảnh 7
Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên cũng có mặt tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Thu Nguyệt 

9h05. HĐXX bắt đầu kiểm tra căn cước các bị cáo.

9h14. HĐXX điểm danh các luật sư bào chữa cho bị cáo. 

Luật sư Lưu Tiến Dũng, bào chữa cho ông Trần Xuân Giá có mặt tại tòa. Hiện, chưa thấy Tòa nhắc đến sự hiện diện của cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Xuân Giá.

9h30. Sáng nay, được biết ông Nguyễn Đức Cương, em trai bầu Kiên cũng đến tòa nhưng bị an ninh của tòa từ chối không cho vào tham dự phiên tòa.

9h50. HĐXX công bố những tài liệu mới nhận được liên quan đến bị cáo Trần Xuân Giá: Ngày 19-5: BV Hữu Nghị Việt Xô có công văn gửi tòa xác nhận tình trạng sức khỏe của ông Trần Xuân Giá. Sau đó ông Giá có đơn khẳng định mình còn yếu, đề nghị tòa xem xét tạm dừng phiên tòa hoặc xem xét tạm đình chỉ vụ án đối với ông.

Trước đó, ngày 19-5: Ông Trần Xuân Giá đã nộp đơn thông báo tình trạng sức khỏe đến Tòa như sau: Thực sự tôi đang bị bệnh hiểm nghèo… sức khỏe của tôi đang có những diễn biến xấu, phải truyền trực tiếp kháng sinh, không chắc có thể dự được tòa. Nếu có thể tham gia phiên tòa, đề nghị phải có bác sỹ của tôi cùng tham gia phiên tòa, tôi chỉ tham gia phiên tòa đối với tội cố ý làm trái vào những ngày sau của phiên tòa…

Khi được chủ tọa mời phát biểu quan điểm, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá do diễn biến sức khỏe có chiều hướng xấu.

Luật sư Lưu Tiến Dũng bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Giá cho rằng đề xuất của VKS là đề xuất hợp lý nhất. Phiên tòa đã từng hoãn rồi, luật sư đã trao đổi với thân chủ và ông Giá mong muốn được trực tiếp tham dự phiên tòa. Nhưng do diễn biến bệnh tình của ông Giá theo chiều hướng xấu, bác sỹ kết luận bị cáo bị mắc bệnh hiểm nghèo nên tạm đình chỉ vụ án đối với ông Giá là hợp lý nhất.

9h55. Các luật sư cũng phát biểu quan điểm.

Luật sư của bầu Kiên: Đề nghị triệu tập cả đại diện của Ban Nội chính Trung ương, đơn vị theo dõi việc xét xử các đại án tham nhũng. Đề nghị triệu tập chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan để luật sư hỏi các vấn đề liên quan đến luật Doanh nghiệp; đề nghị triệu tập Phòng Thương mại và Công nghiệp VN để hỏi về quyền lợi của các DN… Luật sư cũng cho rằng có nhiều tài liệu thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án đã bị để ngoài hồ sơ…

Luật sư của bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng sự vắng mặt của ông Giá ảnh hưởng đến quá trình xét xử của vụ án, do ông Giá từng giữ chức vụ là Chủ tịch HĐQT ACB. Luật sư đề nghị tiếp tục triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đang vắng mặt tại phiên tòa này và đề nghị xem xét việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá trước khi đưa ra xét xử.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị triệu tập đại diện VCCI, vì vụ án này không chỉ liên quan đến doanh nghiệp của tôi mà liên quan đến hàng trăm ngàn DN khác. Đề nghị mời bà Phạm Chi Lan như là một nhân chứng. Bầu Kiên cho rằng có một số tài liệu quan trọng đã bị bỏ ngoài hồ sơ, chẳng hạn, đơn của bị cáo này đề nghị thay đổi điều tra viên, lời khai của chị Lâm (Giám đốc ACB Thăng Long)… đây là những hồ sơ quan trọng liên quan đến bản chất vụ án.

Luật sư khác cho rằng: Nếu trong một vụ án có nhiều bị cáo, một bị cáo bị bệnh hiểm nghèo thì tòa có thể ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với riêng bị cáo đó. Do vậy có hai cách xử lý, hoặc hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung; hoặc căn cứ vào điều 187 có thể đình chỉ vụ án đối với cá nhân bị cáo bị bệnh hiểm nghèo.

Luật sư của Nguyễn Đức Kiên cho rằng, theo quy định, luật sư được tiếp cận với bị cáo, nhưng hiện các cán bộ dẫn giải không cho luật sư được tiếp xúc với bị cáo. Luật sư cũng đề nghị HĐXX cho phép vợ của bị cáo được tiếp cận với bị cáo. Luật sư này cho biết, trong quá trình điều tra vụ án, dù đã có sự chấp thuận của VKSND TC nhưng cơ quan điều tra cũng không cho phép người thân bị cáo tiếp xúc với bị cáo.

10h00. Trong phần phát biểu của mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: Tôi là công dân, tôi tin tưởng vào pháp luật, vào sự lãnh đạo của Đảng của Nhà nước nên tôi đã kinh doanh 30 năm nay. Đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho tôi được trình bày đầy đủ ý kiến của mình, đồng thời cho tôi được nhận các văn bản của luật sư, hai năm nay tôi không được nhận bất cứ văn bản nào. Hết phiên tòa tôi sẽ trả lại. Tôi chịu trách nhiệm về việc tôi làm, tôi không đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm. Các nhân chứng tôi thấy thiếu rất nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xét xử. Đề nghị HĐXX triệu tập đầy đủ. 

Tôi bị bắt 21 tháng nay, chưa được gặp gia đình, dù lãnh đạo VKSNDTC đã cho phép tôi được gặp gia đình. Đây là quyền tối thiểu của tôi. Đề nghị HĐXX cho phép tôi gặp gia đình và các luật sư của tôi trong quá trình xét xử. Việc tôi mặc thường phục là quyền của tôi; nhưng quá trình dẫn giải tôi bị cùm. Tôi đề nghị không cùm tôi trong quá trình dẫn giải. Đề nghị xem xét đề nghị của ông Trần Xuân Giá, đề nghị chưa tạm đình chỉ vụ án ngay với ông Trần Xuân Giá, chờ 10 ngày nữa. Nếu cuối phiên tòa ông Giá dự được thì ông Giá sẽ tham dự phiên tòa này.

10h30. Chủ tọa tuyên bố HĐXX nghỉ 10 phút để hội ý

11h05. HĐXX quay lại phòng xử.

Chủ tọa công bố quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá, căn cứ vào khoản 1 điều 187, ông Giá đang bị bệnh hiểm nghèo. Vụ án (đối với ông Giá) sẽ tiếp tục khi căn cứ tạm đình chỉ không còn.

Giờ tạm nghỉ, các bị cáo đều có tâm trạng khá thoải mái. Bầu Kiên còn quay qua trò chuyện, nói cười với luật sư và những đồng chí cảnh sát bảo vệ. Bà Ngọc Lan, vợ bầu Kiên tham dự tòa lần này cũng với tâm trạng khác thoải mái, vẻ mặt tươi tỉnh. 

11h10. Chủ tọa công bố quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, các nhân chứng... để chính thức bắt đầu vào phiên xét xử.

THU NGUYỆT-PLO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm