Tại tòa, bầu Kiên khẳng định có gần một triệu doanh nghiệp được thành lập thì một nửa trong số này có hoạt động góp vốn vào các doanh nghiệp khác. “Luật không yêu cầu đây là ngành nghề kinh doanh. Theo điều 13 Luật DN 2005, các doanh nghiệp được quyền góp vốn vào các doanh nghiệp khác”- bầu Kiên nói.
Bầu Kiên tranh thủ đọc tài liệu trong lúc nghỉ giải lao. Ảnh: TN
Với cùng một câu hỏi “việc đầu tư góp vốn kinh doanh, mua cổ phần, cổ phiếu của công ty khác có phải đăng ký kinh doanh không”, đại diện các cơ quan chức năng có mặt tại tòa đều lúng túng không trả lời được và… đùn đẩy cho nhau.
Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư TP. HCM cho biết, Sở chưa thể khẳng định việc này. Sở đã hỏi Bộ KHĐT và Bộ KHĐT đã hướng dẫn Sở phải hỏi… Bộ Tài chính để được hướng dẫn cụ thể. Sở sau đó đã có văn bản hỏi Bộ Tài chính nhưng đến nay cũng chưa có phản hồi. Phát biểu quan điểm cá nhân, vị này cho rằng DN chỉ được phép hoạt động trong những ngành nghề đã đăng ký. Việc góp vốn vào DN khác đã có quy định tại Luật DN, đây là hoạt động bình thường của DN.
Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho rằng để trả lời câu hỏi việc góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu có phải đăng ký kinh doanh hay không thuộc nhiều cơ quan, đề nghị Quý tòa hỏi Bộ KHĐT, Bộ Tài chính…
Với cùng câu hỏi này, đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước ấp úng nói: Để trả lời câu hỏi này phải là người có thẩm quyền. HĐXX đề nghị vị này về nghiên cứu, mai trả lời tòa vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến việc có cấu thành hành vi vi phạm của bị cáo Kiên. Đại diện Cục quản lý kinh doanh (Bộ KHĐT) cho biết, Tổng cục thống kê có xếp mã đối với hoạt động góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu, tuy nhiên, việc xếp mã chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê. “Việc xác định hoạt động này có phải ngành nghề kinh doanh hay không từ đó xác định DN có phải đăng ký kinh doanh hay không? Trả lời câu hỏi này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính”- vị này cho biết.
THU NGUYỆT