Sáng 9-8, phiên tòa Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNBC, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tại VNBC tiếp tục xét xử.
Các bị cáo trước khi phiên xử bắt đầu
HĐXX tiến hành hỏi bị cáo Danh và bà Quách Kim Chi (vợ Danh) về tài sản khắc phục hậu quả của vụ án.
Theo bà Chi, trước khi trở thành Tập đoàn Thiên Thanh thì vợ chồng bà thành lập công ty này từ năm 2000 với vốn điều lệ 50 tỉ đồng. Công ty hình thành từ mô hình công ty gia đình, gồm hai thành viên là bà và chồng.
Vì là công ty gia đình nên tỉ lệ góp vốn của hai vợ chồng không có giấy tờ cụ thể, từ lúc bà lấy ông Danh và bắt đầu mở cửa hàng vật liệu xây dựng cho tới khi thành lập Tập đoàn Thiên Thanh thì tất cả tài sản đều là tài sản chung. Còn việc số vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng thì bà không biết cụ thể bao gồm những tài sản nào nhưng trong đó của bà 20% tương đương với 200 tỉ đồng.
Bị cáo Phạm Công Danh hay cho là trí nhớ kém tại phiên xử
Bà Chi có ý kiến đối với những khoản vay tín dụng thì xin HĐXX thực hiện đúng theo pháp luật, còn đối với những việc không nằm trong tầm của bà thì bà sẽ bàn bạc cụ thể hơn với ông Danh. “Tất cả tài sản của tập đoàn là tài sản riêng, chung của vợ chồng chúng tôi” - bà Chi nói.
Nghe vợ trình bày, bị cáo Danh xin HĐXX cho làm việc với các luật sư để xác định lại tài sản chung-riêng nhất là phần riêng ở Tập đoàn Thiên Thanh. HĐXX chấp nhận đề nghị này cho bị cáo gặp riêng người nhà, luật sư để bàn về tài sản.
Đây là lần thứ hai, bị cáo Danh được toà chấp nhận cho có những trao đổi riêng về tài sản khắc phục hậu quả vụ án.
Trước đó là lần "gặp riêng" để bàn về việc bán khu đất ở sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng.
Cạnh đó, trả lời luật sư, bị cáo Danh nói: “Mong muốn của tôi là khắc phục hậu quả. Tài sản của Thiên Thanh thì bản thân tôi hiện tại vẫn chưa nhận thức rõ được quan hệ dân sự giữa tôi và vợ tôi. Tài sản là của chung của vợ chồng tôi nên tôi không rõ trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản này vì còn quyền của vợ tôi. Mong muốn khắc phục là mong muốn của riêng tôi”.
Cũng theo ông Danh, từ một công ty TNHH để trở thành Tập đoàn Thiên Thanh thì vốn điều lệ liên tục tăng qua từng giai đoạn. Để nâng vốn điều lệ có lúc thì tiền mặt có lúc là hiện vật nhưng do sức khỏe bị cáo kém nên bị cáo nhớ không rõ.
Phiên tòa sẽ tiếp tục vào chiều nay.