Khăng khăng giữ chữ trung
Sau khi Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương chết, giữa Kiến Văn đế Chu Doãn Văn và Yên vương Chu Lệ nổ ra cuộc tranh đoạt ngôi vua khốc liệt kéo dài bốn năm. Tới ngày 13-6-1402, quân nổi loạn của Yên vương Chu Lệ công phá được thủ đô Nam Kinh. Hầu hết các đại thần của Kiến Văn đế đều ra đầu hàng Yên vương, chỉ riêng Phương Hiếu Nhụ kiên trung quyết không đầu hàng.
Yên vương Chu Lệ triệu ông ta tới. Ông ta đóng chặt cổng không ra. Chu Lệ lệnh cho người lôi ông ta ra khỏi tư dinh. Ông ta liền mặc tang phục, tới giữa sân rồng gào khóc. Chu Lệ sai học trò của Phương Hiếu Nhụ khuyên nhủ nhưng ông ta chửi mắng bạo hơn. Xét Phương Hiếu Nhụ có ảnh hưởng rất lớn trong giới tú tài (trí thức) cả nước, nên Chu Lệ sai người giam ông ta vào ngục, tiếp tục cho thân tín vào khuyên nhủ.
Chu Nguyên Chương
Lỡ một lời, bị giết 10 họ
Một tháng sau, Yên vương Chu Lệ cử hành lễ đăng quang, theo thông lệ phải có người đạo cao đức trọng thay mặt vua viết biểu lên ngôi. Các đại thần bẩm báo: Việc hệ trọng này ngoài Phương Hiếu Nhụ không ai làm nổi. Thế là Yên vương lại một lần nữa triệu Phương Hiếu Nhụ ra khỏi ngục, nhờ viết biểu lên ngôi.
Nào ngờ Phương Hiếu Nhụ gào khóc càng thảm thiết hơn. Chu Lệ nén bực, cố nhẹ nhàng vỗ về khuyên giải rồi ấn cây bút lông vào tay ông ta, bảo: “Ngoài khanh ra không ai có đủ tư cách viết chiếu thư này”. Phương Hiếu Nhụ vén tay áo múa bút viết bốn chữ trên tờ giấy tuyên “Yên tặc thoán vị” (Giặc Yên cướp ngôi) rồi quăng bút gào thét và chửi rủa. Ông lớn tiếng tuyên bố: Dù có chết cũng quyết không viết chiếu thư lên ngôi!
Một góc cấm thành Bắc Kinh, Trung Quốc
Hết chịu nổi, Chu Lệ liền dọa: “Ngươi không nghĩ tới tình máu mủ ruột rà chín họ của mình sao?”. Phương Hiếu Nhụ liền quắc mắt gào lên: “Dù có tru di đến 10 họ ta cũng không sợ!”. Thế là sau đó, Phương Hiếu Nhụ trở thành người duy nhất bị giết sạch cả mười họ trong lịch sử Trung Quốc.
Bạn bè và môn đồ của ông ta bị tính thành một họ, gộp cùng chín họ nội ngoại của ông ta, tổng cộng đông tới 873 người già trẻ gái trai. Người cuối cùng bị giết là Phương Hiếu Nhụ. Ông ta bị xử lăng trì (lóc từng miếng thịt) ngay trước ngọ môn.
Nhận xét của người đời sau
Từ đó về sau, ý kiến bình luận, nhận xét về chí khí Phương Hiếu Nhụ luôn đầy tính tranh cãi. Có người cho rằng Phương Hiếu Nhụ đã phô bày đầy đủ khí tiết thà chịu chết chứ không chịu nhục của tầng lớp trí thức Trung Hoa cổ đại. Cũng có không ít người bình luận cách làm của Phương Hiếu Nhụ là cám hấp, không đáng giá một xu!
Đương nhiên, chúng ta không thể dựa vào chuẩn mực đạo đức ngày nay để đánh giá Phương Hiếu Nhụ. Bởi cuộc chiến tranh giành ngôi vua giữa Kiến Văn đế và Yên vương Chu Lệ chẳng qua chỉ là cuộc huynh đệ tương tàn trong hoàng tộc triều Minh.
Sau khi kết thúc cuộc chiến, cựu thần Phương Hiếu Nhụ phải đối mặt với câu hỏi thật hóc búa: Tiếp tục trung hiếu với tiên hoàng hay đầu hàng tân đế. Ông ta lựa chọn bất kỳ một bên nào, suy cho cùng đều không có gì là sai.
Về mặt tài hoa, Chu Lệ vượt xa Kiến Văn đế. Thắng lợi của Yên vương Chu Lệ đã thành hiện thực, Phương Hiếu Nhụ cứ khư khư trung hiếu với Kiến Văn đế rõ ràng là hết sức cổ hủ. Nhưng chúng ta cũng không thể nêu lý do chim khôn chọn cây mà đậu, để mong Phương Hiếu Nhụ hàng quách Yên vương Chu Lệ cho rồi!
Sai lầm đích thực của Phương Hiếu Nhụ là ở chỗ trong quá trình tuẫn tiết của mình, ông ta đã làm liên lụy tới hơn 800 người khác. Đặc biệt hơn nữa là những người này bị chết tức tưởi bởi chỉ vì một câu nói cho sướng miệng của Phương Hiếu Nhụ.
Muốn tỏ rõ lòng trung hiếu với tiên hoàng thực ra có nhiều phương thức. Phương Hiếu Nhụ có thể nhân lúc nhộn nhạo lẩn vào đám đông dân chúng, chạy ra khỏi cổng thành, tới nơi thâm sơn cùng cốc ẩn cư chờ thời. Hoặc giả, ông có thể tự tận một cách oanh liệt, để lại tiếng thơm cho muôn đời! Nếu nói Phương Hiếu Nhụ một mình tuẫn tiết vì Kiến Văn đế thì suy cho cùng, đó chỉ là lựa chọn riêng của ông ta, chẳng ai có thể chê bai, bảo rằng ông ta sai được.
Chu Lệ vốn cũng không hề muốn giết Phương Hiếu Nhụ, lại càng không có ý định tru di, chỉ cố tìm cách khuyên nhủ đối phương chuyển sang trung thành với mình mà thôi. Tới khi Phương Hiếu Nhụ chẳng còn biết trời cao đất dày là gì nữa, Chu Lệ mới sôi gan hạ lệnh giết! Phương Hiếu Nhụ dồn ép Chu Lệ, đã thế lại chính miệng mình nói ra câu “Giết chín họ chứ có giết mười họ ta đây cũng không sợ” khiến hàng trăm người vô tội khác phải trả giá.
Nếu Phương Hiếu Nhụ nhẫn nhịn thêm một chút, không chọc giận Minh Thành tổ Chu Lệ thì chắc chắn vụ thảm sát kinh hoàng này sẽ không xảy ra. Mà cho dù nó có xảy ra, thì cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ, chứ không thể có cái gọi là tru di thập tộc không tiền khoáng hậu này.
Đem tiêu chuẩn đạo đức cứng nhắc của mình bao trùm lên sinh mạng của người khác, đem sinh mạng của người khác ra làm trò đùa, quả là quá ư sai lầm, quá ư ngớ ngẩn!
(Theo Tạp chí Bách Khoa tân thuyết Trung Quốc)
BÙI HỮU CƯỜNG
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 6-2009)