TAND TP.HCM tiếp nhận hồ sơ 2 vụ đại án ngân hàng

Ngày 27-11, nguồn tin từ TAND TP.HCM, đơn vị này đã tiếp nhận thụ lý hồ sơ hai vụ đại án ngân hàng. Cụ thể là vụ truy tố Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 1.300 tỉ đồng (Huyền Như giai đoạn 2) và Trầm Bê, Phạm Công Danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Phạm Công Danh giai đoạn 2).
Thụ lý và giải quyết hai vụ đại án này là các thẩm phán, lãnh đạo Tòa Hình sự, cụ thể là Chánh tòa Phạm Lương Toản và Phó Chánh tòa Huỳnh Anh Kiệt. Cả hai vụ án đều do VKSND Tối cao tiến hành truy tố ra cáo trạng ủy quyền VKSND TP.HCM thừa ủy quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án... 

Theo tố tụng, sau khi nhận hồ sơ, các thẩm phán phụ trách giải quyết sẽ nghiên cứu hồ sơ, vụ án có thể được đưa ra xét xử hoặc có thể tòa trả hồ sơ cho VKS yêu cầu làm rõ một số vấn đề…

Đầu năm 2014, TAND TP.HCM tuyên phạt Huyền Như tù chung thân về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 4.000 tỉ đồng của các khách hàng và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Một năm sau, TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm điều tra lại đối với Huyền Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt tiền của năm công ty 1.300 tỉ đồng. Theo HĐXX phúc thẩm, hành vi của Huyền Như và đồng phạm có dấu hiệu tội tham ô tài sản.

Quá trình điều tra bổ sung lần đầu, VKSND Tối cao truy tố thêm 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng NaviBank về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đầu năm 2017, TAND TP.HCM dự kiến xử giai đoạn 2 đại án Huyền Như nhưng sau lại hai lần trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi của bị can có dấu hiệu tội tham ô tài sản. Nhưng đến nay VKS tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố Huyền Như tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

TAND TP.HCM tiếp nhận hồ sơ hai vụ đại án ngân hàng
Bị cáo Huyền Như.

Còn vụ Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 bị can cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến ba ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Tháng 9-2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau này đổi tên thành VNCB), ông Danh đã lợi dụng vị trí đứng đầu để tuyển chọn và đưa người của mình vào tiếp quản, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng.
Ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống vay vốn để rút tiền sử dụng trong khi VNCB đang bị NHNN đưa vào diện kiểm soát, mọi giao dịch trị giá 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát NHNN.
Còn ông Trầm Bê (phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) có mối quan hệ quen biết với Danh. Biết rõ ông Danh không được phép vay tiền từ Ngân hàng VNCB, Trầm Bê và thuộc cấp đã giúp sức cho bị can này trong việc rút tiền của VNCB thông qua gửi tiền của chính ngân hàng này vào Sacombank. Mục đích là để trả nợ thay cho sáu công ty do ông Danh thành lập và điều hành.
Vì sáu công ty của ông Danh không trả được tiền, Sacombank đã cấn trừ các khoản tiền gửi của VNCB tại ngân hàng này. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.800 tỉ đồng. Mặc dù Sacombank không bị thiệt hại nhưng sự giúp sức của Trầm Bê và Phan Huy Khang đã giúp ông Danh gây thiệt hại cho VNCB.
Tại TPBank, Danh và đồng phạm dùng tiền gửi của VNCB tại đây để bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty, đồng thời mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty TNHH MTV Trung Dung do chính ông Danh thành lập, điều hành. Hành vi này gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỉ đồng.
Còn tại BIDV, ông Danh cũng dùng tiền gửi của VNCB tại đây để bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty do mình thành lập và điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng.

TAND TP.HCM tiếp nhận hồ sơ hai vụ đại án ngân hàng
Bị cáo Phạm Công Danh.

Theo cáo trạng, do các công ty của ông Danh chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng.

Cũng cần nhắc lại, "đại án" Phạm Công Danh giai đoạn 1 với số thiệt hại "khủng" là 9.000 tỉ đồng. Ông Danh ở vị trí là chủ tịch HĐQT VNCB, chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh đã chỉ đạo thuộc cấp thực hiện các hành vi phạm tội gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng.

Cụ thể, ông Danh đã dùng các công ty do mình thành lập để ký hợp đồng khống, rút tiền từ VNCB để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông.

Từ tháng 12-2012 đến tháng 5-2014, ông Danh đã đề ra chủ trương, chỉ đạo, tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền của VNCB và những nhân viên làm thuê tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật...

Và với những hành vi này, hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên phạt Danh 30 năm tù về các tội cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay và hàng loạt đồng phạm phải lãnh án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm