Có nên lập tòa sở hữu trí tuệ?

Trong các loại án, án sở hữu trí tuệ có số lượng ít nhất. Theo thống kê của TAND Tối cao, từ khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực (1-7-2006) đến nay, số vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ mà ngành tòa án đưa ra xét xử chỉ khoảng vài trăm vụ, trong khi các lực lượng hải quan, quản lý thị trường, công an… đã xử lý hàng chục ngàn vụ xâm phạm.

Quy định mới, thẩm phán thiếu kinh nghiệm

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, một lý do khiến người dân và doanh nghiệp bị xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ thường sử dụng con đường hành chính chứ ít khi khởi kiện ra tòa là do ngán ngại thời gian giải quyết án kéo dài.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này: Pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn khá mới ở Việt Nam, trong khi một số thẩm phán chưa có kinh nghiệm. Cạnh đó, tòa phải chờ kết quả trưng cầu giám định hoặc kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền để giải quyết án mà nhiều khi quá trình chờ đợi này rất lâu.

Ngoài ra, các quy định về việc khởi kiện, tiến hành tố tụng còn phức tạp. Chưa kể, tòa khó xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra, dẫn đến việc khó xác định mức bồi thường. Hiện nay đang thiếu các hướng dẫn về căn cứ để xác định mức giảm sút thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại…

Có nên lập tòa sở hữu trí tuệ? ảnh 1

Tại buổi tọa đàm do Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cùng dự án Hỗ trợ hội nhập và phát triển (USAID STAR PLUS, thuộc Chính phủ Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức sáng 31-5 vừa qua, Thẩm phán Edward J. Damich (Tòa án khiếu kiện Liên bang Hoa Kỳ) còn nhận xét: Một lý do nữa mà người dân, doanh nghiệp ít đưa vụ việc xâm phạm sở hữu trí tuệ ra tòa ở Việt Nam là bởi chế tài mà tòa áp dụng chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi xâm phạm tiếp theo.

Nên lập tòa chuyên trách?

Dù người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà với việc khởi kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, nhiều chuyên gia vẫn đề xuất nên thành lập tòa chuyên trách về lĩnh vực này.

Theo ThS Nguyễn Trương Tín (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), việc thành lập tòa chuyên trách này là cần thiết, phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội và phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới. Trong thời hội nhập, Việt Nam đã bước vào sân chơi chung thì cũng phải tuân thủ các quy tắc chung về quyền sở hữu trí tuệ. Một khi nước ta siết lại việc kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực này và ý thức của người dân, doanh nghiệp thay đổi thì các vụ kiện ra tòa tất yếu sẽ tăng.

Ông Peter N. Fowler (Giám đốc Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ - USPTO) nhận xét: Do tính chất của các vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ không giống các vụ án thông thường nên cần phải được chuyên môn hóa trong hệ thống tòa án và các thẩm phán phải là chuyên gia trong lĩnh vực. Một khi Việt Nam xây dựng được loại hình tòa chuyên trách này thì sẽ đảm bảo được quyền của chủ sở hữu, thu hút đầu tư nước ngoài do các nhà đầu tư an tâm hơn về hành lang pháp lý.

Thí điểm từng bước?

Theo Thẩm phán Trần Thị Huyền Vân (TAND TP.HCM), nếu có thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ thì trước mắt cũng chỉ cần lập ở các đô thị lớn, có nhiều tranh chấp về sở hữu trí tuệ như Hà Nội, TP.HCM…

Đồng tình, ThS Nguyễn Trương Tín bổ sung: Ở các tỉnh còn lại, chúng ta nên chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán, thư ký tòa chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Mặt khác, khi thành lập tòa chuyên trách còn phải lưu ý đến việc sửa đổi, bổ sung một loạt luật liên quan như Luật Tổ chức tòa án, Bộ luật Tố tụng dân sự… Cạnh đó, một vấn đề khác là chúng ta đang triển khai mô hình tòa sơ thẩm khu vực nên việc thành lập tòa chuyên trách cũng phải tính toán cho phù hợp.

Về thẩm quyền, Thẩm phán Edward J. Damich đề xuất: Tòa chuyên trách không chỉ giải quyết tranh chấp về quyền sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền thông thường mà còn phải mở rộng hơn với tranh chấp về quảng cáo, tiếp thị, tranh chấp tên miền trong lĩnh vực kỹ thuật số, việc ăn cắp bản quyền trên mạng… Song song đó là phải bổ sung quy định liên quan. “Việc này rất quan trọng để giúp các tác giả bảo vệ quyền đối với tác phẩm của mình trong kỷ nguyên công nghệ số” - ông Damich nhấn mạnh.

Quy định cũng có, vấn đề là thực thi

Việt Nam đã gia nhập công ước quốc tế về bảo hộ các chương trình mã hóa truyền thông vệ tinh. Những xâm phạm liên quan đến việc ăn cắp bản quyền qua đường truyền tín hiệu cũng đã có trong Luật Sở hữu trí tuệ. Thật ra Việt Nam chưa có luật riêng về bảo hộ quyền tác giả trên mạng Internet nhưng các hành vi xâm phạm hoàn toàn có thể bị xử lý dựa vào quy định hiện hành. Vấn đề là chúng ta có kiên quyết làm hay không mà thôi. Chẳng hạn vừa qua, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam dự định kiện chủ trang web nhaccuatui.com ra tòa vì đưa các bài hát lên mạng và cho phép thành viên tải nhạc. Sau đó, hai bên đã đạt được thỏa thuận, ký hợp đồng trả tiền bản quyền.

Một giảng viên khoa Luật quốc tế Trường ĐH Luật TP.HCM

Tham khảo kinh nghiệm nước bạn

Ngày 9-5, USPTO cùng Viện Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ đã công bố nghiên cứu về kinh nghiệm và hoạt động xét xử về sở hữu trí tuệ trên 190 nước trên thế giới. Nghiên cứu này chỉ ra những lợi thế và bất lợi trong việc thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Mỗi nước có nhiều cách giải quyết vụ việc về sở hữu trí tuệ riêng, Việt Nam có thể học tập mô hình của từng nước và biến thành của riêng mình.

Ông PETER N. FOWLER,Giám đốc USPTO

Xử ăn cắp bản quyền qua mạng ở Hoa Kỳ

Ở Hoa Kỳ, tòa án đã xử nhiều vụ ăn cắp bản quyền qua mạng. Luật Hoa Kỳ quy định về những nghĩa vụ thứ cấp liên quan đến hành vi ăn cắp bản quyền qua mạng. Theo đó, chủ thể quyền tác giả không những chỉ có quyền kiện cá nhân tải tác phẩm từ mạng về mà họ còn có quyền kiện nhà cung cấp dịch vụ Internet vì chính dịch vụ của họ góp phần tạo nên hành vi xâm phạm.

Thẩm phán EDWARD J. DAMICH,
Tòa án khiếu kiện Liên bang Hoa Kỳ

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm