Nhiều năm trong nghề, tôi thường xuyên nhận được câu hỏi từ một số người thân quen, khách hàng về việc có cách gì đảm bảo khi mua nhà đất không gặp phải trường hợp tài sản có tranh chấp không. Thật khó để có câu trả lời như chìa khóa vạn năng để loại trừ rủi ro khi mua nhà. Bởi ngoài thông tin nhà đất bị kê biên có ở Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng TP.HCM thuộc Sở Tư pháp TP.HCM (xin xem thêm bài “Nơi tìm thông tin ngăn chặn nhà đất” trên báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 21-3), hiện vẫn còn những khoảng hở pháp luật mà nếu bạn “dính” vào thì sẽ khổ sở vô cùng.
Từ những vụ việc thực tế, tôi tạm đúc kết ra được hai trường hợp rủi ro lớn nhất mà một người mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thường gặp.
Trường hợp 1: Mua phải nhà đất mà tại thời điểm công chứng hợp đồng mua bán, người bán là người bị khởi kiện về một nghĩa vụ tài sản nào đó mà tòa án đã xét xử tuyên bản án, quyết định sơ thẩm. Lúc này người bán chưa phải thi hành án, chưa có quyết định kê biên và theo quy định hiện nay, nếu người bán không tự nguyện nói thì không có cách gì để công chứng viên biết được việc này. Nhưng rồi ngay sau khi công chứng, nhà đất này bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bên bán.
Khách hàng đang tìm thông tin mua nhà, đất tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Trường hợp 2: Mua nhà đất mà tại thời điểm công chứng hợp đồng người bán không bị khởi kiện, chưa có bản án, quyết định nào. Nhưng ngay sau khi ký xong hợp đồng mua bán thì người bán bị một người thứ ba khởi kiện và họ yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền không thực hiện thủ tục đăng bạ, sang tên. Lúc này coi như giao dịch của bạn “đứng bánh” bởi bạn không thể làm thủ tục sang tên được nữa.
Trên thực tế, nhiều khách hàng của tôi vô tình gặp phải rủi ro ở trường hợp 1. Nhưng với trường hợp 2, cũng có khách hàng nói họ bị người bán và người thứ ba đi khởi kiện bắt tay nhau để lừa họ. Trường hợp này người thứ ba hoàn toàn có quyền khởi kiện và yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật, đúng sai thì chờ tòa giải quyết. Còn để chứng minh họ lừa dối, giả tạo thì việc thu thập chứng cứ để chứng minh là vô cùng khó khăn, hầu như là không thể một khi họ đã cố ý.
Với hai trường hợp nêu trên, theo quy định của pháp luật hiện nay, không có cách gì đảm bảo quyền lợi người mua tuyệt đối. Do vậy, khi mua nhà đất, ngoài những việc phải làm như qua công chứng, xem thông tin quy hoạch, thông tin ngăn chặn ở Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng TP.HCM... thì người mua nên cẩn trọng hết mức có thể. Người mua phải cất công tìm hiểu thật kỹ để xem người bán có phải là người đang mắc nhiều khoản nợ phức tạp không, có đang bị ai khởi kiện không… trước khi quyết định mua nhà.