Sau cuộc sục sạo khoảng 8.200 km2 ở Nam Ấn Độ Dương để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích bí ẩn MH370 của hãng hàng không Malaysia, cho đến giờ vẫn chưa tìm thấy manh mối cụ thể nào về số phận chiếc máy bay xấu số trên. Công ty Ocean Infinity (Mỹ) hồi tháng 1 ký hợp đồng với chính phủ Malaysia nối lại cuộc tìm kiếm MH370 với cam kết “không tìm thấy, không lấy tiền”. Nhưng đến nay, Ocean Infinity cũng chưa phát hiện dấu hiệu nào của MH370, theo Sputnik.
Bằng chứng duy nhất về chiếc Boeing 777 được tìm thấy tính đến thời điểm hiện nay là các mảnh vỡ tìm thấy được ở đảo thuộc Ấn Độ Dương và bờ biển phía Đông châu Phi, với ít nhất ba mảnh vỡ được xác định là thuộc về MH370.
Một tác phẩm nghệ thuật trên cát của một nghệ sĩ Ấn Độ nhằm cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số trên chuyến bay mang số hiệu MH370. Ảnh: AFP
Không tìm thấy xác máy bay, thi thể hành khách, không có một lời kêu cứu nào từ phi công… Chuyện gì đã xảy ra với chiếc Boeing 777 và 239 người trên chuyến bay cho tới nay vẫn còn là một ẩn số. Trong tập mới nhất chương trình 60 Minutes của kênh truyền hình CBS(Australia) phát sóng vào tối 13-5, nhóm các chuyên gia hàng không đều nhất trí khả năng mất tích của chiếc MH370 là một tai nạn chỉ có tỉ lệ “một phần một nghìn tỉ” và khẳng định chính cơ trưởng Zaharie Amad Shah – người điều khiển máy bay hôm đó – đã cố tình cho máy bay rơi.
Nhà điều tra các vụ rơi máy bay kỳ cựu Larry Vance nhận xét: “Tôi tin người phi công đó đã tự tử và điều khiển máy bay tới một địa điểm hẻo lánh nhất đến mức nó biến mất hẳn. Không may, ông ta cũng đã sát hại mọi người trên chuyến bay, và ông ta cố tình làm như vậy”.
Ngoài ra, ông Vance tin rằng viên phi công Shah đã mang mặt nạ oxy trước khi giảm áp suất trong khoang để khiến hành khách và thành viên phi hành đoàn bất tỉnh.
Theo Simon Hardy - một hướng dẫn viên đồng thời là một phi công có nhiều năm kinh nghiệm lái chiếc Boeing 777, Cơ trưởng Shah cố ý không để hệ thống radar quân sự của Malaysia và Thái Lan phát hiện khi bay dọc biên giới hai nước này.
“Khi chiếc máy bay đi qua Thái Lan và Malaysia, nó bay dọc theo đường biên giới, bay qua lại trong vùng không phận hai nước, ra vào liên tục. Điều này khiến cho trạm kiểm soát hai nước đều không chú ý tới chiếc máy bay bí ẩn. Nếu như tôi được giao nhiệm vụ làm cho một chiếc Boeing 777 biến mất trên hệ thống radar, tôi sẽ làm chính xác như vậy” – ông Hardy nói.
Các chuyên gia kết luận MH370 rơi là hành động tự sát của phi công. Ảnh mô phỏng của tờ An-Nahar
Ông Hardy cho biết, ông đưa ra kết luận này sau khi tái dựng lại lộ trình bay của phi công Shah thông qua radar quân sự.
Theo chuyên gia Hardy, chiếc máy bay đã không bay đúng hướng và viên phi công đã nhúng phần cánh máy bay xuống vùng biển ở bang Penang, Malaysia, sau đó vòng lượn gấp bởi Shah muốn lần cuối nhìn thấy quê hương mình.
“Tôi đã suy nghĩ rất lâu điều này có thể là gì, lý do kỹ thuật nào có thể là nguyên nhân. Và sau hai tháng, ba tháng suy nghĩ, tôi cuối cùng đã có được câu trả lời - có ai đó đang nhìn ra ngoài cửa sổ. Đó có lẽ là lời vĩnh biệt xúc động kéo dài hoặc có thể chỉ kịp nói lời vĩnh biệt với quê hương anh ấy (phi công Shah)” – ông Hardy cho hay.
Ông Martin Dolan, đại diện Ủy ban An toàn giao thông Australia khi MH370 mất tích, cũng đồng tình với kết luận trên, tin rằng MH370 rơi là vụ tự sát tập thể của phi công. “Điều đó đã được lên kế hoạch, có chủ ý và đã được thực hiện trong một thời gian dài” – ông Dolan nói.
Năm 2016, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng đưa ra suy đoán tương tự rằng “có khả năng phi công đã lên kế hoạch cho một sự kiện gây sốc”. Cũng trong năm này, một thông tin được Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) tiết lộ nói rằng, cơ trưởng của MH370 đã thực hiện nhiều chuyến bay mô phỏng trên máy tính tại nhà, với đường bay gần như khớp với đường đi của MH370 đi về phía Nam qua Ấn Độ Dương.
Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích hôm 8-3-2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh cùng với 239 người trên khoang.