Lo “quan tham” nhẹ tội nhờ thành tích ảo

Trong ba năm (2010-2013), ngành tòa án cả nước đã thụ lý, giải quyết 1.129 vụ án với 2.633 bị cáo bị truy tố về các tội phạm tham nhũng. Số án thụ lý năm sau luôn tăng cao hơn so với năm trước. Án tham nhũng bùng phát, những đại án với thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng liên tiếp làm công luận choáng váng, phẫn nộ, đòi hỏi phải nghiêm trị người phạm tội, thu hồi tài sản thất thoát. Quyết tâm của cả hệ thống chính trị là có nhưng thực tiễn xét xử án tham nhũng của ngành tòa án vẫn chưa suôn sẻ bởi nhiều vướng mắc đến từ việc quy định còn chung chung, thiếu hướng dẫn rõ ràng, các cơ quan tố tụng nhận thức, hiểu luật khác nhau…

Những khoảng mờ chờ hướng dẫn

Tại hội nghị, ông Nguyễn Mai Bộ (Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) cho biết: Quy định về tình tiết định khung tăng nặng trong một số tội phạm về tham nhũng, chức vụ hiện nay chưa được giải thích, hướng dẫn nên rất khó áp dụng thống nhất. Chẳng hạn, như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hay gây hậu quả nghiêm trọng khác?

Xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II tại TAND TP.HCM.  Ảnh: HTD

Quy định còn chung chung, thiếu hướng dẫn rõ ràng dẫn đến hệ quả là các cơ quan tố tụng nhận thức, hiểu luật khác nhau khi đánh giá chứng cứ và xác định tội danh, khung hình phạt, dẫn đến việc trả hồ sơ làm quá trình giải quyết án bị kéo dài. Như có vụ làm giả hồ sơ thương binh để hưởng trợ cấp, VKS truy tố công chức nhận tiền làm giả hồ sơ về tội giả mạo trong công tác. Tòa nói còn bỏ lọt hành vi nhận hối lộ nhưng phía VKS lại bảo hành vi nhận tiền thể hiện tính “vụ lợi, động cơ cá nhân” là dấu hiệu khách quan trong tội giả mạo trong công tác nên không thể truy tố thêm tội nhận hối lộ...

Bà Bùi Thị Ngọc Dung (Phó Chánh Tòa hình sự TAND Tối cao) phân tích thêm: Việc xác định thế nào là tài sản của Nhà nước trong các doanh nghiệp có một phần vốn góp của Nhà nước cũng còn có nhận thức khác nhau. Vì thế, việc xác định hành vi nào phạm tội tham ô tài sản, hành vi nào phạm tội trộm cắp tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… vẫn chưa có sự thống nhất.

Cạnh đó, BLHS và Luật Phòng, chống tham nhũng cũng chưa có sự tương thích giữa khái niệm “tội phạm tham nhũng” với “hành vi tham nhũng”. Một số hành vi tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng không bị coi là tội phạm tham nhũng theo BLHS. Cụ thể, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định có 13 nhóm hành vi tham nhũng nhưng trong BLHS lại chỉ có bảy tội danh (tương ứng bảy hành vi phạm tội).

Ngoài ra, theo bà Dung mô hình tố tụng hình sự hiện nay phân chia quyền lực tư pháp theo từng giai đoạn điều tra - truy tố - xét xử. Quy định về giới hạn xét xử trong BLTTHS chỉ cho phép tòa xử về tội danh nhẹ hơn hoặc bằng so với đề nghị truy tố của VKS. Vì vậy khi xem xét thấy bị cáo phạm một tội nặng hơn thì tòa phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Nếu sau đó VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì tòa đành phải xét xử theo đề nghị truy tố của VKS rồi kiến nghị tòa cấp trên hủy án để điều tra, xét xử lại. “Đây chính là nguyên nhân làm kéo dài thời gian giải quyết án tham nhũng” - bà Dung nhận định.

E ngại thành tích ảo của "quan tham"

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Mai Bộ bày tỏ lo ngại về việc đánh giá nhân thân của người phạm tội từng giữ chức vụ được khen thưởng. Với những cựu cán bộ này, khi xét xử và quyết định hình phạt tòa phải cho họ hưởng các tình tiết giảm nhẹ: nhân thân tốt, người phạm tội có thành tích xuất sắc trong công tác.

Vấn đề là không ít trường hợp cơ quan điều tra xác định trong thời gian được khen thưởng đó, họ đã nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội và diễn ra trong một thời gian dài nhưng sau này mới bị phát hiện. Điển hình như trong một vụ làm giả hồ sơ thương binh để hưởng chế độ trợ cấp, bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhiều lần nhận tiền để thực hiện hành vi giả mạo trong công tác. Cũng trong thời gian đó, bị cáo được tặng thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, trong ba năm liền (2008-2011) được công nhận là chiến sĩ thi đua.

Theo ông Bộ, sự thật là bị cáo này không những không thực thi tốt công vụ được giao mà còn lợi dụng công vụ để trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước. Rõ ràng bị cáo đã thoái hóa, biến chất từ rất lâu nhưng cơ quan chủ quản không nhận ra, dẫn đến việc khen thưởng nhầm. Chỉ đến khi tội phạm bị phát hiện thì sự thật về nhân cách và phẩm chất của bị cáo mới sáng tỏ.

“Với các trường hợp như trên, tòa cần phải xác định họ có nhân thân xấu và không chấp nhận các thành tích đã được tôn vinh. Đồng thời với việc kết tội, tòa cần bóc trần cái vỏ thành tích xuất sắc trong công tác của họ” - ông Bộ đề nghị.

Bên cạnh đó, ông Bộ cũng cảnh báo: Khi quyết định hình phạt, việc tòa lạm dụng các tình tiết nhân thân tốt, có thành tích xuất sắc trong công tác để giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo phạm các tội về chức vụ là thiếu công bằng, làm giảm hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

BÌNH MINH

Hạn chế do cắt khúc

Theo Phó Chánh tòa hình sự TAND Tối cao Bùi Thị Ngọc Dung, hầu hết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trên cả nước đều do cơ quan điều tra Bộ Công an thực hiện điều tra, VKSND Tối cao kiểm sát điều tra, ra cáo trạng truy tố rồi ủy quyền cho VKSND cấp tỉnh thực hành quyền công tố. Do có sự cắt khúc, phân cấp giữa kiểm sát điều tra và công tố nên khi tòa thụ lý, nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị xét xử gặp vướng mắc cần trao đổi làm rõ (về chứng cứ, định tội, định khung…) hoặc phải trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung thì cơ quan điều tra, VKS cùng cấp không thể trực tiếp giải quyết kịp thời mà phải chuyển hồ sơ đợi kết quả của cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND Tối cao.

Trong quá trình điều tra, nhiều bị can từng khai nhận hành vi phạm tội nhưng ra tòa lại phản cung, nói bị điều tra viên mớm cung, ép cung nên mới khai nhận tội. Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa do không tham gia kiểm sát, điều tra vụ án từ đầu mà chỉ được VKS cấp trên ủy quyền nên thường bị động trong đối đáp, tranh luận trước các tài liệu, chứng cứ, tình huống, lý lẽ của luật sư, bị cáo, những người tham gia tố tụng khác. Từ đó bị cáo, luật sư cho rằng các cơ quan tố tụng áp đặt quan điểm, định tội chưa có đầy đủ chứng cứ pháp lý thuyết phục nên không tâm phục, khẩu phục. Điều này đôi khi cũng dẫn đến hoài nghi trong dư luận nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm