Bầu Kiên yêu cầu HĐXX tôn trọng ý kiến của mình

Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên (với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng ACBI) và Trần Ngọc Thanh (giám đốc) lập hợp đồng bán 20 triệu cổ phần của công ty CP Thép Hòa Phát.

Việc bán số cổ phần trên (trong khi đang thế chấp tại ngân hàng ACB) là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Hòa Phát.

Hoàn toàn tin tưởng ông Chủ tịch

Khi HĐXX xét hỏi bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến, Nguyễn Đức Kiên được đưa vào phòng cách ly.

Trước đó, cuối giờ chiều ngày hôm qua (20-5), bị cáo Trần Ngọc Thanh khai tại tòa: “Ông chủ tịch HĐQT (tức bầu Kiên- PV) không chỉ đạo cho tôi làm gì sai pháp luật cả mà chỉ có chị Yến sang truyền đạt ý kiến của Chủ tịch HĐQT là chuyển nhượng số cổ phần này cho Công ty MTV Thép Hòa Phát”.

“Cho phép tôi được nói thật. Khi cơ quan cảnh sát điều tra làm việc với tôi, tôi nghĩ không có vụ án lừa đảo chiếm đoạt. Tôi cho rằng hợp đồng do một số trục trặc nên chưa thực hiện xong thôi.

Tôi ký hợp đồng (bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát) sau khi tôi đã ký văn bản đề nghị ACB giải chấp, tôi tin rằng mọi thủ tục đã hoàn tất rồi chứ không nghĩ khoản đó chưa được giải chấp (20 triệu trong số 22 triệu cổ phiếu đang thế chấp- PV)”- bị cáo Trần Ngọc Thanh khai tại tòa.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Chủ tịch và bộ phận kế toán giúp việc. Khi đưa sang, tôi chỉ ký thôi. Tôi nhận thức tài sản thế chấp không được bán khi chưa được sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Lẽ ra trước khi ký, tôi phải kiểm tra xem toàn bộ thủ tục giấy tờ đã hoàn tất hay chưa nhưng tôi đã không làm. Đó là lý do tôi phải đứng trước vành móng ngựa hôm nay”- Thanh phân trần.

Nguyễn Thị Hải Yến khai, Yến soạn  biên bản và nghị quyết HĐQT là theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên.

“Tôi không nhìn thấy việc họp HĐQT. Việc họp theo quan điểm của tôi là không phải ba người cùng ngồi một chỗ mà có thể qua email, internet”- Yến nói.

Yến khai khi được Ngân hàng ACB email thông báo số cổ phiếu này không đủ điều kiện để giải chấp, bị cáo đã báo cáo việc này với Nguyễn Đức Kiên.

“Sau khi ký hợp đồng, Thép Hòa Phát tự động chuyển tiền vào tài khoản của ACBI (chuyển làm ba đợt). Khi nguồn tiền chuyển về, tôi có báo cáo cho Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên”- Yến khai.

Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến. Ảnh: TN 

Yến cho rằng khoản tiền 264 tỷ chuyển về ACBI không phải là khoản tiền bất hợp pháp vì có đầy đủ nguồn gốc.

Kiều Chí Công (Giám đốc- đại diện cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát) khai sau khi ký hợp đồng, Công ty này đã chuyển 264 tỷ đồng cho ACBI làm ba đợt và không biết 20 cổ phần này đang bị thế chấp, trên thực tế ACBI cũng chưa chuyển 20 triệu cổ phần. Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát sau đó có gửi hai đơn đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ về số cổ phần của ACBI.

“Hợp đồng không thực hiện được, đến nay, tôi đã nhận lại số tiền 264 tỷ”- ông Công khai tại tòa.

Các lãnh đạo của tập đoàn Hòa Phát cũng khai tại tòa là đều không biết số cổ phần này đã bị thế chấp.

Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Pháp chế ACB (đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng ACB): Về nguyên tắc, khi đã thế chấp số cổ phần này cho ACB thì ACBI không được bán. “Việc ACBI bán 20 triệu cổ phần khi tài sản này chưa được giải chấp là sai”- ông Hải cho biết.

Ý kiến của tôi, đề nghị HĐXX tôn trọng”.

9h28 phút, HĐXX thẩm vấn Nguyễn Đức Kiên.

