Chiều 12-11, đọc tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nêu nhiều vấn đề cần xin ý kiến Quốc hội.
VKS không phát biểu quan điểm?
Theo ông Trương Hòa Bình, luật hiện hành, dẫn đến một thực tế, nhiều việc dân sự đơn giản thì VKS tham gia, còn những vụ phức tạp thì VKS lại vắng mặt. Tuy nhiên, sửa quy định này thế nào thì ngay trong nội bộ ngành tòa án cũng có những ý kiến khác nhau. Có tòa cho rằng không nên giao VKS tham gia xét xử vụ việc dân sự; có tòa lại cho rằng kiểm sát viên phải tham gia tất cả phiên tòa để bảo đảm tính khách quan trong quá trình xét xử, giảm bớt thiếu sót, khuyết điểm do tòa án trực tiếp thụ lý, điều tra, xét xử như hiện nay…
Về việc phát biểu quan điểm của VKS tại phiên tòa, tờ trình nêu hai quan điểm. Quan điểm đầu (cũng là quan điểm thể hiện trong dự thảo), VKS tham dự phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán… và đưa ra quan điểm về áp dụng pháp luật, không nghiêng về bên nào. Quan điểm thứ hai khác ở vế cuối cùng là VKS không phát biểu quan điểm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, quan điểm của đa số các thành viên ủy ban là cần phân biệt phiên tòa, phiên họp sơ thẩm với các phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm. Theo đó, tại phiên sơ thẩm, kiểm sát viên chỉ có thể phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, HĐXX và những người tham gia tố tụng. Ở những phiên tòa, phiên họp còn lại, KSV chỉ có quyền phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ việc dân sự…
Nghiên cứu kỹ về thời hiệu
Một vấn đề khác được đưa ra xin ý kiến là thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự. Theo Chánh án Trương Hòa Bình, quy định tại khoản 3 Điều 159 BLTTDS về vấn đề xác định thời hiệu dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Và “Điều 159 quy định việc tính thời hiệu khởi kiện kể từ thời điểm quyền và lợi ích bị xâm phạm là không hợp lý. Việc này thể hiện rõ nhất ở những trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc môi trường nhưng đương sự không biết được thời điểm xảy ra vi phạm để khởi kiện đúng thời hiệu” - ông Bình nói thêm.
Một số thành viên ban soạn thảo cho rằng vấn đề thời hiệu cần được tiếp tục rà soát và quy định trong BLDS, không cần thiết quy định trong BLTTDS. Quan điểm khác bảo cần phải quy định vấn đề này trong BLTTDS, phải rà soát để bỏ quy định về thời hiệu đối với một số quan hệ dân sự có tính đặc thù và bổ sung một số loại quan hệ dân sự cần có quy định về thời hiệu cho phù hợp thực tiễn. Quan điểm thứ ba là giữ nguyên những quy định hiện hành cho tới khi sửa đổi toàn diện bộ luật này.
Bà Lê Thị Thu Ba cho biết Ủy ban Tư pháp thống nhất với quan điểm thứ hai. “Những vấn đề về thời hiệu, thời điểm tính thời hiệu… cần phải được nghiên cứu kỹ, tổng kết thực tiễn cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để quy định cụ thể, bảo đảm tính nhất quán trong BLTTDS, BLDS và các luật chuyên ngành” - bà Thu Ba nói thêm.
Cần cơ chế đặc biệt sửa sai "án đụng trần"
Chánh án Trương Hòa Bình nói thực tiễn công tác giám đốc thẩm của TAND Tối cao đã phát hiện một số quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán có sai lầm nghiêm trọng nhưng không có cơ chế để kháng nghị và xem xét lại. Do vậy, dự luật này cần thiết kế “một cơ chế đặc biệt” để khắc phục bất cập nêu trên.
Vấn đề này hiện có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất (thể hiện trong dự thảo) cho rằng cần bổ sung các điều luật liên quan đến việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán khi có căn cứ.
Quan điểm thứ hai đồng ý để Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định của mình như quan điểm đầu, nếu phát hiện quyết định đó có sai lầm nghiêm trọng thì xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước chứ không hủy quyết định này.
Ủy ban Tư pháp tán thành với quan điểm thể hiện trong dự thảo.
Sửa “án đụng trần” thông qua giám sát Theo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 và Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004, chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao không còn quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (HĐTP TAND TC) để đề nghị xem xét lại quyết định này. Vậy nếu quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TAND TC gọi nôm na là “án đụng trần” có sai sót thì ai sẽ xem xét để sửa sai? Tôi cho rằng quy định như vậy là đúng đắn và hợp lý để khẳng định điểm dừng của quá trình xét xử một vụ án theo thủ tục thông thường. Kháng nghị của chánh án TAND TC hay của viện trưởng VKSND TC đã được HĐTP TAND TC đưa ra xem xét và không chấp nhận thì chánh án hay viện trưởng không thể lại tiếp tục kháng nghị đối với quyết định của HĐTP TAND TC. Giả sử nếu giao cho chánh án TAND TC và viện trưởng VKSND TC quyền kháng nghị thì cơ quan nào xem xét lại quyết định của HĐTP TAND TC khi ở nước ta HĐTP TAND TC đã là cơ quan xét xử cao nhất. Thế nhưng một nguyên tắc quan trọng là không thể thấy sai mà không sửa. Thử hỏi nếu có nhiều người bị kết tội oan và nhiều án dân sự bị xử sai rành rành mà không sửa sai thì liệu “trật tự và trị an xã hội” có được giữ vững hay không? Bởi vậy giải pháp đúng đắn và hợp pháp nhất để sửa sai “án đụng trần” là Quốc hội “thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước” như đã quy định tại Điều 83 của hiến pháp bằng việc xem xét báo cáo kết quả giám sát của UBTV QH, của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và yêu cầu HĐTP TAND TC họp phiên toàn thể có đủ các thành viên tham dự với sự tham gia của viện trưởng VKSND TC để thảo luận ra quyết định sửa lại quyết định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng của HĐTP TAND TC. TS VŨ ĐỨC KHIỂN, |
ĐỨC MINH