Đích thân Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi tuyên thệ nhậm chức đã đề cập đến mục tiêu này trong bài phát biểu ngắn gọn sau đó.
Có lẽ cũng vì thế mà ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng để cuối cùng ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh sau 47 năm chịu tiếng “giết người” được minh oan. Một số bị can, bị cáo ở nhiều nơi sau đó cũng được các cơ quan tố tụng xin lỗi và đang trong quá trình giải quyết việc bồi thường.
Đến nay cải cách tư pháp đang thực sự sôi động chứ không phải chỉ là định hướng “vô thưởng vô phạt” im lìm trong các nghị quyết.
Đa số trong các vụ án oan đều có một điểm chung là các bị cáo khai rằng mình bị bức cung, bị dùng nhục hình trong quá trình điều tra. Có thể niềm tin nội tâm của những người tiến hành tố tụng đều cảm nhận được tính chân thực trong những lời khai ấy. Nhưng không phải vì vậy mà lời khai về bức cung, nhục hình được làm sáng tỏ dù các bị cáo khai thời điểm cụ thể, liên quan đến những cán bộ cụ thể.
Nhưng rất tiếc, nguyên tắc “lời khai chỉ trở thành chứng cứ khi phù hợp với các chứng cứ khách quan khác” đã khiến các bị cáo chỉ biết ngậm ngùi. Nguyên tắc ấy hẳn nhiên là hợp hiến, không trái với các quy tắc tố tụng. Và điều quan trọng nhất, đó là không có những bằng chứng, chứng cứ khác phù hợp với các lời khai về bức cung, nhục hình.
Bởi vậy, việc quy định bắt buộc phải có ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có thể trở thành “khắc tinh” của bức cung, nhục hình. Chẳng những vậy, Thông tư liên tịch số 03/2018 của Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng về vấn đề này (có hiệu lực từ ngày 18-3) còn quy định dứt khoát, ngắn gọn: Không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai…
Nếu điều này được tuân thủ nghiêm minh thì tình trạng các bị cáo khai trước tòa về việc bị bức cung, dùng nhục hình sẽ bị hạn chế. Quá trình hỏi cung, lấy lời khai có lẽ sẽ trở nên văn minh hơn, tôn trọng quyền con người hơn theo đúng tinh thần xây dựng nền tư pháp tiến bộ.
Dĩ nhiên việc ghi âm, ghi hình bắt buộc trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai là một biện pháp hữu hiệu để đảm bảo cho một quá trình tố tụng minh bạch, công khai. Nhưng ai cũng biết rằng ghi âm, ghi hình cũng chỉ là một biện pháp kỹ thuật. Bởi thực tế là nếu xem xét các quy định về tố tụng trước đây, tuyệt đối không hề có quy định nào cho phép quá trình điều tra được bức cung, nhục hình nhưng điều đó vẫn xảy ra.
Xét cho cùng, ghi âm, ghi hình có thể là “khắc tinh” của nhục hình, bức cung nhưng mọi phương tiện kỹ thuật đều do con người chế tạo và chi phối. Chẳng ai có thể dám chắc rằng: Ghi âm, ghi hình trong hỏi cung, lấy lời khai sẽ triệt tiêu được tình trạng này trong điều tra, truy tố… Bởi gốc rễ vấn đề nằm ở ý thức và tâm thế tôn trọng quyền con người mà người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng hiểu và thực thi nghiêm như thế nào.
Khi tinh thần tôn trọng quyền con người đã được hiến định thấm đẫm vào từng cán bộ tố tụng; khi thành tích không phải là một căn bệnh trong tố tụng… thì lúc này chắc chắn bức cung, nhục hình sẽ có một “khắc tinh” mạnh hơn là biện pháp kỹ thuật ghi âm, ghi hình.
Vì thế, dù rất hy vọng ghi âm, ghi hình sẽ hạn chế được nhục hình, bức cung nhưng từng cán bộ tố tụng đều thấm nhuần tinh thần cải cách tư pháp, thực sự tôn trọng quyền con người mới là lời giải bền vững cho những vấn nạn của nền tư pháp.