Dấu ấn Obama

Không còn bao lâu nữa Tổng thống Obama sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ và ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Các nhà sử học chắc chắn sẽ ghi vào sử sách sự kiện 143 năm sau khi Mỹ xóa bỏ chế độ nô lệ, nghị sĩ trẻ tài năng Barack Hussein Obama, 47 tuổi đã được bầu làm tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Ông đã trải qua hai nhiệm kỳ tổng thống mà không để lại tai tiếng nào như các đời tổng thống trước.

Ông cùng phu nhân Michelle và hai ái nữ Malia và Sasha đã tạo dựng hình ảnh tích cực về gia đình tổng thống hoàn hảo.

Nhìn lại hai nhiệm kỳ, Tổng thống Obama đã để lại những dấu ấn như sau:

Mỹ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế: Ông Obama cầm quyền vào thời điểm bùng nổ khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy từ cuộc đại suy thoái trong thập niên 1930. Tháng 1-2009, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 7,9% và vài tháng sau leo lên 10%. Hiện nay tỉ lệ thất nghiệp chỉ còn 4,7%.

Obama chuyển giao quyền lực cho Trump. Biếm họa của GARY VARVEL (báo The Indianapolis Star)

Đạt được thỏa thuận về hạt nhân Iran: Thỏa thuận ký kết vào tháng 7-2015 (Iran từ bỏ chế tạo vũ khí hạt nhân để đổi lấy hủy bỏ cấm vận) là chiến thắng ngoại giao lớn nhất của ông Obama dù Israel rất tức giận. Thỏa thuận này thể hiện một nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của ông: Tạo cơ hội trong đàm phán cho dù đó là kẻ thù của Mỹ.

Tiêu diệt Bin Laden: Đêm 1-5-2011, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã đột kích ở Abbottabad (Pakistan) và tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden. Ông Obama là người đã thông báo cho toàn thế giới biết tin vui. Hình ảnh ông ngồi trong phòng Tình huống theo dõi chiến dịch đã ghi lại dấu ấn trong nhiệm kỳ của ông.

Bất lực trước cuộc xung đột Syria: Xung đột Syria khởi đầu từ năm 2011. Tổng thống Obama đã ngần ngại đưa bộ binh đến Syria vì Mỹ đã sa lầy ở Iraq. Ông không tin cung cấp thêm vũ khí cho quân nổi dậy Syria thì Tổng thống Bashar al-Assad sẽ ra đi. Ông không muốn không kích khi chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Hành động dè dặt thái quá của ông đã bị “ném đá”. Cuối cùng ông phải thừa nhận mình bất lực.

Thúc đẩy đối phó biến đổi khí hậu: Ông Obama đã góp phần kiến tạo thỏa thuận về biến đổi khí hậu đạt được ở Paris cuối năm 2015. Sau đàm phán ở Copenhagen năm 2009 thất bại, ông đưa ra kết luận quan trọng: Đàm phán không có kết quả nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận giảm khí thải.

Cải cách bảo hiểm y tế: Luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc y tế với giá phải chăng (Obamacare) được Quốc hội thông qua năm 2010. Từ đó, số người Mỹ không có bảo hiểm y tế từ 16% năm 2010 đã giảm còn 8,9% năm 2016.

Bình thường hóa quan hệ với Cuba: Ngày 17-12-2014, Tổng thống Obama đưa ra tuyên bố lịch sử về bình thường hóa quan hệ với Cuba. 15 tháng sau ông đã đến thăm Cuba, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai nước.

Căng thẳng sắc tộc dai dẳng: Là tổng thống da đen đầu tiên nên ông Obama rất quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng sắc tộc. Tuy nhiên, ông lại tránh để mang tiếng là tổng thống của cộng đồng thiểu số trong lúc các vụ cảnh sát bắn chết người da đen ngày càng làm xã hội bất ổn.

Thất bại về nhà tù Guantánamo: Ông đã hứa đóng cửa nhà tù Guantánamo nhưng không thể vượt qua trở ngại từ Quốc hội. Đầu năm 2016, ông đề nghị khoảng 10 địa điểm ở Mỹ có thể tiếp nhận tù nhân Guantánamo nhưng vô ích.

Trả lời kênh truyền hình Mỹ ABC ngày 8-1, Tổng thống Obama đã tiết lộ quyết định khó khăn nhất của ông trong hai nhiệm kỳ tổng thống là năm 2009 đưa thêm 30.000 quân Mỹ đến Afghanistan để tăng viện cho 100.000 quân trong khi lúc tranh cử ông đã hứa sẽ chấm dứt triển khai hàng loạt binh sĩ ra nước ngoài. Dù vậy, ông đánh giá đây là quyết định đúng đắn vì lúc đó Taliban đang chiếm ưu thế ở Afghanistan. Ông thừa nhận binh lính Mỹ vẫn còn ở Afghanistan và Iraq là điều đáng thất vọng nhưng ông hiểu rằng cuộc chiến chống khủng bố sẽ kéo dài và không thể mang đến chiến thắng dứt khoát.

____________________________

8.400 binh sĩ Mỹ còn ở Afghanistan và hơn 5.000 cố vấn quân sự Mỹ đang được triển khai ở Iraq.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm