Nhật muốn quyền tự vệ tập thể

Ngày 25-9 (giờ địa phương) tại New York (Mỹ), Viện Hudson đã tổ chức lễ trao cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe giải thưởng hằng năm mang tên nhà tương lai học nổi tiếng của Mỹ Herman Kahn nhằm ghi nhận đóng góp của ông trong việc thúc đẩy thị trường tự do, an ninh toàn cầu và các ý tưởng dân chủ.

Báo Asahi Shimbun (Nhật) đưa tin tại buổi lễ, Thủ tướng Shinzo Abe đã phát biểu về kế hoạch cải cách kinh tế Nhật và quyết tâm của ông đưa Nhật trở thành quốc gia đóng góp chủ động cho hòa bình toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “Nhật sẽ không là mối liên kết yếu trong khung an ninh toàn cầu và khu vực. Nhật là một trong các nền dân chủ trưởng thành nhất thế giới. Vì vậy, Nhật cần phải là nước đóng góp quan trọng cho an ninh và phúc lợi của thế giới”.

Ông hy vọng sẽ thúc đẩy sửa đổi cách diễn giải hiến pháp Nhật theo hướng cho phép Nhật thực thi quyền tự vệ tập thể nhằm hỗ trợ các nước đồng minh như Mỹ. Hiến pháp của Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã cấm Nhật phát động chiến tranh và theo cách diễn giải hiện nay, Nhật không thể sử dụng vũ lực trừ trường hợp tự vệ.

Nhật muốn quyền tự vệ tập thể ảnh 1

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gõ chuông vào cuối phiên giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán New York ngày 25-9. Ảnh: AP

Thủ tướng Shinzo Abe nói theo cách diễn giải như thế, Nhật không thể hỗ trợ cho các tàu Mỹ gần vùng biển Nhật nếu tàu bị tên lửa CHDCND Triều Tiên tấn công. Ông mỉa mai một số ý kiến nói ông có xu hướng chủ nghĩa quân phiệt. Ông giải thích thực tế trong năm 2013, Nhật chỉ tăng ngân sách quốc phòng 0,8% trong khi “một nước láng giềng ngay sát cạnh” (ám chỉ Trung Quốc) không minh bạch trong chi tiêu quân sự đã tăng ngân sách quốc phòng mỗi năm hơn 10% từ năm 1989.

Ngày 26-9, phản ứng trước phát biểu của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng ý đồ chiến lược của Trung Quốc là minh bạch; Nhật không có quyền đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về chính sách quốc phòng của Trung Quốc.

Người phát ngôn nói Nhật đang thổi phồng các căng thẳng và duy trì không khí đối đầu để biện minh cho hành động củng cố quân sự và điều chỉnh chính sách quân sự. Người phát ngôn nói các nước châu Á đang chú ý xu hướng an ninh và chính trị Nhật đang theo đuổi vì các nước này quan ngại về các vấn đề lịch sử mà Nhật để lại sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Hôm 25-9, trong bài viết đăng trên Tân Hoa xã (Trung Quốc), chuyên gia quân sự Trịnh Văn Hào cảnh báo Nhật và Trung Quốc có thể sẽ đưa máy bay không người lái tham chiến nếu xung đột xảy ra ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ông nói Nhật đang tìm mua máy bay trinh sát US RQ-4 Global Hawk của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Senkaku/Điếu Ngư. Ông cho biết máy bay trinh sát không người lái loại lớn như US RQ-4 Global Hawk của Mỹ hoặc Tường Long của Trung Quốc không trang bị vũ khí và vì vậy không chiến sẽ không xảy ra nếu có đối đầu. Tuy nhiên, hai nước có thể sử dụng các loại máy bay không người lái loại nhỏ mang tên lửa và bom để tấn công lẫn nhau.

Theo chuyên gia Trịnh Văn Hào, tên lửa không phải là cách duy nhất Nhật bắn hạ máy bay không người lái của Trung Quốc mà Nhật còn có thể sử dụng máy bay chuyên dụng cho chiến tranh điện tử để làm tê liệt máy bay không người lái Trung Quốc.

Ngày 25-9, Thủ tướng Shinzo Abe đã đến thăm Sở Giao dịch chứng khoán New York. Báo Mainichi (Nhật) cho biết phát biểu tại đây, ông Shinzo Abe nhấn mạnh Nhật cùng Mỹ nên dẫn dắt các nỗ lực đa phương nhằm hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương vào cuối năm nay. Ông nói hai nước sẽ cùng nhau xây dựng một thị trường tự do và sáng tạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm