Mỹ chi đợt viện trợ đầu tiên cho Ukraine trong gói 61 tỉ USD

(PLO)- Lầu Năm Góc công bố đợt viện trợ quốc phòng đầu tiên cho Ukraine sau khi Tổng thống Biden ký duyệt gói viện trợ gần 61 tỉ USD cho Kiev, tập trung vào đạn dược và thiết giáp quân sự.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỉ USD, đài CNN đưa tin. Trong đó, Mỹ viện trợ 60,84 tỉ USD cho Ukraine, 26 tỉ USD cho Israel và 9,1 tỉ USD cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Gói viện trợ có gì?

Ngay sau khi ông Biden ký thành luật gói viện trợ trên, Bộ Quốc phòng Mỹ lập tức công bố đợt viện trợ đầu tiên trị giá 1 tỉ USD cho Ukraine, tập trung vào đạn dược và thiết giáp, theo hãng tin Financial Times.

Lầu Năm Góc cho biết rằng đợt hỗ trợ an ninh mới này sẽ đáp ứng “các nhu cầu an ninh và quốc phòng quan trọng” của Ukraine.

Đợt chuyển giao sắp tới sẽ bao gồm các loại đạn pháo quan trọng cho Ukraine, gồm lựu pháo cỡ nòng 155 mm và 105 mm, cũng như đạn súng cối 60 mm, đạn cho bệ phóng pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), cũng như nhiều bệ phóng chống tăng vác vai và đạn vũ khí nhỏ.

Mỹ, Ukraine.jpg
Binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Javelin của Mỹ. Ảnh: AP

Trong đợt chuyển giao này, Mỹ cũng cung cấp tên lửa tên lửa phòng không Stinger, tên lửa chống tăng TOW, Javelin và AT-4.

Tuy nhiên, đợt viện trợ sắp tới không có bất kỳ loại đạn nào dành cho hệ thống phòng không Patriot. Thay vào đó, Washington sẽ gửi cho Kiev tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow phóng từ tàu chiến và tên lửa phòng không AIM-9M Sidewinder phóng từ trên không.

Các loại tên lửa này đã được điều chỉnh trong cuộc xung đột để sử dụng cho các hệ thống phòng không lai ghép FrankenSAM. Hệ thống này được kết hợp từ các tên lửa do phương Tây chế tạo với các bệ phóng và radar do Liên Xô thiết kế.

Ngoài ra, theo Lầu Năm Góc, Mỹ cũng sẽ chuyển giao cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Bradley (IFV), thiết giáp đa dụng Humvee, xe chống mìn phục kích (MRAP), cùng nhiều loại mìn khác nhau.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết đã làm việc sát sao với Mỹ ở mọi cấp độ vài ngày qua nhằm xác định cụ thể những loại vũ khí nào sẽ được chuyển giao trong đợt đầu tiên này.

Hãng tin AP dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên rằng một số nội dung của gói viện trợ thực sự sẽ đến tiền tuyến Ukraine trong vài ngày tới, trong khi số khác có thể mất nhiều thời gian hơn.

Nga và Ukraine nói gì về gói vũ khí?

Ngày 24-4, phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng gói viện trợ quốc phòng trị giá 61 tỉ USD của Mỹ cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện trên chiến trường theo hướng có lợi cho Kiev, theo đài RT.

“Cục diện chiến trường hiện tại quá rõ ràng, tôi sẵn sàng nhắc lại lần nữa rằng thế chủ động đang nằm trong tay Nga, và dù phương Tây có gửi vũ khí mạnh nào tới Ukraine thì chúng cũng sẽ bị phá hủy dưới tay quân Moscow” - ông Peskov nói.

Cùng ngày 24-4, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov chỉ trích rằng việc Mỹ viện trợ khủng cho Ukraine. Nhà ngoại giao Nga còn cáo buộc chính quyền Washington đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc khi lợi dụng sứ mệnh duy trì hòa bình và an ninh quốc tế để phục vụ cho lợi ích của mình.

Phần mình, Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba hoan nghênh việc Mỹ thông qua gói viện trợ, nhưng lưu ý rằng số tiền đó sẽ không đủ để tạo ra sự khác biệt trên chiến trường, theo tờ The Guardian.

Mỹ, Ukraine.jpg
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: REUTERS

"Không một gói hàng nào có thể ngăn cản được Nga. Điều sẽ ngăn cản người Nga là một mặt trận thống nhất của toàn Ukraine và tất cả các nước đối tác của Kiev" - ông Kuleba nói.

Ông Kuleba kêu gọi phương Tây tăng cường sản xuất quân sự vì Ukraine đang cạn kiệt hệ thống phòng không và Nga thì có lợi thế gấp 10 lần về đạn pháo.

Ngoại trưởng Ukraine cũng kêu gọi các đồng minh của Kiev nên chuyển từ “bày tỏ lời chia buồn và cảm thông với người Ukraine và hứa sẽ giúp phục hồi” sang “ngăn ngừa thiệt hại về nhân mạng và sự tàn phá Ukraine” bằng cách cung cấp thêm vũ khí và đạn dược cho Kiev tự vệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm