Trước đây, tháng 1-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy một phần bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM xử Huyền Như lừa đảo 4.000 tỉ đồng, yêu cầu điều tra làm rõ hành vi tham ô chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng trên tài khoản tiền gửi của năm công ty. Quá trình thụ lý lại, CQĐT và VKS vẫn giữ quan điểm là Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không tham ô tài sản. TAND TP.HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần nhưng vẫn không có thay đổi và cuối cùng, ngày xét xử được ấn định như trên.
Huyền Như và các đồng phạm tại phiên xử phúc thẩm lần đầu. Ảnh: H.YẾN
Khi vụ án này mở ra, các cơ quan tố tụng và dư luận từng cho rằng đây là đại án về tham nhũng nhưng cuối cùng thì chẳng có bị cáo nào bị kết án về tội phạm tham nhũng cả. Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với Huyền Như về tội tham ô là chưa thấy rõ bản chất của vụ án. Dư luận cho rằng trước đây tòa sơ thẩm kết án Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng là cách để VietinBank (doanh nghiệp nhà nước) rũ bỏ trách nhiệm đối với khách hàng.
Trong quá trình điều tra giai đoạn 1, VKSND Tối cao từng phát hiện CQĐT đã xác định không đúng tội danh đối với Huyền Như nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung và khẳng định việc ký hợp đồng nhận tiền gửi của khách hàng, trách nhiệm quản lý số tiền này thuộc về VietinBank. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đến khi ra cáo trạng thì lại chỉ truy tố Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Căn cứ vào quy định của pháp luật, khi các đơn vị, cá nhân đã gửi tiền vào VietinBank thì VietinBank phải có trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng và có nghĩa vụ trả lãi cùng gốc cho khách hàng. Huyền Như được bổ nhiệm làm quyền trưởng phòng giao dịch thuộc VietinBank, có trách nhiệm kiểm soát, xét duyệt các chứng từ chuyển tiền, rút tiền và giao dịch trên tài khoản của khách hàng, kiểm tra và đảm bảo các chứng từ chính xác, hợp lệ. Do có chức vụ, quyền hạn này nên đương nhiên Huyền Như là người có trách nhiệm quản lý tài sản của VietinBank.
Theo BLHS, tham ô là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, còn chiếm đoạt bằng thủ đoạn nào (gian dối, lạm dụng tín nhiệm, lén lút hay công khai...) không phải là dấu hiệu đặc trưng của tội tham ô tài sản. Không ai phủ nhận rằng Huyền Như có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, phải coi tiền của khách hàng đã gửi vào VietinBank là tiền mà VietinBank có trách nhiệm quản lý. Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền do VietinBank quản lý.
Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, chưa có trường hợp nào hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý lại không bị truy cứu TNHS về tội tham ô tài sản cả.
Nếu Huyền Như bị kết án về tội tham ô tài sản thì VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu khách hàng có lỗi hoặc có động cơ không trong sáng khi gửi tiền vào VietinBank hoặc thông đồng với Huyền Như để được “chăm sóc”, hưởng tiền lãi cao hơn so với tiền lãi quy định thì vẫn có thể không buộc VietinBank bồi thường mà buộc Huyền Như bồi thường cho khách hàng như trường hợp Ngân hàng ACB. Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải được giải quyết theo quy định của BLDS.
Đây là vụ án dư luận rất quan tâm. Theo quy định của BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) thì tòa án có quyền xét xử Huyền Như về tội danh tham ô tài sản sau khi đã trả hồ sơ vụ án để VKS truy tố lại nhưng VKS vẫn không thay đổi tội danh (khoản 3 Điều 298 BLTTHS 2015).
Với quy định trên, thiết nghĩ qua xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa sắp tới, nếu HĐXX xác định Huyền Như tham ô tài sản thì có quyền kết án Huyền Như về tội này.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao