CÓ NÊN XỬ THEO ÁN LỆ? - BÀI 3

Lấp lỗ hổng pháp luật

Lấp lỗ hổng pháp luật ảnh 1

Đã có tiền đề tốt

Một thẩm phán TAND Tối cao cho rằng chúng ta đã có tiền đề rất tốt cho việc áp dụng án lệ là tập hợp những quyết định giám đốc thẩm cả bằng giấy, cả trên mạng rồi. Cạnh đó là hàng loạt hướng dẫn nghiệp vụ (báo cáo tổng kết, nghị quyết của hội đồng thẩm phán, công văn hướng dẫn...) mà trong đó TAND Tối cao đã phân tích, chỉ ra những vướng mắc để các thẩm phán rút kinh nghiệm. Tất cả đều là nỗ lực ban đầu theo hướng tiếp cận án lệ phục vụ công tác xét xử của ngành tòa án.

Đánh giá về tác dụng, vị thẩm phán này cho rằng nếu có án lệ thì người thẩm phán sẽ thoải mái hơn trong nghiệp vụ vì đã có đường đi rõ nét, không sợ bị lạc quẻ khi quyết định một vụ việc. Với đương sự, nếu có án lệ, họ sẽ tự biết là tòa đã xử đúng vụ việc của mình để tránh việc khiếu nại giám đốc thẩm tràn lan theo kiểu cầu may như hiện nay.

Tại một hội thảo góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự mới đây, thẩm phán Phan Thanh Tùng, Phó Chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM đã ví án lệ như những cái dăm để chêm chặt cho một bó củi đang còn lỏng lẻo. Theo ông Tùng, nói như vậy để thấy rằng án lệ rất cần thiết trong thực tế xét xử vì một hệ thống luật pháp có chi tiết đến cỡ nào cũng không thể theo kịp được sự phát triển của cuộc sống.

Nhận xét này của ông Tùng được khá nhiều người đồng tình.

Bảo vệ quyền công dân tốt hơn

Một thẩm phán TAND Tối cao nêu ví dụ: Hiện ngành tòa án không thụ lý đơn kiện của người dân trong những tranh chấp liên quan đến mồ mả của thân nhân như quyền di dời, bảo quản, trông nom… vì thiếu quy định điều chỉnh. Người dân tìm đến chính quyền cũng không được giải quyết cũng vì lý do không có luật. Trong khi đó, yêu cầu của người dân là hợp pháp, chính đáng và bức thiết bởi yếu tố tâm linh thiêng liêng.

Nếu cho phép xét xử theo án lệ, ngành tòa án hoàn toàn có thể thụ lý, giải quyết tranh chấp dạng này dựa vào những nguyên tắc pháp luật chung, chẳng hạn căn cứ vào hàng thừa kế hoặc ai có điều kiện hơn trong việc trông nom, hương khói… Khi đó, một phán quyết được công nhận là án luật sẽ được các tòa vận dụng dễ dàng cho những vụ việc tương tự.

Một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao phân tích thêm: Các văn bản luật thường bị đóng khung trong lúc thông qua nhưng thực tế cuộc sống thường phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh mà văn bản luật không lường trước hoặc lường không hết. Nếu thẩm phán chờ có văn bản quy định thì sẽ vi phạm thời hạn tố tụng, vi phạm quyền khởi kiện của công dân... Trong những trường hợp như thế, áp dụng án lệ sẽ khắc phục nhược điểm này. Nghĩa là lấy những án luật đã được chấp nhận để vận dụng còn hơn là từ chối hoặc chần chừ giải quyết tranh chấp.

Một giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM bổ sung: Chức năng của hệ thống tư pháp là không có quyền từ chối giải quyết các khiếu kiện của người dân bởi lý do chưa có luật. Nhưng thực tế ở ta, người thi hành pháp luật luôn lúng túng và bó tay trước mỗi quan hệ, tranh chấp mà pháp luật chưa tiên liệu hoặc quy định chưa rõ. Trong khi quan hệ, tranh chấp mới phát sinh ngày càng nhiều. Vì vậy, áp dụng án lệ sẽ bổ khuyết kịp thời những lỗ hổng pháp luật này để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn.

Xét xử hiệu quả hơn

Nhìn ở một góc độ khác, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói bản chất án lệ là việc điển hình hóa bản án, giúp các thẩm phán đi đúng đường thẳng lối, giống như người ta phân luồng giao thông ở một đoạn đường thường bị lộn xộn vì quy hoạch có phần thiếu sót.

Điều này có nhiều cái lợi. Thứ nhất, hoạt động xét xử sẽ diễn ra nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian, công sức của tất cả các bên tham gia tố tụng. Thứ hai, áp dụng án lệ mang lại tính công bằng, tránh được việc cùng một tranh chấp tương tự với những nội dung, tình tiết tương tự mà mỗi thẩm phán xử mỗi khác, qua đó nâng cao được niềm tin của người dân với tòa, với pháp luật. Chưa kể, áp dụng án lệ đi song song với việc công khai, minh bạch bản án sẽ là một kênh hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến pháp luật…

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) nhận xét: bất cứ một nhà nghiên cứu pháp luật nào cũng thấy tác dụng tích cực của án lệ vì nó rất tiến bộ. Điều đó cũng lý giải vì sao các nước phát triển, có nền tố tụng tiến bộ đều dùng án lệ. Pháp luật về án lệ đã được một số quốc gia trên thế giới áp dụng từ lâu và mang lại hiệu quả cao. Chúng ta cũng đang có những điều kiện phù hợp để chính thức công nhận án lệ nhưng đáng tiếc là nó lại chưa được hợp thức hóa...

Dòng sự kiện

- Thời Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền bắc, ngày 19-1-1955, để thống nhất trong việc xử phạt một số loại tội phạm, Thủ tướng Chính phủ ra thông tư nói rõ: “Kinh nghiệm xét xử về một số loại phạm pháp đã được trở thành án lệ. Tuy nhiên, án lệ ấy còn khác nhau giữa các địa phương. Đường lối xét xử do đó không được thống nhất, rõ ràng và có nơi không được đúng. Cần phải thống nhất những án lệ ấy trong quy định chung sau đây để hướng dẫn các tòa án trừng trị một số tội phạm thông thường”...

- Trước thời điểm năm 2004, xử lý các vụ vận chuyển hàng lậu, cơ quan chức năng thường tịch thu phương tiện vận chuyển. Gặp trường hợp chủ xe không phải là người trực tiếp vận chuyển thì họ kiện với lý do mình không biết. Khi xử, có tòa trả lại xe, có tòa tịch thu. Trong hội nghị tổng kết năm 2004, TAND Tối cao đã hướng dẫn: “Nếu người lái xe và chủ phương tiện có mối quan hệ huyết thống (cha mẹ, anh em trong gia đình...) hoặc vợ chồng mà việc giao xe để chở hàng là thường xuyên thì việc tịch thu xe là đúng. Ngược lại, nếu chiếc xe bị chiếm hữu bất hợp pháp thì tuyên trả lại cho chủ sở hữu”. Ngay sau đó, vướng víu trong việc tịch thu phương tiện đã được giải quyết.

- Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh trường hợp bà Q. (Việt kiều Úc) gửi tiền về cho cháu gái đứng tên giùm mua 7 ha đất trồng cao su (lúc đó luật chưa cho phép Việt kiều mua nhà đất). Năm 2007, người cháu lật kèo, bảo đó là tài sản của mình. Bà Q. kiện ra tòa. Tòa các cấp xác định số tài sản trên là của bà Q. đầu tư trái phép nên tuyên giao dịch vô hiệu. Tòa giao thi hành án phát mại khối tài sản, trả lại cho bà Q. gần 1 tỉ đồng bỏ ra ban đầu, còn số tiền dư sung công.

Tranh cãi phát sinh xung quanh việc sung công số tiền dư này vì luật quy định chưa rõ. Trong hội nghị tổng kết năm 2007, TAND Tối cao đã hướng dẫn: “Nếu người đứng tên giùm có nhu cầu sở hữu nhà, đất thì tòa công nhận và buộc họ thanh toán lại cho Việt kiều số tiền đầu tư ban đầu cộng với nửa số tiền là tài sản dôi ra. Nếu người đứng tên giùm không mua, thi hành án phát mại tài sản trả lại cho Việt kiều đúng số tiền ban đầu, tiền còn dư thì chia đôi. Tòa không sung công tài sản dư ra mà chia cho hai bên theo kiểu kẻ có công người có của”. Từ đó, các tranh chấp tương tự đã được các tòa vận dụng vì “đã từng có án lệ của TAND Tối cao”.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm