Nên hỏi dân giá đền bù không?

Cách đây bốn năm, một công ty phát triển nhà ở và chính quyền địa phương đã lập dự án giải tỏa chung cư cũ để xây dựng khu chung cư mới. Dự án xây dựng có tổng diện tích 420.000 m2, ảnh hưởng đến 5.473 hộ gia đình.

Sau nhiều năm, dự án vẫn chưa thể triển khai vì thương lượng đền bù giải tỏa 20 lần vẫn không thành. Tháng 5-2007, công ty phát triển nhà ở và chính quyền địa phương đã đồng ý tăng tổng số tiền đền bù lên 100 triệu nhân dân tệ (hơn 200 tỷ đồng VN) nữa nhưng người dân vẫn chưa nhất trí hoàn toàn. Cuối cùng, vào ngày 9-6, chính quyền quận Triều Dương đã phối hợp với công ty phát triển nhà ở tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến thăm dò nhân dân phường Tửu Tiên Kiều về phương án đền bù giải tỏa.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra dưới sự giám sát của đại diện nhân dân và phóng viên. Tham gia kiểm phiếu có các công chứng viên của Phòng Công chứng Bắc Kinh và đại diện người dân. Kết quả có 3.711 hộ trong 5.473 hộ gia đình thuộc diện giải tỏa đi bỏ phiếu. 2.451 hộ đồng ý di dời và nhận tiền đền bù, 1.228 hộ phản đối và số còn lại là phiếu không hợp lệ. Kết quả bỏ phiếu sẽ được chính quyền phường Tửu Tiên Kiều xem xét khi bàn bạc thúc đẩy dự án với công ty phát triển nhà ở.

Tại Trung Quốc, khi chính quyền cần giải phóng mặt bằng để xây dựng chung cư, trung tâm thương mại, người dân sẽ được đền bù bằng tiền hoặc được bố trí vào nhà tái định cư. Tuy nhiên, đền bù cho dân thế nào mới hợp lý là vấn đề vẫn còn tranh cãi. Do đó, việc tổ chức lấy ý kiến người dân ở phường Tửu Tiên Kiều có thể xem là một thay đổi lớn khiến báo chí và dư luận đều phải chú ý.

Nhiều người hoan nghênh cách làm nói trên nhưng cũng có nhiều ý kiến phân tích trái ngược. Tờ Nhân dân nhật báo nhận xét đây là một bước tiến mới vì chính quyền biết lắng nghe ý kiến người dân và so với hình thức cưỡng chế di dời, người dân đã có tiếng nói hơn. Còn theo tờ Nhật báo Quảng Châu, những người dân không muốn di dời có quyền đòi bồi thường hợp lý và không thể áp dụng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số đối với quyền về tài sản cá nhân. Báo Tin tức Bắc Kinh bình luận: Trên quan điểm pháp lý, đa số không có quyền bác bỏ quyền lợi về bất động sản của thiểu số, vì vậy chỉ nên xem việc lấy ý kiến người dân là một trong những quy trình thảo luận để chính quyền nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã thông qua Luật Sở hữu tài sản. Luật bắt đầu có hiệu lực vào tháng 10 tới nên các chuyên gia nghĩ rằng vấn đề tài sản cá nhân phải được giải quyết bằng luật chứ không đơn giản chỉ là tổ chức lấy ý kiến người dân.  

Ngày 31-8, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 đã thông qua quyết định sửa đổi Luật Quản lý nhà đất thành phố. “Để đáp ứng nhu cầu lợi ích cộng đồng, chính phủ có thể trưng thu nhà ở của các đơn vị và cá nhân trên đất thuộc quyền sở hữu nhà nước đồng thời tiến hành bồi thường theo pháp luật. Nếu trưng thu nhà ở của cá nhân, cần phải đảm bảo điều kiện ăn ở cho người bị trưng thu. Biện pháp cụ thể sẽ do Quốc hội quy định”.

PHƯƠNG TUYẾN

LÊ LINH (Theo China Daily, Beijing Review)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm