Pháp Luật TP.HCM điểm lại một số diễn biến đáng chú ý liên quan đến ông Thăng trong phiên tòa này những ngày qua.
Trước đó, ngày 24-3, do vụ án có tính chất phức tạp, HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 14 giờ ngày 29-3 (hôm nay).
VKS: Bị cáo Thăng chưa thành khẩn nhận lỗi
Theo cơ quan công tố, có đủ cơ sở kết luận bị cáo Thăng dù biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank và bị cáo biết theo các quy định của pháp luật, muốn đầu tư vốn trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank thì phải báo cáo xin chủ trương và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ trước khi ký thỏa thuận góp vốn và ban hành nghị quyết về việc tham gia góp vốn vào OceanBank. Tuy nhiên, bị cáo đã cố ý không thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái các quy định của Nhà nước. Bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm sau đó mới báo cáo Thủ tướng và các cơ quan có liên quan nhằm hợp thức hóa các hành vi vi phạm, “làm trước, báo cáo sau”.
Ông Đinh La Thăng (ngoài cùng bên phải) trò chuyện cùng các bị cáo khác trước phiên xử ngày 24-3 (ảnh chụp qua màn hình TV). Ảnh: Đ.Minh
“Lời khai tại tòa của bị cáo thể hiện sự bao biện cho hành vi vi phạm pháp luật, né tránh trách nhiệm, thể hiện sự coi thường pháp luật khi không thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính...” - VKS nhấn mạnh.
VKS cũng cho rằng ông Thăng sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã không thực sự ăn năn hối cải mà còn dùng thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội, né tránh trách nhiệm và hậu quả gây ra. Bản thân bị cáo trong thời gian này đã có hành vi phạm tội và đang bị xét xử.
“Quá trình điều tra và xét xử tại phiên tòa, bị cáo chưa thành khẩn nhận lỗi về các hành vi phạm tội, do vậy cần có hình phạt nghiêm khắc để giáo dục bị cáo, để răn đe phòng ngừa chung” - VKS nhận định. Tuy nhiên, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Thăng, vì bị cáo có quá trình cống hiến. Cạnh đó, trong quá trình truy tố, xét xử, ông Thăng đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Thăng “mong muốn sự thật được tôn trọng”
“VKS có quyền đưa ra quan điểm của mình nhưng bị cáo cũng phải đưa ra những căn cứ thực tế chứ không thể nói đó là giấu tội. Cứ VKS đưa ra, bị cáo đồng ý ngay thì không bị coi là chối tội, còn nếu bị cáo đưa ra quan điểm thì lại bị coi là chối tội” - ông Đinh La Thăng bức xúc nói, sau khi nghe bản luận tội của đại diện VKS.
Ông Thăng khẳng định hai lần đầu góp vốn vào OceanBank hoàn toàn không có sai phạm như VKS quy kết. Riêng lần góp vốn thứ ba, ông Thăng ủy quyền điều hành hoạt động của HĐQT trong thời gian ông đi công tác. Ông không biết nghị quyết góp vốn lần ba, không tham gia biểu quyết...
"Tháng 3-2011, bị cáo đã họp và chỉ đạo HĐQT thống nhất có nghị quyết thoái vốn của PVN tại OceanBank để phù hợp với tỉ lệ sở hữu theo quy định pháp luật hiện hành. Mới tháng 3, bị cáo chỉ đạo thoái vốn mà đến tháng 5-2011, khi anh Thắng (ông Nguyễn Xuân Thắng - thành viên HĐTV PVN) báo cáo, bị cáo lại đồng ý cho chuyển vốn lần ba thì hoàn toàn vô lý. Bị cáo lúc đó đang sung sức, mới 51 tuổi, chưa thể mất trí nhớ được” - ông Thăng khai.
Cũng theo ông Đinh La Thăng, thực tế việc đầu tư của PVN vào OceanBank rất có hiệu quả. Sau khi có sự đầu tư của PVN, OceanBank đã phát triển rất nhanh, liên tục trong năm năm từ 2009-2013, PVN đã được chia cổ tức với số tiền 244 tỉ đồng.
Liên quan đến việc thoái vốn của PVN tại OceanBank, ông Thăng cho rằng việc thoái vốn PVN đã xây dựng đề án và được Thủ tướng đồng ý, cho phép lộ trình thoái vốn đến 2015.
Cựu chủ tịch PVN cho hay đầu năm 2014 có hai công ty đăng ký mua 5% và 15% vốn của PVN. PVN đã báo cáo Thủ tướng. Đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng sau đó 13 ngày thì không đồng ý do NHNN đề nghị dừng lại, chuyển phần vốn của tập đoàn về cho NHNN. “Nếu PVN được thoái vốn thì rõ ràng không có chuyện mất 800 tỉ đồng này. Nếu Thủ tướng đồng ý thì đã giải quyết ngay trong năm 2014, không có chuyện bị mua 0 đồng dẫn đến 800 tỉ đồng” - ông Thăng khẳng định.
“Đại diện VKS đánh giá OceanBank thời điểm đó vốn chủ sở hữu âm... nhưng đối tác vẫn mua, sau khi đã được xem kết luận thanh tra. Thực tế, việc mua OceanBank giá không đồng, chuyển thành ngân hàng TNHH một thành viên, NHNN đã bỏ đồng nào vào Ngân hàng Đại Dương chưa? Vẫn đăng ký vốn điều lệ là 4.000 tỉ đồng, Vậy 4.000 tỉ đồng ở đâu, rõ ràng vẫn là của các cổ đông... NHNN lấy tiền đâu để bỏ vào đấy? Nếu NHNN lấy tiền ngân sách là vi phạm Luật Ngân sách nhà nước vì theo quy định, không thể lấy tiền của Nhà nước bù lỗ cho doanh nghiệp” - ông Thăng nói.
VKS: Ông Thăng "chuyên quyền, độc đoán"
Đáng chú ý, trong phần đối đáp, VKS đã đưa ra thêm nhận định ông Đinh La Thăng là người “chuyên quyền, độc đoán” khiến ông và các luật sư bào chữa cho ông rất bức xúc.
“30 năm bị cáo công tác, chưa có bất kỳ cơ quan đơn vị nào nói bị cáo chuyên quyền độc đoán. Đây vừa là vấn đề danh dự, vừa là nhân phẩm của bị cáo” - ông Thăng khá gay gắt.
“Bị cáo rất tha thiết mong HĐXX, mong đại diện VKS tiếp tục đối đáp làm sáng tỏ sự thật, sáng tỏ chân lý. Thực sự, bị cáo thấy khó tin tưởng các vị đại diện VKS có thể thay đổi quan điểm nhưng cái mà bị cáo mong muốn là sự thật khách quan phải được công nhận và tôn trọng” - ông Thăng nói tại tòa.
VKS đề nghị mức án: Các bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng Ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐTV PVN): 18-19 năm tù. Ông Vũ Khánh Trường (cựu thành viên HĐTV PVN): 7-8 năm tù. Ông Nguyễn Xuân Thắng (cựu thành viên HĐTV PVN): 24- 30 tháng tù. Ông Nguyễn Thanh Liêm (cựu thành viên HĐTV PVN): 24-30 tháng cải tạo không giam giữ. Ông Phan Đình Đức (cựu thành viên HĐTV PVN): 24-30 tháng cải tạo không giam giữ. Ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN): 30-36 tháng tù. Ông Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng, kiêm trưởng Ban Tài chính-Kế toán và kiểm toán PVN): 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái; 17-18 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tổng hợp hình phạt 24-26 năm tù. Cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ nhất định trong thời hạn năm năm. |