Theo đó, tăng cường công tác phối hợp liên ngành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.
Chủ động báo cáo, tham mưu Thường trực, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo giải quyết các vụ án an ninh theo Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị; đảm bảo việc giải quyết đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, không để xảy ra vi phạm, sai sót để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, ảnh hưởng đến uy tín của ngành kiểm sát.
Quá trình giải quyết vụ án, phải làm rõ hành vi, động cơ, mục đích phạm tội; thế lực đứng sau chỉ đạo, cung cấp tiền, phương tiện; chủ động yêu cầu giám định tài liệu, thu thập chứng cứ vật chất (tài liệu, dữ liệu điện tử,...) để chứng minh tội phạm; nghiên cứu kỹ hồ sơ, thống nhất việc khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn (diện, đối tượng,...).
Đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng, cần chủ động yêu cầu tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
Ảnh minh họa: baobacgiang
Khi xét xử các vụ án về an ninh, trước khi tham gia phiên tòa, kiểm sát viên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo viện (hoặc VKS cấp trên); chuẩn bị kỹ dự thảo luận tội, đề cương thẩm vấn, dự kiến tình huống tranh tụng tại phiên tòa. Thông qua việc tranh tụng tại phiên tòa, kiểm sát viên làm rõ nội dung cáo trạng truy tố, phản bác lại luận điệu tuyên truyền chống Nhà nước (nếu có), phát huy tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Đáng chú ý, công văn nhấn mạnh việc xây dựng cáo trạng các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, nhất là về các tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tội gián điệp, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ,..., cần lưu ý viết ngắn gọn, tránh phân tích dài dòng, không trích dẫn nguyên văn các nội dung của kết luận giám định để tránh việc các đối tượng lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc tại phiên tòa; hạn chế việc giám định, viện dẫn nội dung tài liệu bí mật nhà nước trong vụ án gián điệp.