Bầu kiên trả lời thẩm vấn. Ảnh: TN 

Bầu Kiên khai, có quan hệ thân thiết với ông Trần Đình Long (chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát - PV) và Trần Tuấn Dương (Phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng Giám đốc tập đoàn Hòa Phát - PV). “Chúng tôi là bạn bè thân, đã cùng nhau kinh doanh trong rất nhiều dự án. Anh Long nhiều lần nói với tôi mong muốn cơ cấu lại Tập đoàn Hòa Phát nên muốn mua lại số cổ phần tôi sở hữu, nhưng ở thời điểm đó, tôi nói tôi không muốn bán.  Sau đó, anh Long có nói với tôi, nhờ tôi giúp đỡ…

Ông Trần Đình Long. Ảnh: TN 

Thỏa thuận của tôi với anh Long không chỉ có vấn đề về cổ phiếu này. Anh Long mong muốn được thoái vốn tại Công ty BĐS ACB. Chúng tôi thống nhất với nhau sẽ hoán đổi cổ phiếu.  Sau khi anh Long đồng ý bán cổ phần Thép hòa Phát cho tôi, tôi cử em gái tôi là người mua…”- Kiên trình bày.

Dẫn các quy định tại BLTTHS, bị cáo Kiên nói “Tôi là bị cáo, tôi được quyền trình bày đầy đủ ý kiến của tôi trước tòa. Ý kiến của tôi, tôi đề nghị HĐXX tôn trọng”.

 Trước nhiều câu hỏi của HĐXX, bầu Kiên chỉ nói ngắn gọn: “chính xác”. Bị cáo thừa nhận tất cả các số liệu nêu trong cáo trạng nhưng không thừa nhận về hành vi.

-Chủ tọa: Quá trình đàm phán, bị cáo có nói số cổ phần này đang bị thế chấp không?

+Thỏa thuận của chúng tôi không nói đến việc này thì anh Dương, anh Long đương nhiên biết số cổ phần này đang được thế chấp. Anh Dương ký xác nhận cho phép thế chấp thì anh Dương không thể nói là không biết.

Khi được đối chất, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long vẫn khẳng định không biết việc này.

Kiên nói thêm: Tôi với anh Dương, anh Long là bạn bè 10 năm nay. Chúng tôi ăn cơm với nhau hàng ngày.  Ngoài ra, tôi và anh Long còn là Chủ tịch hai tập đoàn lớn, tôi cho rằng trong mọi trường hợp lời nói cần phải thực hiện. Việc thế chấp Hòa Phát biết nhưng đồng ý.

-Chủ tọa: có hay không việc họp HĐQT ngày 5-5-2012?

 +Có họp HĐQT, có lập biên bản. Tôi là người chỉ đạo. 9h sáng ngày 5-5-2012 tôi gọi cô Yến đến lập văn bản và lấy ý kiến các thành viên HĐQT. Cuộc họp HĐQT được thực hiện bằng cách lấy ý kiến bằng văn bản, cái này được Luật DN cho phép và ghi trong điều lệ Công ty.

Kiên khai thêm: “Hợp đồng ký ngày 21-5 nhưng ACB chưa giải chấp nên tôi chỉ đạo Yến chưa thực hiện hợp đồng nên Hòa Phát chưa chuyển tiền ngay. Tôi đã liên tục chỉ đạo cô Yến phải làm việc với ACB…”.

Nguyễn Thị Hải Yến khai, việc nhận tiền là Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát chủ động chuyển tiền (ngày 30-6-2012- PV).

Nguyễn Đức Kiên đề nghị HĐXX hỏi làm rõ: “Hợp đồng quy định trong bảy ngày chuyển tiền, vì sao tập đoàn Hòa Phát không chuyển tiền trong vòng bảy ngày?”.

Về việc này, ông Kiều Chí Công cho biết: Việc chuyển tiền là thực hiện theo hợp đồng. Công ty chúng tôi sản xuất kinh doanh, khi có nguồn tiền về thì chuyển.

“Tôi đề nghị HĐXX cho tôi nói hai câu: Tôi không đàm phán với bất kỳ ai trong Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và không yêu cầu chuyển tiền”- Kiên nói.

Kiên cho biết thêm: Tôi với anh Long đi xem bóng đá Euro, chúng tôi đi liên tục cho đến cuối tháng 7 mới về nước. Khi Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát chuyển tiền, tôi đang ở nước ngoài.

“Tôi không chỉ đạo việc xử lý tiền sau khi nhận tiền”- Kiên nói.

Tại tòa, bị cáo Yến lại khai, bầu Kiên chỉ đạo việc chi trả từng món tiền.

HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm