Vụ một băng nhóm chuyên in và bán logo xe “vua” mà TAND TP.HCM sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm trong hai ngày 19 và 20-4 tới đây là một đơn cử. Từ chỗ đã câu kết với một số tài xế, chủ xe tải nhiều lần chung chi cho thanh tra giao thông (TTGT), CSGT để không bị xử phạt các lỗi vi phạm, có chín bị can bị truy tố tội đưa hối lộ.
Theo cáo trạng của VKSND TP.HCM, từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, bằng việc in, bán logo dán trên xe làm mật hiệu, hai bị can đầu vụ cùng các đồng phạm đã thu lời bất chính gần 23 tỉ đồng. Đáng lưu ý là một phần tiền này được dùng để đưa hối lộ, mà theo lời khai của hai bị can đầu vụ là gần chục tỉ đồng.
Từ lời khai cụ thể của các bị can về tên người nhận tiền, đã có 62 cán bộ CSGT và 18 cán bộ TTGT của Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM bị cơ quan CSĐT triệu tập. Kết quả là không có người nào thừa nhận đã nhận tiền bôi trơn. Và thế là chỉ có duy nhất một cựu cán bộ thuộc Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai bị truy tố tội môi giới hối lộ.
Tính ra, vụ bán logo xe “vua” thu lợi bất chính chỉ có người đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Còn người nhận hối lộ đến lúc này thì không rõ, không có - như thể những đồng tiền liên can là những đồng tiền “ma” vì đã không có điểm rơi!
Còn nhớ sự tắc nghẽn vô lý này đã xảy ra trong vụ án liên quan đến việc trùm giang hồ Long “Thanh” ở Đồng Nai chạy án. Long từng khai đã đưa 100 triệu đồng cho vợ một trưởng công an để nhờ xí xóa cho một vụ ghi số đề bị bắt quả tang. ở vụ này, người bị tố giác cũng không thừa nhận việc nhận tiền nên cơ quan điều tra đã chấp nhận là chưa đủ cơ sở buộc tội và đã tạm đình chỉ điều tra vụ án nhận hối lộ. Riêng đối với Long, tuy ra tòa bị can phủ nhận việc đưa tiền nhưng căn cứ vào biên bản đối chất, bản kê chi tiết điện thoại của Long và của người phụ nữ… HĐXX hai cấp đã xử phạt Long 10 năm tù về tội môi giới hối lộ.
“Người bị cho là nhận tiền đã không thừa nhận, CQĐT không có cơ sở để khởi tố”. Công an và VKS hay nêu lý do này để nhanh chóng xếp lại tội nhận hối lộ. Thế nhưng số đông người dân luôn không tin và không thể nào chấp nhận sự đơn giản như vậy vì không có người nhận hối lộ sao có người bị tội đưa hối lộ được.
Trở lại vụ án logo xe “vua” để thấy dù chẳng có bằng chứng giao nhận tiền nhưng với hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, các cơ quan pháp luật vẫn có thể kỳ công chuyển hóa các dấu hiệu thành chứng cứ để lật tẩy tội phạm, còn với tội nhận hối lộ thì lại dễ dàng bất lực khiến có nguy cơ bỏ lọt tội. Khi viện dẫn nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung” để dung dưỡng sự mâu thuẫn trong chính mình rằng việc đưa hối lộ là có thật nhưng người nhận hối lộ thì không thể lần ra, các cơ quan tố tụng lại buộc các bị can đưa hối lộ phải chịu trách nhiệm trên tổng số tiền đưa hối lộ, mà đa phần là sự tự khai nhận dẫn đến tiền đưa càng cao thì hình phạt càng nặng… Sao bất thường vậy?
Không hẳn ai bị tố cũng đều là người làm sai. Song phải thống nhất với nhau các tiêu cực trong ngành CSGT và TTGT là có, các việc đưa-nhận hối lộ trong hai ngành này đã, đang và sẽ còn xảy ra. Do vậy, trong vụ logo xe “vua” và các vụ án đồng dạng, nghi vấn CSGT và TTGT nhận hối lộ cần phải được nghiêm túc điều tra cho ra lẽ để đủ sức thuyết phục với chính những bị can đưa hối lộ, môi giới hối lộ và hơn hết là với dư luận xã hội về sự trong sạch hay tội trạng (nếu có) của các cá nhân có liên quan. Có thế thì mới mong giảm thiểu những hồ nghi, điều tiếng về sự bất bình đẳng trước pháp luật giữa người dân với lực lượng chấp pháp này.