Syria bầu cử Quốc hội, phương Tây phản đối

Trong khi đó, phương Tây đã lên tiếng chỉ trích động thái này.

Chính quyền nói hợp hiến, phương Tây chỉ trích mạnh mẽ

Chính phủ tuyên bố cuộc bầu cử diễn ra hợp hiến. Khẳng định này còn được đồng minh Nga nhắc lại. Tuy nhiên, phe đối lập lại cho rằng cuộc bầu cử này là “vô nghĩa”, trong khi Anh và Pháp chỉ trích cuộc bầu cử là mang tính hình thức và giả dối.

Trái ngược với tuyên bố của chính quyền Syria và Nga, các quốc gia phương Tây cho rằng cuộc bầu cử đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Theo đó, việc kêu gọi bầu cử chỉ diễn ra sau 18 tháng chuyển đổi.

"Quyết định tổ chức bầu cử là một biện pháp xa rời thực tế. Họ không thể lấy lại tính hợp pháp bằng cách dựng nên một nền dân chủ giả tạo" - một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết. Pháp cũng gọi cuộc bầu cử là "giả tạo" và do "một chế độ áp bức" tổ chức.

Asaad al-Zoubi, trưởng đoàn đàm phán của lực lượng đối lập, đã bác bỏ tuyên bố của chính phủ Syria khi cho rằng cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp và chỉ là kế nghi binh.

Người dân Syria sống tại các khu vực của lực lượng đối lập cũng phản đối cuộc bầu cử. "Chúng tôi đã quá quen với việc phải bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử giả tạo" - Yousef Doumani tại khu vực Đông Ghouta, gần Damascus cho biết - "Bây giờ chúng tôi không còn nghĩa vụ đó nữa."

Ngược lại, Shereen Sirmani, người đã chạy trốn khỏi Deir al-Zor tới Damascus từ bốn tháng trước, cho biết cuộc bầu cử này sẽ có ích cho Syria. "Chúng tôi hy vọng các cuộc bầu cử sẽ mang mọi người lại với nhau" - cô nói - "Chúng tôi ủng hộ ông Assad và kỳ bầu cử là một sự thúc đẩy dành cho ông".

Hiện tại chính quyền Damascus đang kiểm soát khoảng 1/3 lãnh thổ Syria, bao gồm các thành phố lớn ở phía tây.

Quốc hội Syria được bầu mỗi bốn năm. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, đây là lần bầu cử Quốc hội thứ hai tại nước này. Năm 2014, ông Assad đã tái đắc cử trở thành nguyên thủ Syria.

Chính phủ cũng tuyên bố sẽ không tham gia đàm phán hòa bình cho đến sau khi bầu cử kết thúc.

Cuộc bầu cử diễn ra trước cuộc đàm phán hòa giải do Liên Hiệp Quốc tổ chức nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh dài năm năm tại đây.

Tổng thống Assad bỏ phiếu tại Damascus hôm 13-4. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, vòng đàm phán thứ hai giữa các bên đã bắt đầu tại Geneva trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn.

Đàm phán hòa bình: Hy vọng mong manh

Lần đầu tiên sau năm năm chiến tranh tại Syria, Mỹ và Nga đã đồng ý đàm phán về một lệnh ngừng bắn tại đất nước này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngừng bắn có khả năng bị đổ vỡ do giao tranh liên tiếp xảy ra bất chấp hiệu lực của lệnh ngừng bắn từ tháng 2.

Một đại diện đàm phán của quân nổi dậy, Bassma Kodmani cho biết trước khi vòng đàm phán bắt đầu tại Geneva, Thụy Sĩ thì tại Syria, tình hình đã vô cùng tồi tệ đến mức lệnh ngừng bắn tưởng như đã bị sụp đổ.

Cả chính quyền và quân nổi dậy đều đổ lỗi nhau là đã vi phạm ngừng bắn. Trong tuần qua, giao tranh tiếp tục leo thang tại nhiều khu vực phía Bắc giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu lệnh ngừng bắn mất hiệu lực, tiến trình hòa bình cũng khó thể xảy ra. Trong khi đó, các buổi nói chuyển ban đầu lại đạt được ít chuyển biến đáng kể.

Khi bàn về tương lai của Tổng thống Assad, phía đối lập giữ lập trường yêu cầu ông phải từ chức và không tham gia vào chính quyền mới.

Theo trưởng đoàn đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura, các quan chức cấp cao tại Moscow, Damascus, Tehran và Amman đều ủng hộ ý tưởng về một quá trình chuyển đổi chính trị, song ông mong muốn tiến trình sẽ cho ra một cam kết ràng buộc thực chất.

Trong khi đó, theo RT (Nga), các cơ quan tình báo của Mỹ và các đồng minh tại Trung Đông đã lên kế hoạch B nếu đàm phán bế tắc: chuyển vũ khí cho lực lượng nổi dậy trong một chương trình chuyển giao bí mật nhằm giúp phiến quân chống chọi lại với pháo binh và không quân Syria.

Hiện CIA chưa có bình luận gì về cáo buộc này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm