Bắt đầu phiên xử sáng 22-3, đại diện VKS đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng và sáu đồng phạm trong vụ PVN mất 800 tỉ đồng khi góp vốn vào OceanBank.
Ông Thăng bị đề nghị phạt nặng nhất
Theo đó, ông Thăng bị đề nghị mức án 18-19 năm tù về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo khác bị đề nghị mức án 24-30 tháng cải tạo không giam giữ đến 7-8 năm tù.
Riêng cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh bị đề nghị 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái…, 17-18 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt là 24-26 năm tù.
Ngoài ra, các bị cáo còn bị cấm đảm nhiệm các chức vụ hoặc làm công việc nhất định trong thời hạn năm năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính.
Về trách nhiệm dân sự, ông Thăng phải chịu trách nhiệm chính, các bị cáo khác phải liên đới bồi thường 800 tỉ đồng cho PVN.
Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa tại phiên tranh luận. Ảnh: TTXVN
VKS: “Chưa thành khẩn nhận lỗi”
Theo đại diện VKS, từ tháng 9-2008, ông Thăng đã chỉ đạo, quyết định việc PVN góp vốn vào OceanBank để PVN trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank. Các bị cáo khác đã tích cực thực hiện ba lần góp vốn của PVN vào OceanBank với tổng số tiền 800 tỉ đồng.
Do năng lực yếu kém của OceanBank và hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm, OceanBank đã bị thua lỗ nghiêm trọng, không còn giá trị vốn của chủ sở hữu. Điều này dẫn đến hệ quả số tiền góp vốn 800 tỉ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải mua lại bắt buộc OceanBank với giá 0 đồng, để Nhà nước phải khắc phục những hậu quả nặng nề mà OceanBank gây ra.
Đại diện VKS khẳng định ông Thăng đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái các quy định của Nhà nước. Ông Thăng đã thực hiện các hành vi vi phạm, sau đó mới báo cáo Thủ tướng và các cơ quan có liên quan nhằm hợp thức hóa các hành vi vi phạm, “làm trước, báo cáo sau”. Tại phiên tòa, ông Thăng cho rằng bị cáo làm đúng pháp luật, đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Lời khai của bị cáo thể hiện sự bao biện cho hành vi vi phạm pháp luật, né tránh trách nhiệm, thể hiện sự coi thường pháp luật khi không thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính...
“Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo không thực sự ăn năn hối cải mà còn dùng thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội, né tránh trách nhiệm và hậu quả gây ra. Bản thân bị cáo trong thời gian này đã có hành vi phạm tội và đang bị xét xử… Quá trình điều tra và xét xử tại phiên tòa, bị cáo chưa thành khẩn nhận lỗi về các hành vi phạm tội, do vậy cần có hình phạt nghiêm khắc để giáo dục bị cáo, để răn đe phòng ngừa chung” - đại diện VKS nói.
Tuy nhiên, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Thăng vì có quá trình cống hiến; trong quá trình truy tố, xét xử đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu.
“Chính việc mua OceanBank 0 đồng khiến PVN mất vốn”
Ngay sau đó, ông Thăng được thực hiện quyền tự bào chữa. Cầm trong tay một số tờ giấy A4, ông trình bày bài tự bào chữa trong gần 40 phút.
Ông Thăng một lần nữa trình bày về chủ trương PVN góp vốn vào OceanBank, về các lần ký nghị quyết góp vốn... “Thực tế khi có sự đầu tư của PVN, OceanBank đã phát triển rất nhanh, liên tục trong năm năm (2009-2013). PVN được chia cổ tức với số tiền 244 tỉ đồng. Thực tế, việc đầu tư rất có hiệu quả” - ông Thăng nói.
Theo ông Thăng, từ năm 2012, PVN đã xây dựng lộ trình thoái vốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng cho phép PVN thoái vốn 100% khỏi OceanBank, lộ trình từ năm 2013 đến 2015. Đầu năm 2014, khi có hai công ty đăng ký mua 5% và 15% vốn của PVN, tập đoàn đã báo cáo Thủ tướng.
“Đầu tiên Thủ tướng đồng ý nhưng sau đó 13 ngày thì không đồng ý do NHNN đề nghị dừng lại, chuyển phần vốn của tập đoàn về cho NHNN. Nếu PVN được thoái vốn thì rõ ràng không có chuyện mất 800 tỉ này. Nếu Thủ tướng đồng ý thì đã giải quyết ngay trong năm 2014, không có chuyện bị mua 0 đồng dẫn đến 800 tỉ” - ông Thăng nói.
Liên quan đến việc mua OceanBank với giá 0 đồng, ông Thăng cho rằng việc này không phù hợp với quy định của pháp luật. “Anh Thắm là cổ đông sở hữu 67% không biết gì về việc mua này, PVN sở hữu 20% cũng không biết gì về việc mua 0 đồng này, không được hỏi ý kiến” - ông Thăng nói.
Cũng theo ông Thăng, giả sử việc mua OceanBank 0 đồng này là đúng với lý do OceanBank thua lỗ, vậy NHNN phải bỏ tiền để bù khoản lỗ 14.000 tỉ đồng và 4.000 tỉ đồng để cấp lại vốn điều lệ cho OceanBank hoạt động. “Vậy NHNN lấy tiền từ đâu, theo luật ngân sách thì không được lấy tiền ngân sách để bù lỗ cho các doanh nghiệp. Nếu NHNN không bỏ tiền vào mà OceanBank vẫn hoạt động bình thường, điều đó chứng tỏ việc mua OceanBank là không phù hợp, cả về căn cứ pháp lý cũng như căn cứ thực tiễn” - ông Thăng khá gay gắt.
“Chính việc mua 0 đồng này là nguyên nhân quan trọng nhất, việc Chính phủ không cho phép PVN thoái vốn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc các cổ đông, trong đó có PVN mất hoàn toàn vốn. Trách nhiệm này nằm ngoài trách nhiệm của tập đoàn mà thuộc về người ký không cho thoái vốn” - vẫn lời ông Thăng.
Hôm nay, phiên xử tiếp tục với phần tự bào chữa của các bị cáo khác…
Kiến nghị điều tra lời khai mua căn hộ Theo đại diện VKS, có đủ cơ sở kết luận từ năm 2009 đến 2013, ông Quỳnh đã nhận của ông Nguyễn Xuân Sơn 20 tỉ đồng lấy từ OceanBank, được lấy từ nguồn tiền do ông Hà Văn Thắm chỉ đạo chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền vào OceanBank. Mục đích để ông Quỳnh quan tâm, giúp đỡ, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo PVN ban hành chủ trương, chỉ đạo có lợi cho OceanBank cũng như yêu cầu các đơn vị thành viên của tập đoàn sử dụng dịch vụ, gửi tiền vào OceanBank. Thực tế thời gian PVN góp 20% vốn điều lệ vào OceanBank, các đơn vị thành viên của OceanBank luôn có số dư tiền gửi lớn, dao động 18.000-20.000 tỉ đồng tại OceanBank. Tại phiên tòa, ông Sơn khai đã nhận từ ông Thắm hơn 200 tỉ đồng và đưa cho ông Quỳnh khoảng 180 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Sơn mua cho ông Quỳnh một căn hộ tại dự án Star City (Lê Văn Lương, Hà Nội) do ông Hà Văn Thắm làm chủ đầu tư. Để không bỏ lọt tội phạm, đại diện VKS đề nghị HĐXX kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ lời khai này để xử lý theo quy định của pháp luật. Cạnh đó, đại diện VKS cũng kiến nghị CQĐT làm rõ lời khai của ông Sơn tại phiên tòa liên quan đến việc chi và sử dụng số tiền chi lãi ngoài hợp đồng. VKS: Ông Thăng che giấu tội phạm Đáng chú ý, đại diện VKS cho rằng để che giấu và hợp thức hóa hành vi sai phạm, ông Thăng đã gọi điện thoại nhờ một số thành viên HĐQT ký xác nhận việc HĐQT PVN có bàn bạc, thống nhất về chủ trương PVN góp vốn vào OceanBank và giao cho ông Thăng ký thỏa thuận số 6934. Do cả nể nên một số thành viên HĐQT đã ký xác nhận ghi ngày 28-3-2017. “Có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Đinh La Thăng biết hành vi của mình là vi phạm, có thủ đoạn che giấu, do đó lời khai của bị cáo tại phiên tòa cho rằng hành vi của bị cáo đúng quy định của pháp luật là không có cơ sở” - đại diện VKS nêu... |