Những đường ống cắm sâu xuống đáy sông, những máy bơm hút, những gàu xúc đang hối hả làm việc để chuyển cát lên xe tải đang đợi sẵn. Trên bờ, những công nhân đang chọn nhặt những hòn cuội to bằng nắm tay rồi bỏ vào các bao tải để xe chở đi.
Theo ông Pascal Peduzzi, thuộc Chương trình bảo vệ môi trường của Liên Hiệp Quốc, “lâu nay chúng ta luôn nghĩ rằng cát là nguồn tài nguyên vô tận… Và trong bốn năm trở lại đây, Trung Quốc đã tiêu thụ một khối lượng cát bằng tổng khối lượng mà Hoa Kỳ đã tiêu thụ trong vòng 100 năm”.
Và cũng gần những công trường khai thác nói trên, nơi lòng sông Mekong khá cạn và nông dân đến đó để lưới cá, nước chỉ sâu quá gối. Một nông dân giấu tên nói: “Sông ở đây giờ thay đổi nhiều lắm rồi. Bờ sông lún sụt hết. Trước đây đâu có vậy. Chúng tôi phải ra xa hơn mới có cá”. Mà cá nhỏ xíu…
Hạn mặn gay gắt đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long cũng xuất phát từ việc sử dụng nguồn nước sông Mekong không hợp lý. Ảnh: GIA TUỆ
Chị Deaun Saengarun, 36 tuổi, có hai con, làm nghề trồng rau trên những khoảnh đất dọc bờ sông, đang làm việc cho công trường khai thác cát và đá cuội để kiếm được mỗi ngày khoảng chục euro, cho biết: “Giờ thì chuyện đi lấy nước tưới rau là cả vấn đề”.
Anh Air Phangnalay, 44 tuổi, làm việc trên công trường, giải thích: “Lúc này chúng tôi đang có nhiều khách hàng đến từ Trung Quốc. Họ xây nhiều khu nhà lớn ở Vientiane nên họ đang cần nhiều cát sỏi lắm”.
Theo những nghiên cứu mới đây, sông Mekong tạo ra khoảng 20 triệu tấn trầm tích mỗi năm nhưng hiện nay mỗi năm con người lấy đi của dòng sông 50 triệu tấn! Dòng sông cần có lượng phù sa đủ để chuyển xuống vùng hạ lưu nông nghiệp để ngăn nước biển xâm nhập, chống nhiễm mặn. Thêm vào đó, việc xây dựng nhiều đập nước trên dòng sông đã chặn dòng chảy tự nhiên khiến tình hình thêm tồi tệ.
Chuyên gia Pascal Peduzzi giải thích thêm rằng ngay cả khi con người ngưng việc khai thác như hiện nay thì cũng phải mất vài chục năm nữa sông Mekong mới có thể “bình phục”.